Không đơn giản là thiết bị theo dõi chất lượng giấc ngủ, mặt nạ SomaSleep mang trong mình những cảm biến mang tính cách mạng.
Một chiếc mặt nạ che mắt giúp người dùng ngủ dễ hơn không còn quá xa lạ, nhưng khi kết hợp với cảm biến theo dõi chuyển động mắt để người dùng hiểu rõ giấc ngủ của mình, thì quả thực sẽ là bước đột phá mới. Tại sự kiện CES 2023, mặt nạ SomaSleep của Somalytics chiếm được cảm tình của nhiều nhà đầu tư cũng như người dùng.
Và theo nhận định của CEO Somalytics, bà Barbara Barclay, những cảm biến bên trong chiếc mặt nạ SomaSleep còn mang trong mình những tiềm năng khác nữa.
SomaSleep là thiết bị đầu tiên ứng dụng công nghệ SomaCap - là một cảm biến tí hon có thể theo dõi chuyển động của mắt mà không cần tới camera. Bên trong SomaSleep là 4 cảm biến theo dõi, đem đến cho người dùng khả năng theo dõi giấc ngủ chi tiết vốn chỉ có tại những trung tâm chăm sóc sức khỏe tiên tiến.
“Về cơ bản, các cảm biến tỏa ra một trường điện nhỏ, như thể một vòng vô hình bọc lấy nó vậy, và chuyển động của nhãn cầu sẽ làm ảnh hưởng tới hình dáng của trường này”, bà Barclay giải thích. “Nó có thể phát hiện ra mắt người dùng đang nhắm hay mở, một điều vốn bất khả thi. Chúng tôi quan sát chuyển động của nhãn cầu và mí mắt để xác định chính xác liệu mắt có đang chuyển động hay không. Chúng sẽ mang lại những số liệu chuyên sâu về các hoạt động của mắt khi bạn ngủ”.
Thiết bị góp mặt tại CES 2023 mới chỉ là hàng mẫu, vậy nên thiết kế cũng như công nghệ trong máy vẫn chưa hoàn thiện. Theo thông tin ban đầu từ Somalytics, mặt nạ SomaSleep sẽ có thời lượng pin 8 tiếng, và vì cảm biến không cần nhiều năng lượng, mặt nạ cũng không cần tới một cụm pin lớn tỏa nhiều nhiệt.
Thiết bị theo dõi chất lượng giấc ngủ này rất ấn tượng, tuy nhiên điều làm nên thành công tương lai của SomaSleep, cũng như thứ có thể gây ra đột phá, chính là cảm biến SomaCap. Có thể phát hiện được vật thể ở khoảng cách 20cm, có thể đo được vật thể mỏng tới 1mm, và có thể được gắn lên những vật liệu mỏng như giấy, đó là những đặc điểm khiến SomaCap có thể gây ra tiếng vang.
Bà Barclay lấy ví dụ về ứng dụng thực tế của SomaCap: những vòi nước, bồn tiểu tự động vốn sử dụng cảm biến hồng ngoại sẽ lập tức đi vào dĩ vãng. Vốn nhạy cảm với bụi bẩn, hoạt động không ổn định trong điều kiện thiếu sáng, khó phát hiện khi người dùng có làn da tối màu, cảm biến hồng ngoại sẽ không thể so bì được với SomaCap.
Việc ứng dụng cảm biến của Somalytics sẽ không chỉ dừng lại tại mặt nạ ngủ hay vòi nước nhà vệ sinh công cộng. Công ty công nghệ có trụ sở tại Mỹ đã thương thảo với Hyundai về việc lắp đặt SomaCap trên ô tô. Ngoài ra, bà Barclay cũng nhắc tới công nghệ kính thông minh có thể theo dõi chuyển động của mắt một cách chính xác mà không cần camera. Một khi loại bỏ được camera khỏi kính thông minh và các thiết bị VR, khối lượng cũng như mức năng lượng tiêu thụ sẽ lập tức được cải thiện.
Dự kiến cuối năm nay, Somalytics sẽ bán mặt nạ ngủ SomaSleep với giá 200 USD. Hiển nhiên, công ty sẽ không dừng lại tại việc bán mặt nạ. Theo lời bà Barclay, họ đã đang làm việc với các đối tác tiềm năng, những công ty có thể tận dụng triệt để khả năng của cảm biến SomaCap.
“Tôi nghĩ ít nhất trong năm 2023 này, sẽ có vài công ty nổ phát súng đầu tiên”, bà Barclay hồ hởi nói về tương lai của Somalytics khi hợp tác với một số công ty trong danh sách Fortune 500 - là 500 tập đoàn hàng đầu của Mỹ.
Theo Somalytics, DigitalTrends
Tags