Bất tử hóa một Nhật Bản thời hậu chiến

Thứ Năm, 17/07/2014 07:42 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - 9 ngày trước khi tuyên bố khai mạc Olympic Tokyo 1964, Nhật Hoàng Hirohito đã chủ trì buổi lễ chứng kiến đoàn tàu viên đạn đầu tiên của Nhật Bản phóng một mạch từ Tokyo tới Osaka với tốc độ khó tin khi ấy là 210km/h.

Chạy dọc theo một cung đường sắt cao tốc mới mẻ, được chế tạo vô cùng cẩn thận, băng qua tổng cộng 108 km đường hầm và hơn 3.000 cây cầu, màn trình diễn của tàu cao tốc trên tuyến đường mang tên Tokaido Shinkansen (Đường tàu mới) khi ấy không phải để "lấy le" cho Nhật Bản trước Olympic.

Những kỳ tích đáng kinh ngạc

Tuyến đường sắt trên về sau đã không chỉ thuộc hàng nhanh nhất, hiện đại nhất mà còn được sử dụng nhiều nhất thế giới. Ngày hôm nay các đoàn tàu Shinkansen 16 toa trông như con rắn rời Tokyo tới Osaka sau mỗi 3 phút. Từng đoàn tàu này có chỗ ngồi thoải mái cho 1.323 hành khách, di chuyển với tốc độ hành trình 270 km/h.

Từ năm ngoái các đoàn tàu đi trên Tohuku Shinkansen, một trong 6 tuyến đường sắt cao tốc khai trương suốt 50 năm qua, đã có thể đạt tốc độ 320km/h tại một số điểm. Những đoàn tàu cao tốc này, với nhiều tuyến đường tỏa đi khắp Nhật Bản, đã khiến hoạt động di chuyển nội địa bằng máy bay trở nên kém hấp dẫn.


Hình ảnh tàu viên đạn lướt dưới núi phủ tuyết trắng đã trở thành biểu tượng của một nước Nhật phục hồi hoàn toàn sau chiến tranh

Không chỉ có tốc độ cao, tần suất hoạt động lớn, sạch không tì vết và luôn tới bến đúng giờ tới từng giây, tỷ lệ thải khí gây ô nhiễm của các đoàn tàu này cũng chỉ bằng 16% những chiếc xe hơi mà người ta cần sử dụng để đưa lượng người tương tự đi cùng 1 hành trình.

Ngoài ra kể từ khi Hirohito khai trương đoàn tàu đầu tiên vào năm 1964, đã không có vụ tai nạn gây tử vong nào trên đường sắt cao tốc. Suốt 50 năm qua, chỉ có 2 đoàn tàu bị trật bánh. Một trường hợp là trong trận động đất hồi năm 2004 và trường hợp còn lại trong một cơn bão tuyết, đủ để thấy thành tích an toàn cực cao của tàu viên đạn.

Biểu tượng của một Nhật Bản đã hồi phục

Ngoài ý nghĩa ứng dụng thực tiễn, tàu viên đạn giống như một mốc son, một hình ảnh biểu tượng đánh dấu sự phục hồi kinh tế và văn hóa Nhật Bản, gần 20 năm sau khi Thế chiến II kết thúc. Trong những bức ảnh giới thiệu thành tựu của Nhật Bản khi đó luôn có cảnh các đoàn tàu viên đạn chạy xuyên qua những hàng cây anh đào nở hoa, dưới đỉnh núi phủ tuyết trắng đẹp mê hồn.

Không chỉ dừng lại ở tàu viên đạn, du khách tới dự Olympic 1964 còn kinh ngạc trước một Nhật Bản tràn đầy năng lượng, đầy những công trình kiến trúc mới lạ, các xa lộ hiện đại, những chiếc xe máy, máy ảnh thời thượng, một nền văn hóa đậm đà bản sắc đứng bên nhiều thứ choáng ngợp khác.


Bên trong tàu viên đạn hầu như không có rung lắc và tiếng ồn, khiến việc phục vụ hành khách trở nên vô cùng dễ dàng

Tuy nhiên, cái giá để tạo ra sự choáng ngợp ấy không hề rẻ. Chi phí sản xuất Tokaido Shinkansen vô cùng đắt đỏ, đã vượt quá vốn đầu tư ban đầu tới 100%. Bê bối này khiến chủ tịch Công ty đường sắt quốc gia Nhật Bản Shinji Sojo lẫn kỹ sư trưởng Hideo Shima đều bị buộc phải từ chức. Chẳng ai được mời tới dự lễ khai trương đoàn tàu tráng lệ mà họ góp sức tạo ra.

Cuộc phiêu lưu và là canh bạc tài chính lớn nhất do họ thực hiện đã bắt đầu từ năm 1959, khi Shima được mời để thiết kế, xử lý các vấn đề kỹ thuật của tuyến đường sắt mới.

Shima và cộng sự nảy sinh ý tưởng xây các đoạn đường trên cao, với chiều rộng như xa lộ bình thường, trên đặt các đường ray của mạng lưới tàu cao tốc. Hệ thống đường trên cao sẽ được xử lý để bằng phẳng ở mức lớn nhất có thể và ít góc quanh.

Các đoàn tàu cũ ở Nhật Bản sẽ không được dùng đường ray mới mà chỉ dùng đường ray cũ. Đường ray mới của tàu viên đạn rộng tới 1,4 mét do tuân theo tiêu chuẩn Âu Mỹ, qua đó giúp tàu ổn định hơn và đạt tốc độ cao hơn.

Thiết kế đường sắt đầu tiên của Shima là dành cho các đầu tàu hơi nước và một trong những mẫu đầu tàu của ông đã lập kỷ lục tốc độ vào năm 1954. Sau thời điểm này, tốc độ nghiên cứu đã được đẩy lên rất nhanh. Dù Shima bị đổ lỗi làm chi phí tăng cao, ngày hôm nay ông vẫn được xem là cha đẻ tàu viên đạn Shinkansen và các đoàn tàu cao tốc chạy điện hiện đại.

Vẫn đầy hấp lực sau nửa thế kỷ    

Kể từ khi khai trương cách đây 50 năm, tuyến Tokaido Shinkansen đã chuyên chở hơn 5,5 tỷ lượt hành khách và các đoàn tàu hoạt động trên nó vẫn không ngừng biến đổi. Với phần mũi lớn và dài, các bánh xe nằm chìm dưới thân, được tô vẽ bằng sơn màu xanh lam hoặc xanh lục, các đoàn tàu E5 và E6 đời mới nhất trông vô cùng đẹp mắt.

Nhìn từ xa, chúng giống những con lươn tới từ một hành tinh xa lạ và khi hoạt động, chúng cũng đặc biệt không kém. Sau khi trườn khỏi các nhà ga, chúng dễ dàng đạt tốc độ 270km/h chỉ sau 3 phút và tại một số điểm có thể đạt tốc độ 320 km/h.

Bên trong tàu hoàn toàn êm ái, tĩnh lặng, không có rung động. Các con tàu này có nhà vệ sinh cực kỳ sạch sẽ, ấn tượng, ghế có thể thay đổi độ cao và các tiếp viên xinh đẹp bê đồ ăn tới tận chỗ khách mời. Nhân viên ăn mặc rất bặt thiệp, thái độ vô cùng lịch sự.

Hiện nay mạng lưới Shinkansen vẫn tiếp tục lớn lên. Thế hệ tàu cao tốc mới hiện đang hoạt động quanh các đảo Honshu và Kyushu, sẽ vươn tới đảo Hokkaido vào năm 2016 trước khi đến Sapporo trong năm 2035. Khi đó đoạn đầu tiên của tuyến Chuo Shinkansen chạy từ Tokyo tới Osaka sẽ được khai trương, với những đoàn tàu Maglev có thể đạt tốc độ 500 km/h!

Để thiết kế và xây dựng một mạng đường sắt cao tốc mới, trong khi vẫn duy trì hoạt động bình thường của các đoàn tàu 320km/h đã là kỳ tích, dù xét theo bất kỳ tiêu chuẩn nào.

Và cho dù Nhật Bản có biến động như thế nào kể từ năm 1964, Shinkansen vẫn là hình ảnh tiêu chuẩn về một quốc gia tái sinh thời hậu chiến, đã khiến thế giới sốc và kinh ngạc. Ngày hôm nay hình ảnh mê hoặc của đoàn tàu viên đạn Shinkansen phóng như bay cạnh những cây anh đào nở rộ hoa, dưới những ngọn núi phủ tuyết trắng, vẫn giữ nguyên sức quyến rũ, không hề thay đổi sau cả nửa thế kỷ.

Tường Linh
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›