Sau dịch COVID-19, hình thức mua sắm online trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã có sự bứt phá mạnh mẽ tại Việt Nam.
Nếu 2020 là năm người tiêu dùng "làm quen" với giãn cách xã hội, mua sắm trực tuyến và thanh toán không tiếp xúc, thì năm 2021-2022 là thời điểm mua sắm online và thanh toán qua điện thoại lên ngôi.
Báo cáo của Nielsen chỉ ra rằng, có đến 63% người tiêu dùng vẫn giữ thói quen mua sắm trực tuyến trong bình thường mới, ngay cả khi các hoạt động bán hàng truyền thống trở lại như cũ. Nhiều người dùng cho biết họ duy trì thói quen mua hàng online vì ưu điểm tiện lợi, tiết kiệm thời gian, ưu đãi sâu và diễn ra dày đặc quanh năm.
Chỉ tính riêng tại Việt Nam, số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, đến đầu năm 2022 hơn một nửa dân số Việt Nam đã tham gia mua sắm trực tuyến.
Theo báo cáo của Statista, Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng bậc nhất Đông Nam Á khi ghi nhận số lượng người mua sắm trực tuyến đạt mức ấn tượng kể từ sau 2 năm dịch bệnh. Trong năm 2022, người Việt mua sắm trực tuyến lên đến hơn 51 triệu đơn, tăng 13,5% so với năm ngoái, và tổng chi tiêu cho việc mua sắm đạt 12,42 tỷ USD.
Không chỉ vậy, nền kinh tế số Việt Nam còn được Google và Bain & Company dự đoán sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và sở hữu thị trường TMĐT lớn thứ ba tại Đông Nam Á vào năm 2025.
Minh chứng rõ nhất cho sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người dùng là các nền tảng bán hàng online hàng đầu tại Việt Nam như Lazada, Shopee, Tiki hay “tân binh” TikTok Shop đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử buộc các “ông lớn” như Lazada, Shopee, Tiki không chỉ thu hút người dùng bằng điểm chạm thương hiệu - ứng dụng, mà còn bởi những trải nghiệm và các chương trình độc quyền “có 1 không 2”, cùng loạt ưu đãi hấp dẫn chưa từng có.
1. Lazada
2022 đánh dấu chặng đường 10 năm đồng hành cùng người Việt của Lazada. Từ một nền tảng xa lạ, Lazada trở thành cái tên quen thuộc hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam.
Theo thống kê của sàn TMĐT Lazada, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2022, tổng số lượng nhà bán hàng đang kinh doanh trên nền tảng này đã tăng đến 84% so với cùng kỳ năm trước
Trong năm 2022, Lazada là nền tảng gây ấn tượng với sự trỗi dậy mạnh mẽ, từ các tính năng trên ứng dụng đến các chương trình cho độc giả, người dùng. Đáng chú ý là màn đại tu ứng dụng với giao diện gọn đẹp, dễ nhìn và mở rộng quy mô nhiều dòng sản phẩm hơn, thu hút thêm nhiều thương hiệu lớn mở shop hơn.
Nhắc đến đến Lazada là còn phải đề cập đến các hoạt động giảm giá ngày đôi (8/8, 9/9,... 12/12), siêu sale,... làm nên thương hiệu. Trong năm nay, Lazada đã mạnh tay phối hợp cùng các thương hiệu đối tác và nhà bán hàng trong và ngoài nước giảm giá hàng triệu sản phẩm lên đến 90% cũng như miễn phí vận chuyển toàn quốc.
Bên cạnh việc mua sắm đơn thuần, các hoạt động mua sắm kết hợp giải trí - shoppertainment cũng ngày càng đa dạng, giúp người tiêu dùng có thể vừa mua sắm, vừa giải tỏa căng thẳng sau giờ làm việc ngay tại nhà. Thị hiếu này được các sàn TMĐT nhanh chóng nắm bắt. Trong đó, hoạt động livestream giới thiệu sản phẩm, chia sẻ trải nghiệm tiêu dùng trong năm qua đã giúp nhiều nhãn hàng như Lazada đạt kỷ lục doanh số.
Theo đó, Lazada ghi nhận số lượt xem livestream trên LazLive vào quý 3/2022 đã tăng 97% so với cùng kỳ năm 2021 nhờ vào những nội dung livestream thú vị, đặc sắc cũng như tính năng “Nhìn thấy – Mua ngay” (See Now – Buy Now) ngày càng được tối ưu và cải tiến.
Ngoài ra, người dùng có thể tận hưởng phút giây giải trí và mua hàng cùng lúc thông qua các review khách quan từ các KOLs/KOCs, đồng thời voucher giảm giá và quà tặng độc quyền được tung ra trong quá trình livestream giúp mua sắm tiết kiệm hơn.
Do vậy, lượng sản phẩm được thêm vào giỏ hàng trên LazLive trong quý 3 năm nay tăng hơn 4 lần, từ đó giúp tổng thương hiệu và nhà bán hàng tham gia livestream cũng tăng trưởng doanh thu hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ thân thiện với người dùng, Lazada còn trình làng “Học viện Lazada” để giúp các Nhà Bán Hàng nắm bắt thông tin quan trọng về khách hàng và những bí quyết thúc đẩy doanh thu. Ngoài ra, Lazada còn ghi điểm với khách hàng và đối tác khi có thời gian giao hàng nhanh nhất trong các sàn thương mại điện tử.
2. Shopee
Với số lượng người dùng lớn, chương trình khuyến mãi diễn ra thường xuyên, Shopee hiện đang là một trong những ứng dụng mua sắm được nhiều người lựa chọn. Điểm dễ thấy nhất trên Shopee là chương trình Flash Sale thường xuyên vào những ngày đôi hoặc những ngày lễ lớn như Giáng Sinh, Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán, Black Friday,…
Mỗi tháng người dùng sẽ được Shopee sẽ được tặng một ít voucher giảm giá và mã freeship cho các đơn hàng theo nhiều hình thức thanh toán. Các trò chơi săn xu, đổi voucher vẫn được diễn ra thường xuyên theo ngày, theo tuần, theo tháng.
Giao diện khá dễ dàng sử dụng với đa dạng sản phẩm, có cả khung đánh giá để tham khảo từ những người mua trước là một trong những ưu điểm vẫn được Shopee phát huy tốt trong năm 2022.
Tuy nhiên, trong năm nay, nhiều người dùng đã lên tiếng than phiền nền tảng này về chất lượng dịch vụ vận chuyển vì trễ đơn. Từ ngày 12/5, người mua hàng trên Shopee không được quyền chọn đơn vị giao hàng. Nhiều người dùng phản ánh phần lớn đơn được chuyển cho Shopee Express giao, nhưng đơn vị này lại xử lý chậm.
3. Tiki
Tiền thân của Tiki là nơi chuyên bán sách, mọi người vẫn biết đến Tiki là nơi kinh doanh sách uy tín và nền tảng vẫn làm rất tốt ở mảng này trong năm 2022. Các sản phẩm công nghệ tại Tiki cũng được đánh giá cao bởi vì là hàng chính hãng và được bảo quản tốt.
Từ khi xuất hiện đến nay, Tiki còn được đánh giá cao vì có chính sách giao hàng tính theo đơn hàng, khách hàng có thể gom nhiều mặt hàng của nhiều người bán để đặt chung một đơn và chỉ tính phí ship một lần duy nhất. Nếu mua gói thành viên TikiNow (giao nhanh trong ngày tại Hà Nội và Sài Gòn) thì được miễn phí ship tại bất cứ vị trí nào trong thành phố.
So với Shopee và Lazada, các chương trình quảng cáo, khuyến mãi tuy vẫn được Tiki thực hiện nhưng sức lan tỏa chưa mạnh để thu hút nhiều người dùng. Một phần nguyên nhân đến từ việc sản phẩm thiếu đa dạng, chủng loại sản phẩm khá ít.
Dẫu vậy, trong năm 2022 Tiki cũng dần thay đổi khi nhiều sản phẩm về thời trang cũng như mỹ phẩm, chăm sóc nhà cửa,… đã xuất hiện nhiều hơn trên sàn với lượt mua và đánh giá khá tốt.
4. TikTok Shop
Tuy mới chào sân Việt Nam đầu năm 2022, nhưng TikTok Shop đã phát triển nhanh chóng, sớm trở thành xu hướng bán hàng và trở thành chủ đề được trao đổi, thảo luận trên rất nhiều nền tảng mạng xã hội.
Theo báo cáo của Metric, 2022 là năm trỗi dậy của nền tảng này. Thống kê của Metric cho thấy, chỉ tính riêng trong tháng 11, doanh số trên TikTok Shop đã đạt mức 1.698 tỷ đồng, với 13 triệu sản phẩm được bán ra và 32.000 nhà bán đã phát sinh đơn hàng.
Trước khi TikTok Shop ra đời, giữa TikTok và các sàn TMĐT khác cũng đã tồn tại hình thức tiếp thị liên kết, có thể được hiểu như là mối quan hệ cộng tác giữa Tiktok và sàn TMĐT như Shopee, Lazada, hay Tiki,…
Trong đó, hình thức phổ biến là các KOLs sẽ trải nghiệm và giới thiệu sản phẩm trên Tiktok, rồi điều hướng người dùng có mối quan tâm, nhu cầu mua sản phẩm ấn vào đường link liên kết trực tiếp với trang bán hàng tại sàn TMĐT. Tuy nhiên, giờ đây khi có TikTok Shop, các TikToker, hay nhà bán hàng có thể gắn link gian hàng trực tiếp trên video.
Có thể nhận định tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng TikTok Shop hứa hẹn sẽ trở thành đối thủ đáng gờm của các ông lớn sàn TMĐT trong tương lai gần.
Tags