Không chỉ đánh giá cao chất lượng sản vật từ Việt Nam, người Trung Quốc xưa còn coi đây là thứ dược liệu giúp "cải tử hoàn sinh".
Cánh kiến trắng [tên khoa học là Styrax Tonkinensis (Pier.) Craib] còn được gọi là cây an tức hương, bồ đề. Loại cây này được trồng tại nhiều nơi ở Việt Nam như Hoàng Liên Sơn, Sơn La, Lai Châu, Hà Sơn Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Tuyến Quang, Vĩnh Phúc và Nghệ An.
Ngoài Việt Nam, có thể tìm thấy cánh kiến trắng ở Thái Lan, Lào hoặc Quảng Tây (Trung Quốc).
Toàn bộ các bộ phận của cây đều có thể sử dụng làm dược liệu, trong đó phổ biến nhất là lá, tinh dầu và nhựa cây. Nhựa cánh kiến trắng thường được sử dụng để làm dược liệu. Thời điểm thu hoạch thường diễn ra vào giữa tháng 6 – tháng 7 khi cây ra hoa.
Khối nhựa thường có màu vàng nhạt, nâu hoặc đỏ nhạt. Mặt bẻ ngang có màu trắng sữa, xen kẽ các dải dọc màu nâu bóng mượt, cứng. Khi gặp nóng thì nhựa hóa mềm, có mùi thơm đặc trưng. Nhựa cánh kiến trắng có màu vàng nhạt, thơm mùi vani sẽ là dược liệu chất lượng tốt.
Trước đây tại Việt Nam, cánh kiến trắng chủ yếu được người dân khai thác để lấy gỗ. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, cánh kiến trắng đã được khai thác để lấy nhựa.
Trung Quốc: Cánh kiến trắng của Việt Nam là số 1
Trang tin Sina cho hay, trong y học cổ truyền Trung Quốc, cánh kiến trắng có tác dụng thúc đẩy lưu thông khí huyết và loại bỏ đờm. Ngoài ra, có thể dùng để hồi sức và xua đuổi tà khí, tiêu tan gió độc.
Y học cổ truyền Trung Quốc còn dùng cánh kiến trắng để điều trị một số trường hợp ngất xỉu, hôn mê, xuất huyết sau sinh và làm dịu các cơn đau.
Theo ghi chép của Triều Tiên vương triều thực lục, xa xưa Triều Tiên thường mua các loại hương liệu, dược liệu từ An Nam (tên gọi trước đây của Việt Nam) thông qua Trung Quốc.
Trong một lần, sứ thần Triều Tiên đã thảo luận với các quan viên Trung Quốc xem những loại dược liệu như quế, hoắc hương, cánh kiến trắng sản sinh ở vùng đất nào thì cho chất lượng tốt nhất.
Khi sứ thần Triều Tiên tán dương các dược liệu xuất xứ từ Việt Nam, một viên quan Trung Quốc đã gật gù đồng tình rằng: Hàng An Nam là số 1.
"Quế sinh trưởng ở Giao Chỉ, cánh kiến trắng sản sinh ở An Nam. Hai loài này là tốt nhất" – Viên quan Trung Quốc nói - "Cánh kiến trắng biến đờm thành nước. Sách Đan kinh viết: Hương của nó khi đốt lên có thể trừ ma giữ tiên. Uống cánh kiến trắng có thể cải tử hoàn sinh".
Ngày nay, y học hiện đại Trung Quốc vẫn tiếp tục đề cao công dụng của cánh kiến trắng. Theo Sina, các thành phần trong cánh kiến trắng có thể làm dịu hệ thần kinh, giúp ngủ ngon. Nhựa cánh kiến trắng khi đốt sẽ tỏa ra mùi thơm dễ chịu, giúp giải tỏa nội tâm lo lắng, từ đó cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Tại châu Âu, các nhà nghiên cứu cũng đánh giá cao tác dụng dược liệu của cánh kiến trắng. Theo nhà cung cấp các sản phẩm sức khỏe tự nhiên Indigo-Herbs (Anh), nhựa và tinh dầu cánh kiến trắng từ lâu đã được coi là những dược liệu quý, không kém gì trầm hương và một dược (còn gọi là mộc dược). Với hương thơm đặc trưng, cánh kiến trắng rất được các hoàng gia cổ đại yêu thích.
Cánh kiến trắng từng được sử dụng như một loại thuốc điều trị nhiễm trùng da và giúp giảm các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn, viêm phế quản. Hiện nay, chiết xuất từ cánh kiến trắng được sử dụng trong viên ngậm ho, nó còn là một thành phần phổ biến trong nước hoa.
Cánh kiến trắng mang lại lợi ích cho da theo nhiều cách. Tinh dầu cánh kiến trắng là một thành phần quen thuộc trong các sản phẩm chăm sóc da, giúp bảo vệ da bằng cách thiết lập một lớp màng bảo vệ vô hình, ngăn ngừa tình trạng mất độ ẩm, cải thiện độ đàn hồi và thúc đẩy làn da mịn màng, dẻo dai.
Cũng theo Indigo-Herbs, với đặc tính long đờm tự nhiên, tinh dầu cánh kiến trắng giúp loại bỏ đờm, giảm tắc nghẽn đường hô hấp. Đặc tính khử trùng của nó cũng sẽ giúp loại bỏ các loại vi khuẩn gây ho và cảm lạnh.
"Nếu cơn ho khiến bạn thao thức vào ban đêm, một vài giọt tinh dầu cánh kiến trắng trên gối có thể giúp bạn ngủ ngon và thư giãn" – Indigo-Herbs cho hay.
Ngoài ra, xoa một lượng tinh dầu cánh kiến trắng pha loãng vào bụng còn giúp đào thải khí thừa ra khỏi dạ dày và ruột, kích thích sản sinh dịch dạ dày cần thiết cho tiêu hóa khỏe mạnh, đồng thời làm dịu đường tiêu hóa.
'Vàng trắng' của người Việt
Tại Việt Nam, nhựa cánh kiến trắng được gọi là nguyên liệu "trời cho", giúp đồng bào dân tộc miền núi thoát nghèo.
Trong vài năm trở lại đây, nhựa cánh kiến trắng đã được xuất khẩu sang Pháp, Myanmar làm nguyên liệu sản xuất nước hoa cao cấp, đồng thời giúp lưu giữ mùi hương trong các loại mỹ phẩm dưỡng da.
Chiết xuất từ nhựa cánh kiến trắng có xuất xứ Việt Nam hiện đã có mặt trong nhiều sản phẩm mang nhãn hiệu nổi tiếng thế giới.
Theo tính toán của các ngành chuyên môn, nếu khai thác đúng kỹ thuật, 1 cây cánh kiến trắng có thể cho khoảng 500-700 gram nhựa/năm, 1 ha cây cánh kiến trắng có thể cho thu hoạch khoảng 300 kg nhựa. Cây cánh kiến trắng cho thu hoạch nhựa sẽ có độ tuổi từ 7-8 năm trở lên.
Ghi nhận của VietnamNet năm 2021 cho biết, chất lượng nhựa cánh kiến trắng tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai được doanh nghiệp thu mua với mức giá 350.000 đồng/kg.
Như vậy, với 1 ha cây cánh kiến trắng, ngoài thu hoạch gỗ thì mỗi năm người dân có thể thu nhập thêm 100 triệu đồng từ khai thác nhựa. Với tiềm năng đó, nhựa cánh kiến trắng được người dân ở đây coi là "vàng trắng", "lộc phật" giúp người vùng cao cải thiện và có thêm nguồn thu lớn.
Tags