(Thethaovanhoa.vn) - Lần thứ ba kể từ khi vụ bê bối chính trị của Tổng thống Park Geun Hye (liên quan đến cô bạn thân là Choi Soon Sil) bị phanh phui, người dân Hàn Quốc lại tổ chức một cuộc biểu tình lớn ở trung tâm thủ đô Seoul. Nhiều ngôi sao giải trí đã góp mặt tại sự kiện này.
- Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị điều tra liên quan vụ bê bối chính trị
- Cựu Thư ký của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye chính thức bị bắt giữ
- 5 cô vấn cấp cao Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc 'ra đi'
Cũng thể hiện tinh thần ấy, ca sĩ K-pop Lee Seung Hwan đã tổ chức một chương trình hòa nhạc đường phố ngay trong cuộc biểu tình này. Anh trình bày một ca khúc nổi tiếng của mình với phần ca từ đã được viết lại nhằm truyền đi thông điệp chống lại Tổng thống Park Geun Hye.
Lee Seung Hwan có thể là một trong những người chỉ trích Tổng thống Park Geun Hye mạnh mẽ nhất, song anh không đơn độc. Nam diễn viên Yoo Ah In cũng đã chia sẻ nhiều bức ảnh về cuộc biểu tình này. Một số ngôi sao khác không thể tham gia cuộc biểu tình thì viết các tin nhắn ủng hộ trên các trang mạng xã hội cá nhân của mình.
Trước đây, trong một cuộc phỏng vấn, Lee Seung Hwan từng bày tỏ: “Ở Mỹ, các ngôi sao không e ngại nói họ không bỏ phiếu cho ông Donald Trump. Nếu nam diễn viên gạo cội Robert DeNiro nói không bỏ phiếu cho ông Trump, mọi người nói ông thẳng thắn. Nhưng nếu các ngôi sao Hàn Quốc mà nói vậy thì sẽ bị cho là xúi giục”.
Nhưng rõ ràng, tất cả đã thay đổi với vụ bê bối liên quan đến Tổng thống Park Geun Hye. Nhiều nhà phê bình nhận định: sự kiện này đã phá vỡ luật bất thành văn trong làng giải trí, mở ra một kỷ nguyên mới về sự nhạo báng chính trị trong giới truyền thông - khi các chương trình mang tính châm biếm chính trị gần như đã “biến mất tiêu” trên màn ảnh nhỏ dưới chính quyền của Tổng thống Park Geun Hye.
Theo các chuyên gia, nhiều ngôi sao và chương trình giải trí truyền hình đang nhất loạt muốn thể hiện quan điểm của mình về bê bối Choi Soon Sil.
“Người ta ghen tị với các ngôi sao giải trí Mỹ khi họ có thể công khai bày tỏ các quan điểm chính trị của mình. Là thành viên có trách nhiệm của xã hội, các nghệ sĩ nên lên tiếng về các vấn đề chính trị và xã hội.
Để làm được việc đó họ cần phải có nhiều can đảm và sẵn sàng hứng chịu mọi hậu quả" – nhà bình luận Kim Kyo Suk nói. "Nhưng trong kỷ nguyên hiện nay, các nhân vật danh tiếng nên dấn thân với tinh thần của thời đại và thể hiện rằng mình cũng đang liên kết với công chúng”.
2. Ở một góc độ khác, lượng khán giả theo dõi đã tăng gấp đôi khi chương trình trò chuyện về chính trị Sseoljeon trên kênh JTBC đề cập tới vụ bê bối Choi Soon Sil. Chương trình này vốn nổi tiếng với sự bàn luận thẳng thắn về những vấn đề đang diễn ra giữa hai nhà chính trị với những quan điểm khác nhau chỉ trích đảng đối lập.
Hay chương trình Gag Concert của KBS lần đầu tiên có màn châm biếm chính trị trong gần một năm qua, trực tiếp đề cập đến Tổng thống Park và cựu thư ký của bà. Đây là sự chỉ chỉ trích bằng âm nhạc mạnh mẽ nhất của kênh KBS, hãng truyền thông hiện vẫn chưa khôi phục được tỷ lệ khán giả sau khi bị tổ chức công dân Korea Parent Federation kiện vì đã chế giễu họ.
SNL Korea cũng phát sóng vở kịch ngắn trào phúng, trong đó các nghệ sĩ hài mặc trang phục giống Choi Soon Sil và cô con gái đang cưỡi ngựa của bà ta.
Nhiều chuyên gia cho rằng, mong muốn được thể hiện tính châm biếm chính trị của công chúng đã “bùng nổ” cùng lúc.
“Mong muốn được phê phán đời sống chính trị và bày tỏ cảm xúc của mình về tình hình tồi tệ hiện tại đã bung ra sau một thời gian bị ngăn chặn. Giờ các chương trình truyền hình đang phản ánh tâm trạng đã thay đổi đó” - Jang Duk Geun, một cây bút chương trình hài, nói.
Trước tình hình hiện nay, được mô tả là còn "nóng" hơn hầu hết các bộ phim, các nhà làm phim đang chuẩn bị phát hành một loạt phim mang tính nhạy cảm chính trị, qua đó thể hiện sự phê phán mạnh mẽ chính phủ.
Chẳng hạn, phim Special Citizen nói về hai mặt của đời sống chính trị qua con mắt của người có hai nhiệm kỳ làm thị trưởng Seoul (do Choi Min Sik thủ diễn). Còn đạo diễn Shin Dong Yeob cũng có cách mô tả đầy châm biếm về bê bối chính này trong bộ phim mang tựa đề Gate.
Còn theo nhà phê bình văn hóa Jung Duk nói, sự nhạo báng chính trị đã được thể hiện một cách hợp lý bởi mọi người đã truyền đi một thông điệp thống nhất. “Vì mọi người đều quan tâm tới bê bối Choi Soon Sil nên các chương trình truyền hình luôn tạo được ảnh hưởng sâu sắc”.
Việt Lâm (theo Korea Times)
Thể thao & Văn hóa
Tags