(Thethaovanhoa.vn) - Chúng tôi về thăm đền thờ Lý Thường Kiệt vừa mới khánh thành ngay bên sông Cầu - sông Như Nguyệt xưa. Những làng mạc lâu đời trên đất Kinh Bắc nằm hai bên dòng sông lịch sử làm quang cảnh vùng này rất trù phú, đầm ấm. Từ xa chúng tôi đã có thể nhận ra tượng người anh hùng dân tộc trong tư thế hiên ngang bên dòng sông với những chiến công đã đi vào sử sách.
Đền thờ Lý Thường Kiệt được xây dựng ở xã Tam Giang, huyện Yên Phong, Bắc Ninh, công trình đầu tiên được hoàn thành trong số 20 hạng mục tổng thể của khu tưởng niệm. Đền được xây dựng trên diện tích 800 mét vuông, có 12 gian và tượng Lý Thường Kiệt để để tưởng nhớ công lao của ông và vương triều nhà Lý trong sự nghiệp chống ngoại xâm, bảo về nền độc lập của đất nước.
Trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Tống (1075-1077), Thái uý Lý Thường Kiệt đã chỉ huy quân dân Đại Việt xây dựng phòng tuyến sông Như Nguyệt tại vùng này, chặn đứng 30 vạn quân địch. Nhiều trận đánh ác liệt diễn ra. Nhiều ngày quân Tống không thể nào vượt qua sông.
Sau một thời gian giằng co và dùng phép nghi binh đánh lạc hướng, Lý Thường Kiệt cho quân vượt sông, bất ngờ đánh thẳng vào trung tâm quân Tống, gây cho chúng nhiều thiệt hại nặng nề. Sau chiến thắng đó, Lý Thường Kiệt đưa người sang nghị hòa, mở đường cho quân Tống rút về nước; buộc nhà Tống thừa nhận nhà nước Đại Việt, từ bỏ ý đồ xâm chiếm nước ta, giữ vững được bờ cõi.
Chiến thắng Như Nguyệt là một chiến thắng lớn, có ý nghĩa quyết định trong cuộc chiến tranh, ghi dấu ấn đặc biệt về tài cầm quân, nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Lý Thường Kiệt và quân dân Đại Việt trước đội quân xâm lược hùng hậu của một đế chế lớn trong lịch sử.
Có một câu chuyện rất thú vị được lưu truyền rằng: Để khích lệ tinh thần binh sĩ trong trận đánh lớn này, Lý Thường Kiệt đã cho người trong đêm vào ngôi đền ngay bên bến sông, giả làm thần đọc bài thơ Nam quốc sơn hà mà đến nay vẫn được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam. Những lời thơ ấy đã mang lại sức mạnh thần kỳ, động viên những người lính trên chiến tuyến không ngại hy sinh, làm nên những chiến công bất hủ.
Hơn 940 năm đã trôi qua kể từ ngày ấy. 8 địa điểm trên các xã Tam Đa, Tam Giang của huyện Yên Phong đã được công nhận là khu di tích quốc gia về trận tuyến sông Như Nguyệt. Đền Can Vang, bãi Miễu, đền Phấn Động... là nơi diễn ra các trận đánh lớn.
Nhiều trại đóng quân như trại Chĩnh, trại Chùa, trại Quýt...vẫn còn dấu tích hoặc đươc lưu truyền trong những câu chuyện kể của người dân trong vùng về những năm tháng hào hùng ấy. Hàng năm vào dịp kỷ niệm chiến thắng sông Như Nguyệt, ở đây đều tổ chức lễ hội, làm sống lại những chiến công oanh liệt của quân và dân Đại Việt xưa, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống vẻ vang trên vùng đất này.
Về Yên Phong những ngày này, chúng tôi có dịp đi dọc sông Cầu, qua những làng xóm còn in đậm dấu tích của phòng tuyến sông Như Nguyệt xưa. Một vùng quê Kinh Bắc thanh bình trù phú, không chỉ là nơi làm nên những chiến công hiển hách mà còn là một vùng văn hóa đặc sắc.
Yên Phong có 14 làng quan họ trong tổng số 44 làng quan họ của cả tỉnh Bắc Ninh. Trên vùng đất này, đi bất cứ đâu người ta cũng gặp những dấu tích lịch sử, những đển chùa, miếu mạo và cả các di sản văn hoá phi vật thể của cha ông nhiều thế hệ gửi lại. Yên Phong những năm gần đây còn là một trung tâm kinh tế năng động về nhiều mặt...
Chúng tôi đã đến bến sông Như Nguyệt và viếng thăm ngôi đền cổ nằm ngay bên bến sông, nơi Thái uý Lý Thường Kiệt từng mở hội khao quân mừng chiến thắng. Trong khung cảnh non nước hữu tình, sau bao thăng trầm biến đổi, như vẫn còn âm vang đâu đây lời thơ hào hùng của bài Nam quốc sơn hà năm nào:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
(Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời)
Bài và ảnh : Trần Mai Hưởng
Tags