Bức chân dung của một hoàng tử châu Phi do Gustav Klimt vẽ hiện được định giá 15 triệu euro và đang được chào bán tại một hội chợ nghệ thuật. Nhưng câu chuyện đằng sau tác phẩm này là gì?
Trong suốt thời gian dài, Portrait of Prince William Nii Nortey Dowuona (tạm dịch: Chân dung hoàng tử William Nii Nortey Dowuona) được cho là đã thất lạc. Gustav Klimt vẽ vị quý tộc này vào năm 1897, nhưng bức tranh biến mất khỏi tầm mắt kể từ năm 1938.
Sự tái xuất gần đây của bức tranh đã gây chấn động giới nghệ thuật, và giờ đây, nó đang được rao bán với giá 15 triệu euro (hơn 16 triệu USD) tại hội chợ nghệ thuật TEFAF ở Maastricht (Hà Lan).
TEFAF, viết tắt của The European Fine Art Fair, là một trong những sự kiện nghệ thuật và cổ vật uy tín nhất thế giới, thu hút các nhà sưu tầm, chuyên gia và nhà đấu giá từ khắp nơi.
Một cặp đôi sưu tầm đã mang bức tranh phủ đầy bụi bẩn đến phòng trưng bày của các nhà buôn nghệ thuật người Vienna, Wienerroither & Kohlbacher, nơi chuyên về các tác phẩm của Klimt.
"Đó là một bất ngờ lớn đối với chúng tôi" - Alois Wienerroither, giám đốc điều hành của phòng trưng bày, chia sẻ với báo chí.
Dù sở hữu hơn 25 năm kinh nghiệm về Klimt, các chủ phòng trưng bày không lập tức nhận ra kho báu ẩn giấu dưới lớp bụi bẩn. "Chúng tôi nhìn bức tranh, nó bẩn thỉu và còn nằm trong một khung tồi tàn, trông chẳng giống tác phẩm của Klimt chút nào" - Wienerroither kể lại.
Tuy nhiên, sau khi được làm sạch và phục chế bởi các chuyên gia, không còn nghi ngờ gì nữa: đây chính là bức chân dung thất lạc của Klimt vẽ một hoàng tử ở châu Phi từ vùng đất nay thuộc Ghana. Các nhà phân tích nghệ thuật đã xác nhận tính xác thực qua phong cách vẽ đặc trưng của Klimt thời kỳ đầu, bao gồm sự kết hợp giữa nét chân dung chi tiết và các yếu tố trang trí tinh tế.
Các nhà phê bình nghệ thuật cũng lưu ý rằng sự xuất hiện của họa tiết hoa trong tranh là dấu hiệu sớm của phong cách trang trí sẽ trở thành đặc trưng trong các kiệt tác sau này của Klimt.

Bức tranh “Portrait of Prince William Nii Nortey Dowuona” của Gustav Klimt
Người tiên phong của Art Nouveau
Gustav Klimt (1862 - 1918), họa sĩ người Vienna, là một trong những tên tuổi quan trọng nhất của Áo cuối thế kỷ 19. Ông được xem là đại diện tiêu biểu của phong cách nghệ thuật mới (Art Nouveau) tại Vienna, nổi tiếng với những bức chân dung trừu tượng về phụ nữ như The Kiss và Woman in Gold. Những tác phẩm này thường sử dụng vàng lá và họa tiết hoa văn phức tạp, phản ánh sự xa hoa và cảm giác huyền bí của thời đại.
Năm 1897, Klimt cùng 50 nghệ sĩ tiên phong đồng chí hướng thành lập Vienna Secession (Hội ly khai Vienna - phong trào nghệ thuật, có liên quan chặt chẽ với Art Nouveau) nhằm phá vỡ phong cách hội họa lịch sử chân thực, hướng tới một nghệ thuật mới mẻ, tự do và sáng tạo hơn. Klimt giữ vai trò chủ tịch đầu tiên của hiệp hội này, đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp của ông.
Chính trong giai đoạn chuyển giao ấy, Klimt đã vẽ chân dung hoàng tử châu Phi - một tác phẩm pha trộn giữa nét chân thực của trường phái cổ điển và những dấu ấn báo trước phong cách tương lai của ông. Không giống các tác phẩm sau này với vàng lá lộng lẫy, bức tranh này mang nét mộc mạc hơn, phản ánh giai đoạn đầu sự nghiệp khi Klimt vẫn đang thử nghiệm và tìm kiếm phong cách riêng.
Với Wienerroither, tác phẩm được tìm thấy lại này là một mảnh ghép then chốt trong sự nghiệp của Klimt. "Phần nền hoa trong tranh đã mang hơi hướng hiện đại, gợi nhớ đến bức chân dung Sonja Knips - con gái một gia đình sĩ quan - được ông vẽ một năm sau đó, cũng với nền hoa tương tự".
Klimt và hoàng tử đã gặp nhau như thế nào?
Nghiên cứu lịch sử nghệ thuật mới nhất cho thấy vị hoàng tử này đã làm mẫu cho Klimt trong một triển lãm dân tộc học Völkerschau tại Vienna. Dù ngày nay bị coi là những màn trình diễn phân biệt chủng tộc, đáng bị lên án, tuy nhiên các triển lãm như vậy từng rất phổ biến vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 trên khắp châu Âu.
Những triển lãm này thường được tổ chức tại các thành phố lớn như Vienna, Berlin (Đức) hay Paris (Pháp), nơi các nhóm người từ châu Phi, châu Á hoặc châu Đại Dương bị đưa đến và trưng bày trong điều kiện khắc nghiệt để phục vụ sự tò mò của công chúng phương Tây. Tại Vienna, triển lãm năm 1897 diễn ra ở công viên Prater, một địa điểm nổi tiếng với các hoạt động giải trí thời bấy giờ.
Lâu nay, người ta không rõ Klimt thực sự gặp vị hoàng tử châu Phi này bằng cách nào. Nhưng vào năm 2007, nhà sử học nghệ thuật kiêm nhiếp ảnh gia Alfred Weidinger đã công bố một danh mục các tác phẩm của Klimt, trong đó ghi lại việc người ta mời đại diện bộ tộc Osu từ Tây Phi đến Áo vào năm 1897.
William Nii Nortey Dowuona, cháu trai của vua Osu - một cộng đồng thuộc nhóm dân tộc Ga ở vùng duyên hải Ghana ngày nay - được cử đến Vienna với vai trò trưởng đoàn. Hoàng tử (hay có thể gọi là "thân vương") không chỉ ngồi làm mẫu cho Klimt mà còn được họa sĩ Franz Matsch vẽ chân dung - bức tranh này hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử và nghệ thuật Quốc gia ở Luxembourg.

Danh họa Áo Gustav Klimt bên danh tác “The Kiss”
Câu chuyện kịch tính quanh bức tranh
Sau khi Klimt qua đời năm 1918, Ernestine Klein mua xưởng vẽ của ông và biến nó thành biệt thự. Bà có thể đã mua bức chân dung này tại một cuộc đấu giá ở Vienna năm 1923, dù không có tài liệu xác nhận chính thức. Tuy nhiên, một bức ảnh đen trắng của tác phẩm xuất hiện trong danh mục đấu giá tương ứng, củng cố giả thuyết này.
Đến năm 1928, 10 năm sau cái chết của Klimt, bức tranh tái xuất tại một triển lãm hồi cố về ông tại Vienna. "Và đó là lúc chúng tôi tìm thấy biên nhận trả lại" - Wienerroither kể với báo chí - "Ernestine Klein đã nhận lại bức tranh từ triển lãm và ký xác nhận".
Nhưng vì chồng bà Ernestine Klein là người Do Thái, nên gia đình bà buộc phải chạy trốn khỏi Đức quốc xã vào năm 1938 khi Hitler sáp nhập Áo trong sự kiện Anschluss. "Mọi dấu hiệu cho thấy họ đã bỏ lại tất cả tài sản trong nhà. Khi trở về sau chiến tranh, mọi thứ đã biến mất" - Wienerroither nói.
Nhiều tác phẩm nghệ thuật bị Đức quốc xã tịch thu hoặc cướp bóc trong thời kỳ này, dẫn đến việc chúng bị phân tán khắp châu Âu, qua các kênh buôn bán nghệ thuật ngầm.
Do bức tranh không xuất hiện tại các cuộc đấu giá công khai sau chiến tranh, Wienerroither nghi ngờ nó đã được trao đổi qua tay các nhà buôn nghệ thuật tư nhân trong nhiều thập niên trước khi rơi vào tay cặp đôi sưu tầm vô danh.
Khi những bức tranh bị Đức quốc xã tịch thu hoặc đánh cắp được rao bán, nguồn gốc của chúng cần được kiểm tra kỹ lưỡng theo các quy định quốc tế về hoàn trả nghệ thuật. Vì vậy, Wienerroither đã gặp gỡ hậu duệ của Klein và đạt được thỏa thuận tài chính. "Có nhiều người thừa kế, và chúng tôi mất rất lâu để thương lượng xong" - ông cho biết. Quá trình này tuân thủ Luật Hoàn trả nghệ thuật của Áo, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các nạn nhân của chế độ quốc xã.
Chuyến viếng thăm gia đình hoàng tử
Câu chuyện vẫn chưa dừng lại. Tại Ghana, nó mới chỉ bắt đầu. "Danh tính của hoàng tử đã được xác minh, và thậm chí hậu duệ của ông ấy cũng đã được tìm thấy" - Wienerroither tiết lộ.
Lại một lần nữa, đó là sự tình cờ. "Alfred Weidinger, người viết danh mục Klimt, đã chụp ảnh các vị vua ở châu Phi trong nhiều năm" - Wienerroither kể. Nhờ vậy, ông đã lần ra gia đình của William Nii Nortey Dowuona ở Ghana qua các mối liên hệ văn hóa và lịch sử.
"Hiện ông ấy đang liên lạc với gia đình. Thật không thể tin nổi. Hình như họ vẫn giữ những món đồ mang về từ Vienna, vẫn còn trong gia đình" - Wienerroither nói. Các vật phẩm này có thể bao gồm đồ trang sức, trang phục hoặc tài liệu từ chuyến đi năm 1897...
Trong khi đó, một cuộc gặp giữa Weidinger và hậu duệ của William Nii Nortey Dowuona tại Ghana đã được lên kế hoạch. Câu chuyện về Klimt, vị hoàng tử châu Phi và hành trình của bức tranh bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ ấy sẽ trở thành chủ đề cho một bộ phim tài liệu dài 50 phút sắp ra mắt trên truyền hình. Bộ phim dự kiến khám phá không chỉ khía cạnh nghệ thuật mà còn những vấn đề lịch sử và đạo đức liên quan đến các triển lãm Völkerschau, mang đến cái nhìn toàn diện về di sản phức tạp của bức tranh.
Các nhà phê bình nghệ thuật cũng lưu ý rằng sự xuất hiện của họa tiết hoa trong tranh là dấu hiệu sớm của phong cách trang trí sẽ trở thành đặc trưng trong các kiệt tác sau này của Klimt.
Tags