(Thethaovanhoa.vn) - Sân Hàng Đẫy đã bị cấm 2 trận cuối mùa không khán giả, cả CLB Hà Nội và Nam Định đều bị phạt tiền rất nặng. Những mức án đó đã nhiều lần áp dụng ở nhiều CLB. Và, chắc chắn sẽ còn xảy ra cảnh CĐV đốt pháo, gây những hệ luỵ nghiêm trọng, biến thành "quốc nạn" cho bóng đá Việt Nam (BĐVN), nếu tất cả các thành phần liên quan không giải quyết phần gốc trong thời gian tới.
Ông bầu Đỗ Quang Hiển vừa liên lạc với người viết, không phải để "phân trần" cho CLB Hà Nội và Hàng Đẫy. Mà, ông rất mong qua sự vụ bắn pháo gây thương tích nặng cho CĐV, mọi người tìm ra giải pháp để chặn đứng vấn nạn này khỏi làm xấu đi hình ảnh BĐVN đang nỗ lực củng cố.
Trong đó, cơ quan công an cần khởi tố vụ án tội cố ý gây thương tích để răn đe mạnh mẽ với những kẻ ngông cuồng.
Đúng vậy, ứng xử với pháo sáng không thể theo quy trình như lâu nay: Ban Kỷ luật của VFF tập hợp hồ sơ-nghe ngóng dư luận-xử phạt tiền+cấm khán giả đến sân. Như thế, mới chỉ "đánh" vào các CLB.
Tất cả BTC các sân thuê lực lượng bảo vệ sân thường mỏng, chế độ thấp, cơ chế giám sát kẻ mang pháo vào lỏng lẻo, chế tài trách nhiệm không cao. Những kẻ đốt pháo thường chỉ bị phạt hành chính. Cho nên, như ông Hiển nói, tất cả các sân trên cả nước đều có thể xảy ra cảnh đốt pháo gây hậu quả lớn.
Chúng ta thử hình dung một diễn biến như thế này với sự cố sân Hàng Đẫy: Công an đã tìm ra thủ phạm. Đối tượng A (tạm gọi) đang bị lập hồ sơ khởi tố hình sự, đồng thời phải chịu mọi chi phí vật chất và tinh thần cho nạn nhân cũng như cho BTC sân Hàng Đẫy.
Như thế có đủ sức răn đe? Hỏi cũng là trả lời.
Đấy là nghịch lý của bóng đá khi những kẻ càn rỡ có những phát ngôn, hành động vi phạm pháp luật trên khán đài, nhưng thường chỉ được xử lý theo luật bóng đá và...luật VFF.
Vô lý hơn khi lý giải khó tìm ra thủ phạm, trong khi các công cụ phát hiện ngày càng dễ, ngoài lực lượng chức năng trên sân, có có hệ thống camera, các máy quay của BTC sân lẫn nhà đài, các phóng viên...
Thành ra, để ngăn chặn vấn nạn pháo sáng khó nhất là thay đổi trạng thái ý thức với cả một hệ thống. Coi đấy không phải là chuyện riêng của bóng đá.
Hay phải đợi đến chết người mới "cách mạng" cuộc chiến chống pháo sáng? Rất may hôm đó quả pháo tìm trúng chân nạn nhân, chứ trúng vị trí hiểm thì khó mà tưởng tượng hậu quả.
Thành ra pháo sáng đã có đất sống, nhờn thuốc, đang biến tướng cấp độ cao hơn: sân Mỹ Đình và hoạt động cổ vũ ở các ĐTQG.
Chúng ta còn nhớ đã 3 lần VFF đã bị LĐBĐ (AFC) châu Á xử phạt số tiền gần 1,5 tỷ đồng khi để CĐV đốt pháo sáng. Gần đây là ở Asiad 2018, AFC phạt 12.500 USD đối với VFF sau hành động đốt pháo sáng của khán giả Việt Nam trong trận đấu giữa Olympic Việt Nam gặp Olympic Hàn Quốc.
Phạt 13.750 USD vì để khán giả đốt pháo sáng trong trận U23 Việt Nam đánh bại U23 Indonesia với tỷ số 1-0 ở lượt trận thứ 2 bảng K vào tối 24/3/ 2019.
Chưa hết khi chỉ vài ngày sau, trong trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Thái Lan (chủ nhà thắng 4-0) cũng tại vòng loại U23 châu Á 2020, CĐV Việt Nam tiếp tục đốt pháo sáng trên sân Mỹ Đình. Lần này, AFC đã tăng số tiền phạt lên gần gấp đôi với 25.750 USD.
Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch VFF, tâm sự rất thật: "Xem tốc độ bay của quả pháo trên sân Hàng Đẫy, nếu sân Mỹ Đình mà bị bắn từ khán đài A sang B, nơi có hàng trăm quan chức cấp cao thì hậu quả khó hình dung.
Cho nên, tôi đồng ý quan điểm bầu Hiển, cần coi pháo sáng là hiểm hoạ cả nền bóng đá. Bản thân VFF cũng sẽ phối hợp tuyên chiến tận gốc rễ nhân sự cố sân Hàng Đẫy”.
Từ sân Hàng Đẫy đến Mỹ Đình không xa, nhất là dưới góc độ hiểm hoạ pháo sáng đã ở ngưỡng không thể chấp nhận.
Hữu Quý
Tags