“Bath” trong tiếng Anh là bồn tắm.
Khi người La Mã sang xâm chiếm nước Anh cách đây 2000 năm họ phát hiện một nguồn suối khoáng nóng ở độ sâu 4.800 mét chảy thành mạch bên sông Avon nằm ở phía Tây Nam nước của Anh. Đối với người La Mã, các mạch nước nóng đều thuộc quyền sở hữu của Nữ thần Sulis hay còn gọi là Thần nước thiêng, họ lập tức cho xây dựng một tổ hợp bao gồm khu Đền thờ thần Sulis và các khu tắm khoáng nóng. Đây là nơi người La Mã đến cầu nguyện, chữa lành bệnh tật bằng tâm linh và gột rửa tội lỗi. Từ đó, thành phố “Bồn Tắm” ra đời.
Bath nằm trọn vẹn trong thung lũng sông Avon, được bao quanh bởi những ngọn đồi đá vôi giáp ranh với vùng Cosworld, là khu vực được bảo tồn vẻ đẹp tự nhiên của Anh. Các bức tường cổ ở đây được xây dựng từ thời La Mã chạy bao thành phố vòng quanh dưới chân các ngọn đồi. Trên sườn dốc, các tòa lâu đài và những ngôi nhà cổ kính chạy thành hình vòng cung nằm quay mặt về hướng lòng sông.
Tôi đến Bath vào một ngày tháng 4, không khí đang giao thoa chuyển từ lạnh sang ấm dần của mùa Xuân, sương chưa tan khiến cả thành phố chìm trong một làn khói mông lung mờ ảo. Từ cửa sổ xe buýt hai tầng nhìn xuống, thành phố dần dần hiện ra với những đường nét dịu dàng. Dòng sông Avon phẳng lặng uốn mình qua các dãy nhà hình vòm xây bằng đá màu vàng, một cây cầu bắc qua sông nối trung tâm sầm uất với khoảng công viên xanh ngát phía bên kia bờ. Nắng đầu mùa chiếu lên mặt nước những tia sáng lung linh lấp loáng.
Xe buýt du lịch dừng ngay tại trung tâm thành phố nơi có các dãy cửa hàng thời trang cao cấp và các khu mua sắm sầm uất. Dân số ở Bath có khoảng 100 nghìn người nhưng hàng năm thành phố đón trên năm triệu khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới, đông đúc bất kể mùa đông hay mùa hè. Được thừa hưởng những nét cổ điển của văn hóa La Mã, Bath được biết đến như một thành phố di sản sang trọng và lãng mạn nhất của vùng miền Nam nước Anh.
Roman Bath
Đểm nhấn chính của thành phố này chính là Roman Bath (Nhà Tắm Kiểu La Mã), được bảo tồn và phát triển qua nhiều thế kỷ. Ngày nay khu vực liên hợp này trở thành một bảo tàng Spa và tín ngưỡng mang đẳng cấp thế giới, phản ánh sinh động cuộc sống và văn hóa của người La Mã cổ đại tại Anh.
Cách đây 400 năm, khi tiến hành khảo cổ các di sản văn hóa La Mã, người ta phát hiện ra dưới lòng đất một tổ hợp suối nước nóng, đền đài và các phòng tắm Spa được xây dựng công phu. Nhiều các di vật như tiền xu, trâm cài đầu, vòng tay vòng cổ, bình đựng nước và các đồ dùng cá nhân khác cũng được tìm thấy trong quá trình khai quật.
Theo truyền thuyết của người La Mã, các suối nước nóng là do thần Sulis Minerva cai quản, họ gọi là Suối Thiêng, là nơi kết nối con người với thế giới bên kia. Người La Mã đến Suối Thiêng cầu nguyện, ném những món trang sức quý giá hay tiền bạc xuống suối để xin thần Sulis trông coi và chăm sóc gia đình của họ. Trải qua hơn 1600 năm dưới lòng đất khu di tích này vẫn còn tồn tại nguyên vẹn.
Ghé thăm bảo tàng, bạn sẽ được khám phá các tầng lịch sử của khu phức hợp Spa này. Trên mặt đất là các tòa nhà hầu hết có niên đại từ thế kỷ 19 trưng bày các bức tượng lớn kiểu La Mã của Hoàng đế và các Thống đốc Vương quốc La Mã cổ đại.
Qua hành lang sân thượng, đi xuống phía dưới lòng đất bạn sẽ được vào khu vực Suối Thiêng, có thể tận mắt nhìn thấy các mạch ước nóng phun lên sủi tăm và bốc hơi như ở thời kỳ La Mã. Nguồn nước nóng này chính là nguồn nước chảy vào bể khoáng nằm giữa trung tâm bảo tàng. Đây là bể tắm Spa kiểu La Mã được cho là lớn nhất Châu Âu.
Royal Crescent và Circus
Nói đến Bath, không thể không nhắc đến là hai công trình kiến trúc nổi tiếng Royal Crescent (Tòa nhà Trăng Lưỡi Liềm) và Circus (Vòng tròn hình Rạp Xiếc) của hai cha con kiến trúc sư người Anh John Wood Cha và Con. Đây là hai là địa điểm được tham quan và chụp ảnh nhiều nhất trên thế giới.
Royal Crescent là khu chung cư đô thị gồm 30 ngôi nhà liền kề được bố trí theo hình lưỡi liềm dài 150 mét nằm ngay trung tâm thành phố. Royal Crescent do John Wood Con thiết kế và được xây dựng từ năm 1767 đến năm 1774, là một công trình điển hình nhất của kiến trúc Georgian tại Anh– lối kiến trúc dựa trên tính đối xứng của kiến trúc Hy Lạp và La Mã. Các ngôi nhà được thiết kế dành cho giới thượng lưu trước đây với mặt trước có kiểu dáng đồng nhất, phần nội thất và khu vực phía sau chủ nhà có thể tự bố trí theo sở trường riêng của mình. Cho đến nay bề mặt của các ngôi nhà này hầu như không thay đổi, tuy nhiên việc sở hữu tư nhân các căn nhà của tòa Crescent là rất ít. Bên trong tòa nhà người ta chia nhỏ thành các căn hộ cao cấp, khách sạn và phòng trưng bày nghệ thuật. Giá cho một căn nhà có thể lên tới 6 triệu bảng Anh.
Cách Royal Crescent không xa trên cùng một cung đường là tòa Circus. Đây là một kiệt tác kiến trúc Anh thế kỷ 18, do cha của John Wood thiết kế. Cùng mang đậm phong cách Georgian, nhưng các ngôi nhà được cấu kết với nhau thành ba hình vòng cung đặt giáp nhau thành một vành đai hình tròn ngăn cách bởi các lối đi giữa các tòa nhà. Nếu Royal Crescent của John Wood Con được ví như mặt trăng của Bath thì Circus do cha ông thiết kế được coi là mặt trời của thành phố. Người ta gọi Crescent và Circus là hai viên ngọc quý trên vương miện kiến trúc của thành phố Bath.
Hài hòa và lãng mạn
Bath còn có rất nhiều địa danh nổi tiếng như Tu Viện lớn, Bảo tàng Thời trang, Bảo tàng Jane Austen, Công viên Hoàng gia Victoria, Bảo tàng Thiên văn học hay Khu phố cổ. Ngoài ra người ta có thể dành một nửa buổi chiều đi xe điện trên cao để có thể ngắm toàn thành phố phía dưới. Nhưng tôi chỉ có một ngày ở Bath, nên buổi chiều tôi quyết định dành thời gian đi bộ lên các triền đồi để ngắm các tòa lâu đài và những ngôi nhà cổ kính với khu vườn xanh mát mắt phía trước. Tôi cứ tò mò không hiểu những người nào có may mắn được ở đó, người được thừa kế gia sản lớn, thương gia và các nghệ sĩ thành công, người có thu nhập cao ở Anh như bác sĩ, giám đốc ngân hàng hay đơn giản chỉ là các nhà văn muốn tìm đến đây để lấy cảm hứng sáng tác?
Khi đi bộ sang phía bên kia cầu Pulteney thì mặt trời đã xuống sâu, tôi biết mình không còn đủ thời gian leo dốc nữa. Tôi đành ngồi lại bên bờ sông, ngắm mặt trời đỏ ối chìm dần phía sau các ngọn đồi. Ánh nắng yếu ớt cuối ngày quét lên các mảng tường thành phố một màu vàng bàng bạc. Gió thổi hơi lạnh từ dưới sông lên báo hiệu màn đêm đang cập kề.
Tôi quay lại trung tâm thành phố, vào một quán ăn Ý nằm ngay đối diện bảo tàng Roman Bath. Không biết có phải vì mối liên hệ lịch sử của thành phố với người La Mã hay không mà đồ ăn Ý ở đây rất phổ biến. Quanh khu vực quảng trường trung tâm có tới bốn nhà hàng Ý cạnh nhau. Vì tôi đến sớm nên anh bồi bàn người Ý xếp cho tôi một bàn ngoài sân nằm trong khuôn viên quảng trường. Đâu đó quanh đây văng vẳng tiếng hát của nữ ca sĩ quá cố người Anh, Amy Winehouse: “And life is like a pipe, And I'm a tiny penny, Rolling up the walls inside..” (Và cuộc sống giống như một cái ống, Và tôi là một đồng xu nhỏ, Lăn lên những bức tường bên trong…). Tôi chợt cảm thấy xốn xang. Cách tôi vài bước chân, qua cánh cổng gỗ bên kia, một xã hội La Mã cổ đại dường như vẫn còn đó, dòng suối thiêng vẫn tiếp tục những mạch chảy suốt 2000 năm qua. Cuộc sống tái hiện của người La Mã dường như không hề lay chuyển bởi những ồn ào thường nhật bên này.
- Sử dụng radar quét xuyên đất, phát hiện một thành phố cổ thời La Mã
- Cyprus lần đầu tiên phát hiện một con tàu đắm thời La Mã
- Truyện cười bốn phương: Đấu trường La Mã cổ đại
Tôi đã đến hầu hết các thành phố lớn và đi thăm nhiều làng mạc ở các vùng nông thôn trên nước đất nước Anh. Nhưng nếu được lựa chọn, chắc chắn tôi sẽ chọn sống ở Bath. Thành phố quá đông đúc náo nhiệt sẽ có lúc làm tôi mệt mỏi, cổ kính quá tôi sẽ nhàm chán, vắng vẻ yên bình quá sẽ buồn tẻ. Bath là sự hài hòa để tôi được hài lòng.
Ngô Quỳnh (từ Vương quốc Anh)
Tags