'Bay' trong thế giới ca từ nhạc trẻ

Thứ Hai, 03/01/2022 11:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Với các nghệ sĩ hoạt động âm nhạc, nhất là dòng nhạc chính thống, chắc chẳng mấy ai mặn mà nghĩ đến chuyện như thế này: Xâm nhập vào thế giới ca từ trong âm nhạc đại chúng của giới trẻ. Bởi rất rất nhiều lý do được tạo nên từ bức tường vô hình ngăn cách giữa “hai thế giới” âm nhạc.

MV 'Thầm thương trộm nhớ': Cho một cái tên - Hứa Kim Tuyền

MV 'Thầm thương trộm nhớ': Cho một cái tên - Hứa Kim Tuyền

Đã ra mắt từ 27/5, cho tới tuần 23 (từ 7 đến 13/6) chỉ còn đứng ở vị trí số 10 khiêm tốn ở cuối Bảng xếp hạng nhac.vn, "Thầm thương trộm nhớ" vẫn rất ấn tượng đối với tôi.

Thử một lần phá bỏ bức tường và xâm nhập vào cái thế giới khác biệt ấy, cũng sẽ tìm thấy những cái hay, cái đẹp của thơ ca, của tiếng Việt. Tất nhiên, để “bay” cùng thế giới ca từ trong nhạc trẻ mà không bị gãy cánh, cũng phải biết cách.

Một câu

Hơi ngược, khi mạn bàn về ca từ lẽ ra phải đủ cả bài nhưng tại đây chúng tôi chỉ chủ yếu nhắc tới một câu. Chuyện như đùa thế mà lại là sự thật. Một trong những câu hát đình đám nhất năm vừa qua đã góp phần hâm nóng tên tuổi Văn Mai Hương chỉ vẻn vẹn 5 từ: “Mùi hương em nồng say”.

Chú thích ảnh
Một trong những câu hát đình đám nhất năm vừa qua đã góp phần hâm nóng tên tuổi Văn Mai Hương chỉ vẻn vẹn 5 từ: “Mùi hương em nồng say”

Câu hát này nằm trong ca khúc Hương của Hứa Kim Tuyền. Nội dung Hương không có gì đáng để nói về mặt hình tượng nghệ thuật hay ý nghĩa văn học trong ca từ. Nó giống như việc tả một mùi hương đặc trưng và hình như là một ẩn ý có chủ đích hướng vào nữ ca sĩ chủ nhân của bản hit này. Nhưng điều đó nếu đúng cũng không sao cả. Quan trọng may mắn đã đến với ca khúc khi câu 5 từ này được lặp đi lặp lại nhiều lần, gây nhớ cho khán giả.

Đương thì thanh xuân ai chẳng yêu. Mà khi yêu nếu không được nếm trải những hạnh phúc cùng khổ đau, những vui cùng buồn, không được trải qua những lúc “bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước/ chọn một dòng hay để nước trôi”. Nói ra điều này để thấy vì sao câu hát “Chọn con tim hay là nghe lý trí” lập tức “tạo bão” ngay thời điểm Tóc Tiên mới mắt ca khúc Em không là duy nhất.

Ca khúc "Hương":

“Nguy hiểm” và dân dã

“Gió lung lay bàn tay nâng cánh hoa tình/ Dẫu trăm năm người thương vẫn xa cách mình” (ca khúc Ai mang cô đơn đi của K-ICM và APJ). Nếu đứng ở góc nghệ thuật theo kiểu thưởng thức những ca khúc của các nhạc sĩ tiền bối trước kia soi chiếu vào ca từ trong câu hát này, hẳn người tiếp cận sẽ thấy trong ý một của câu hát đầy... nguy hiểm không hiểu diễn đạt điều gì (!). Nhưng đó lại là “đặc sản” trong các sản phẩm đình đám nhất của K-ICM.

“Anh thật sự ngu ngốc/ Bảo vệ người ấy cũng không xong”, “Em xem anh là nơi em thích thì em đến không thì đi”, “Em đợi anh nhé, em chờ anh nhé/ Vui thôi đừng vui quá còn về với em”... Đây là những câu nói, những tin nhắn đời thực? Đúng tới 90%, 10% còn lại là những câu nói này được đưa vào lời ca trở thành ca từ trong các ca khúc Em không sai chúng ta sai của Erik (câu đầu), Thích thì đến của Lê Bảo Bình (câu 2), Sao anh chưa về nhà của Amee và Ricky Star (câu 3). Và nó là một trong những câu hát có viral nhiều nhất năm 2020.

Chú thích ảnh
"Ai mang cô đơn đi" của K-ICM và APJ

Tâm lý

Nắm bắt tâm lý giới trẻ có lẽ chẳng ai bằng chính người trong cuộc. Và cơ hội dành cho những nghệ sĩ biết khai thác được điều đó. Vẫn là tuổi yêu, ai chẳng thích những lãng mạn, ngọt ngào cho nên không khó khi bắt gặp những câu hát đậm chất ngôn tình. Câu hát “Cầm tay anh, kề vai anh, nơi này có anh” trong Nơi này có anh của Sơn Tùng M-TP như một lời khẳng định chắc nịch của chàng trai với cô gái mình yêu về một mối tình vững vàng và bền chắc cùng thời gian. Vì thế mà nó như thay chàng trai chứng minh tình cảm của mình với cô gái, và cũng để cô gái cảm thấy đó chính là chân ái của đời mình (!).

Vẫn là nắm bắt tâm lý, nhưng ở góc độ khác. Những ai đã từng ở cái ngưỡng “vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào” mỗi dịp Tết đến xuân về mới thấu “thảm cảnh” phải đón nhận “cơn mưa” người hỏi “cơn mưa” câu hỏi nhưng chỉ với nội dung duy nhất: Bao giờ cưới? Sắp cưới chưa? Sao lâu cho ăn cỗ thế? Đón mùa Tết 2017, Bích Phương ra mắt ca khúc Bao giờ lấy chồng lập tức câu hát “Đừng hỏi em chưa lấy chồng” tạo được sự đồng cảm lớn tới mức gần như tức thì trở thành viral rộng rãi trong giới trẻ.

Cùng năm 2017, cùng mùa Tết, là một người lập nghiệp xa nhà Soobin Hoàng Sơn ra mắt Đi xa để trở về có câu hát “Đi thật xa để trở về”. Câu hát này đánh trúng tâm lý giới trẻ, muốn tìm cơ hội cho mình ở những phương trời xa, miền đất hứa, nhưng có đi xa đến mấy thì Tết vẫn chỉ một lòng ngóng về ngày gia đình đoàn viên.

MV "Nơi này có anh":

Hơn một câu

Cũng có không ít ca khúc có nhiều câu trở thành viral của giới trẻ. Một trong những ca khúc đình đám, tạo bước phát triển tiếp theo cho Hương Tràm là Em gái mưa do Mr. Siro sáng tác. Ca khúc thành công khi có quá nhiều câu hát “đốn tim” người nghe. Nào là “Mình hợp nhau đến như vậy cớ sao không phải là yêu” hay “Anh trót vô tình, thương em như là em gái”, hoặc “Mưa trôi cả bầu trời nắng trượt theo những nỗi buồn”... Không chỉ thế, với nội dung câu chuyện được kể đầy tính tự sự nội tâm đã tạo một sức sống bền cho Em gái mưa, điều mà không phải ca khúc nào cũng có thể làm được.

Trong khi, không hẳn là những câu hát tạo viral nhưng bản hit Sắp 30 của Trịnh Đình Quang cũng đủ gây chú ý tới người nghe khi nói về những chênh vênh, khủng hoảng lúc sắp bước sang cột mốc tuổi 30. Trong ca từ của Sắp 30, có những câu khán giả nhớ: “Vậy là phải lớn lên rồi, tự mình gánh vác cuộc đời, tình yêu giờ đây không phải là điều đầu tiên trong tôi” hay “Nặng lòng nhưng không yếu đuối dẫu có lo toan mệt nhoài, nước mắt không rơi tâm hồn giấu phía sau nụ cười”.

Chú thích ảnh
Hình ảnh trong MV "Em gái mưa"

Hình tượng nghệ thuật

Trong một rừng hoa đua nở, dù không nhiều nhưng cũng không khó để nhận ra những ca khúc có ca từ vừa hàm chứa những giá trị nghệ thuật vừa có văn phong rõ ràng.

Hơn cả yêu của Khắc Hưng do Đức Phúc thể hiện là một trong số đó. Tác giả đã mượn những hình ảnh vĩ đại và bất tử của thiên nhiên như núi cao, sông dài, đất rộng, trời xanh, biển trời bao la... để so sánh với tình yêu. “Cao hơn cả núi dài hơn cả sông/ Rộng hơn cả đất xanh hơn cả trời/ Anh yêu em anh yêu em nhiều thế thôi” hay “Vượt qua ngọn gió vượt qua đại dương/ Vượt qua cả áng mây thiên đường/ Dẫu có nói bao nhiêu/ Cảm giác trong anh bây giờ có lẽ hơn cả yêu”... Câu từ gọn gàng, rành mạch, giàu hình tượng tạo sức hấp dẫn cho lời ca.

Với Tình anh, tác giả Đình Dũng lại ví “Thuyền xa sông thuyền tìm ra biển lớn/ Theo tiếng gọi ngàn con sóng khơi xa” rồi “Có phải em là con thuyền nhỏ kia/ Bỏ mặc anh dòng sông trôi buồn bã/ Có phải em vội quên đi tất cả/ Ngày sông thuyền thủy chung một bến đò”. Mô-típ khá quen dùng hình tượng thuyền và biển để so sánh với tình yêu. Có điểm riêng là xuất hiện thêm sông, để nói về tâm trạng người con trai khi có người yêu chạy theo bến bờ mới.

Tháng năm của Soobin Hoàng Sơn là một trong những ca khúc “chất” về ca từ hiện nay. Ở đó đan xen giữa những hình tượng, sự so sánh và suy tư: “Chợt nhận ra anh đã đánh mất/ Tìm lại sao được khi bước chân em xa/ Tháng năm trôi qua nhanh quá/ Giấc mơ kia như tan vỡ” hay “Còn mình anh mang những nỗi nhớ/ Một mình anh lạc trong giữa đêm chơ vơ/ Biết em đang nơi xa lắm/ Vẫn mong em bao đêm trắng”...

"Hơn cả yêu" của Khắc Hưng do Đức Phúc thể hiện:

Thêm vài suy nghĩ

Rõ ràng thời nào cũng vậy, không phải ca khúc nào cũng hay và không phải không có những giá trị nghệ thuật ở trong đó. Song, có những giá trị trường tồn và có những giá trị được bổ sung theo dòng chảy của mỗi giai đoạn.

Giống như ca khúc lãng mạn thời tiền chiến thường giàu hình tượng, ca từ chắt chiu như rút từng khúc tâm hồn của người nhạc sĩ thì trong giai đoạn hiện nay điều này dường như không còn là một ưu thế. Tuy nhiên, vẫn có thể tìm thấy những tác phẩm nói chung, ca từ nói riêng chứa đựng những giá trị nghệ thuật, có tính hình tượng. Có thể do cuộc sống hiện đại, nhịp sống nhanh hơn, bộn bề lo toan hơn khiến những lãng mạn mây gió dần không còn được ưu tiên mà thay vào những điều trực diện hơn, hiểu ngay chứ không bắt khán giả phải ngẫm nghĩ, nhấm nháp từng câu từ, từng lớp ý nghĩa khi thưởng thức.

Dẫu thế, ca từ vẫn luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự thành bại của một ca khúc. Toàn bộ ca từ trong tác phẩm đều là tuyệt vời nhất, nhưng nếu không thì một đoạn cũng tốt. Nếu không nữa, thì nhất thiết phải có một câu. Việc tìm được một câu hát đủ hấp dẫn tạo ấn tượng cho người nghe chính là chìa khóa mở ra sức sống cho ca khúc.

Tất nhiên, thành công không chỉ đến từ riêng ca từ, mà còn phải khoác lên ca từ đó một giai điệu thật bắt tai. Và dù một bài, một đoạn hay một câu để có được thành công vẫn phải cần khả năng và sự nhạy bén của người sáng tác.

Viết ra những điều này để thấy được những điểm rất khác trong âm nhạc của giới trẻ so với trước đây. Và cũng để những ai đang bi quan về nhạc trẻ hiện nay có thêm sự soi chiếu mà cảm thấy vơi đi phần nào nỗi niềm. Đồng thời, cũng để thấy được những điểm mạnh, sự tài tình và tính thời đại đang tồn tại trong âm nhạc đại chúng dành cho giới trẻ hiện nay.

Nguyễn Quang Long
Thể thao & Văn hóa Xuân Nhâm Dần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›