Bệnh bạch hầu và cách phòng tránh

Thứ Năm, 03/12/2020 15:30 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Trực khuẩn bạch hầu là tác nhân gây nên bệnh bạch hầu, một bệnh nhiễm trùng cấp tính, gây dịch.

1. Dịch tễ học:

Trực khuẩn bạch hầu là tác nhân gây nên bệnh bạch hầu, một bệnh nhiễm trùng cấp tính, gây dịch

Theo ghi nhận của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế trong năm 2020 bệnh bạch hầu có dấu hiệu bùng phát trở lại.

Bệnh có tỷ lệ tử vong cao, trung bình từ 5 - 10% trên tổng số ca bệnh do đó cực kỳ nguy hiểm. Bệnh bạch hầu có thể phát triển thành dịch nhất là ở trẻ dưới 15 tuổi chưa được gây miễn dịch đầy đủ.

Trong cả nước từ tháng 6/2020 ghi nhận 3 ca tử vong do bệnh bạch hầu ác tính. Tất cả bệnh nhân này đều được ghi nhận chưa tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu.

Chú thích ảnh

2. Nguồn bệnh

Người là ổ mang mầm bệnh duy nhất, bao gồm người đang bị bệnh bạch hầu, người vừa khỏi bệnh và người lành mang vi khuẩn. Người bệnh bài tiết ra vi khuẩn từ cuối thời kỳ ủ bệnh cho đến khi khỏi về lâm sàng. Người vừa khỏi bệnh có thể mang vi khuẩn từ 2 tuần đến 2 tháng có khi đến 16 tháng. Người lành mang trùng từ vài ngày đến vài tuần.

3. Đường lây: Bệnh bạch hầu lây qua đường hô hấp

Lây trực tiếp: Khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện.

Lây gián tiếp: Qua đồ dùng, quần áo, thức ăn… bị nhiễm mầm bệnh.

4. Dấu hiệu mắc bệnh:

- Sốt nhẹ.

- Đau họng, ho, khàn tiếng.

- Chán ăn.

- Sau 2-3 ngày xuất hiện giả mạc có màu trắng ngà, xám hoặc đen trong cổ họng, giả mạc dai, dính, dễ chảy máu.

- Khó thở, khó nuốt.

- Bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có dấu hiệu cổ sưng to, khó thở, rối loạn nhịp tim, liệt.

- Trường hợp bệnh nặng: Không có biểu hiện sốt cao nhưng có thể sưng cổ và làm hẹp đường thở.

5. Bệnh bạch hầu nguy hiểm ra sao?

Bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm:

- Viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim, tử vong do đột ngột trụy tim mạch. Một số bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim, sau nhiều năm gây ra bệnh tim mãn và suy tim.

- Thoái hóa thận và hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận.

- Tắc nghẽn đường hô hấp.

- Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6-10 ngày.

6. Cách phòng bệnh bạch hầu

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho, hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

- Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh bạch hầu.

- Trẻ em từ 2 tháng tuổi: Tiêm vắc xin Combe Five trong chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc vắc xin 6 trong 1 Hexaxim (Pháp), Infanrix (Bỉ)

+ Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 2 tháng.

+ Mũi 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng

+ Mũi 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng

+ Mũi 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.

- Trẻ từ 4 tuổi và người lớn: Vắc xin Boostrix hoặc Adacel (Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván).

Tiêm 1 mũi và tiêm nhắc lại mỗi 10 năm.

PTTT

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›