Bệnh lý võng mạc đái tháo đường (phần 1)

Thứ Năm, 06/06/2024 11:27 GMT+7

Google News

Bệnh lý đái tháo đường (ĐTĐ) là mối quan tâm đặc biệt của các hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới. Tần suất mắc bệnh đái tháo đường không ngừng tăng lên, đặc biệt ở độ tuổi lao động. Xấp xỉ một nửa số người bị đái tháo đường sẽ mắc bệnh võng mạc theo thời gian. Bệnh lý phù hoàng điểm do đái tháo đường là nguyên nhân gây mất thị lực thường gặp nhất.

I. DỊCH TỄ HỌC

Theo dữ liệu dịch tễ học của Hội Nhãn khoa Hoa Kỳ công bố, số người mắc đái tháo đường khoảng 387 triệu người và ước tính tăng lên 592 triệu người vào năm 2050. Hiện có khoảng 93 triệu người mắc bệnh lý võng mạc đái tháo đường trên toàn thế giới, tỉ lệ khoảng 77,3% ở bệnh nhân đái tháo đường type 1 và 22,7% ở đái tháo đường type 2, trong đó có khoảng 25 - 30% bệnh nhân đe doạ thị lực do phù hoàng điểm.

Bệnh lý võng mạc đái tháo đường (phần 1) - Ảnh 1.

Hình ảnh mắt bình thường và mắt bị bệnh lý võng mạc đái tháo đường

Ở Việt Nam, theo kết quả đánh giá nhanh các bệnh lý mù loà có thể phòng tránh được, thực hiện bởi các bác sĩ nhãn khoa năm 2015, bệnh lý võng mạc đái tháo đường là 1 trong 10 bệnh gây mù loà hàng đầu ở Việt Nam.

II. SINH LÝ BỆNH

Tình trạng tăng đường huyết dẫn đến việc tăng chuyển hoá glucose theo nhiều con đường khác nhau. Các quá trình này sinh ra các cytokine viêm, các yếu tố tăng trưởng và các chất gây rối loạn chức năng nội mô mạch máu, cuối cùng dẫn đến tăng tính thấm thành mạch và tắc mạch. Từ đó, gây ra thiếu máu võng mạc, hậu quả là tăng sinh các vi mạch máu bất thường võng mạc và tân mạch.

Ngoài ra, các quá trình này còn gây ra các tổn thương trực tiếp lên tế bào võng mạc.

III. YẾU TỐ NGUY CƠ

Yếu tố toàn thân:

+ Thời gian mắc bệnh đái tháo đường là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất. Bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường trước 30 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh võng mạc đái tháo đường sau 10 năm là 50% và sau 30 năm là 90%. Bệnh võng mạc đái tháo đường hiếm khi phát triển trong 5 năm khi khởi phát đái tháo đường hay trước tuổi dậy thì, nhưng khoảng 5% đái tháo đường type 2 có bệnh lý võng mạc đái tháo đường lúc đến khám.

+ Kiểm soát đường huyết kém: Thử nghiệm kiểm soát đái tháo đường và biến chứng cho thấy kiểm soát chặt chẽ đường máu, đặc biệt khi thực hiện sớm, có thể ngăn chặn hay làm chậm tiến triển của võng mạc đái tháo đường. HbA1C cao kèm theo tăng nguy cơ bị bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh, do đó mục tiêu là HbA1C 6-7% (8% ở bệnh nhân lớn tuổi yếu). Giảm HbA1C 1% các biến chứng giảm đi một phần ba.

+ Thai nghén đôi khi kèm theo bệnh võng mạc đái tháo đường tiến triển nhanh

+ Huyết áp cao rất thường gặp ở các bệnh nhân bị đái tháo đường type 2 và nên kiểm soát chặt chẽ (<140/80 mmHg).

+ Bệnh thận nếu nặng, kèm theo bệnh võng mạc đái tháo đường nặng thêm. Ngược lại điều trị bệnh thận (như ghép thận) có thể kèm theo bệnh võng mạc cải thiện và đáp ứng với laser tốt hơn.

+ Các yếu tố nguy cơ khác gồm lipid máu cao, hút thuốc, béo phì và thiếu máu…

Yếu tố tại chỗ:

+ Nguồn gốc toả lan của phù hoàng điểm quan trọng.

+ Những hốc dạng nang ở trung tâm.

+ Xuất tiết vùng hoàng điểm.

+ Vùng dò chất dịch quanh hoàng điểm.

+ Sự làm sẹo trung tâm hay lỗ hoàng điểm.

+ Thị lực ban đầu thấp.

IV. PHÂN LOẠI

Bệnh võng mạc đái tháo đường nền (Background diabetic retinopathy – BDR) có đặc điểm là vi phình mạch, xuất huyết chấm to, nhỏ và xuất tiết. Đây thường là các dấu hiệu sớm nhất của võng mạc đái tháo đường và tồn tại khi những tổn thương tiến triển hơn xuất hiện.

Bệnh hoàng điểm đái tháo đường chỉ bất kỳ bệnh võng mạc nào xảy ra ở hoàng điểm, nhưng thường dành cho những biến đổi nặng, đặc biệt phù hoàng điểm và thiếu máu đe dọa thị lực.

Bệnh võng mạc đái tháo đường tiền tăng sinh (Preproliferative diabetic retinopathy- PPDR) biểu hiện với xuất tiết bông, biến đổi tĩnh mạch, dị thường vi mạch trong võng mạc (IRMA) va thường có xuất huyết võng mạc sâu. PPDR chứng tỏ thiếu máy võng mạc tiến triển với nguy cơ cao tiến triển thành tân mạch võng mạc.

Bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh (PDR) có đặc điểm là tân mạch trên hay trong vòng một đường kính đĩa thị và/ hoặc tân mạch ở vùng khác trên đáy mắt.

Bệnh mắt đái tháo đường nặng gồm có bong võng mạc do co kéo, xuất huyết dịch kính kéo dài và glôcôm tân mạch.

(còn tiếp phần 2)

Tài liệu tham khảo

John F.Salmon, et al.(2020), "Diabetic retinopathy", Kanski's Clinical Ophthalmology, pp.496-513.

Stephen J.Kim, et al.(2022-2023), " Diabetic retinopathy", Basic and Clinical Science Course, pp.99-128.

Nika Bagheri, Brynn N.Wajda, "Diabetic retinopathy", The Wills eye manual, 7th Edition.

BS. Trần Thị Khánh Linh PGĐ Chuyên môn Bệnh viện Mắt Sài Gòn Đà Lạt

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›