"Trên mạng nhiều người nói "cô Hồng Nhung hơi hỗn vì ít tuổi mà cứ gọi anh Sơn". Thế thì, tôi phải nói lại với mọi người rằng, cái việc tôi gọi "anh Sơn" là yêu cầu của chàng", diva Hồng Nhung nói.
Nhân dịp kỷ niệm 22 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời xa cõi tạm, diva Hồng Nhung đã quyết định thực hiện liveshow "Bống là ai" sẽ được tổ chức ngày vào 11 và 12/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là dự án mà diva Hồng Nhung đã ấp ủ từ lâu với mong muốn thực hiện một trong những ý nguyện của cố nhạc sĩ tài ba Trịnh Công Sơn là thực hiện âm nhạc của ông theo phong cách Blue-Jazz với âm hưởng văn hóa Pháp.
Cũng trong liveshow này, Hồng Nhung sẽ giới thiệu 1.000 đĩa than độc bản "Bống là ai?" gồm 8 ca khúc bất hủ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được hát bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, cùng MV mới "Simple Beauty- Vẻ đẹp giản đơn" với những ca khúc do chính cô sáng tác.
Trong buổi chia sẻ mới đây về những dự án của mình, diva Hồng Nhung đã kể lại những câu chuyện, kỷ niệm khó quên với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Hồng Nhung và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Đêm nhạc Blue-Jazz là mong muốn của Trịnh Công Sơn
Mọi sự gặp nhau trên cuộc đời này đều là duyên kỳ ngộ. Từ lúc tôi gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, anh có nói với tôi rằng, anh có một mong muốn là âm nhạc của mình được làm trên hình thức Blue-Jazz mang âm hưởng Pháp.
Tuy nhiên nhiều năm qua, dòng nhạc Pop rất thịnh hành nên cái ý muốn làm Jazz của anh Sơn cũng bị tôi lãng quên chút. Và chỉ đến khi tôi "lạc" sang Pháp vì covid, ban đầu là định nghỉ hè 6 tuần thôi nhưng sau đó lại thành hơn 1 năm.
Trong suốt thời gian đó, tôi đến viện bảo tàng xem, đi nghe opera và nhiều loại hình nghệ thuật khác, được giao lưu với những nghệ sĩ nổi tiếng tại đây thì cái mong ước thực hiện đêm nhạc như vậy càng lớn mạnh hơn và cuối cùng là liveshow "Bống là ai?" ra đời.
Anh Sơn có viết cho tôi một bài hát nữa nhưng tôi không dám nhận
Tôi nhớ vào năm 1993 khi anh Trịnh Công Sơn đưa tôi đi thu album đầu tiên "Bống bồng ơi". Lúc đó chưa có CD chỉ có băng cassette thôi và anh Sơn đã dắt tôi tới phòng thu của anh Bảo Phúc.
Tôi nhớ, để đến được phòng thu phải đi qua một cái chợ ướt trên ướt dưới, nói chung là rất dầm dề. Và đó là một nhà hát cải lương cũ đã bỏ hoang, ở trên gác người ta làm một phòng thu. Tôi và anh Sơn phải đi bộ xuyên qua chợ vì xe máy không thể vào được.
Lúc đó, anh Sơn có viết cho tôi một bài hát nữa nhưng không đứng tên tôi nên tôi không bao giờ dám nhận. Đó là bài "Còn mãi tìm nhau". Bài này có câu hát: "Tìm nhau giữa vô thường" tôi rất thích vì khi còn ở thế giới này hay đã sang thế giới bên kia thì vẫn có thể "tìm nhau giữa vô thường".
Và anh Trịnh Công Sơn có từng nói rằng: “Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thận phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào để nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”.
Với tôi - một con người đầy tội lỗi không thể nghĩ rằng, mình có thể làm được điều gì cứu rỗi đời mình "trên cây phật giá đời" nhưng ít nhất là có thể cất lên tiếng hát bằng đúng cái tư tưởng sống và triết lý sống của anh Sơn. Đó là cuộc sống thì hữu hạn cho nên ta sống hết ngày hôm nay, sống hết cái giây phút này hết lòng và bằng những gì đẹp đẽ nhất vì ai chả có cái đẹp và cái xấu. Tôi có hơi bị nhiều cái xấu đấy (cười).
Bị nói hỗn khi gọi Trịnh Công Sơn là anh
Trên mạng nhiều người nói "cô Hồng Nhung hơi hỗn vì ít tuổi mà cứ gọi anh Sơn". Thế thì, tôi phải nói lại với mọi người rằng, cái việc tôi gọi "anh Sơn" là yêu cầu của chàng.
Tôi và Thanh Lam gặp anh Sơn lần đầu tiên tại nhà của nhạc sĩ Thanh Tùng. Lúc đó khoảng 9h tối, anh Sơn bước vào, chàng cũng ngà ngà rồi, đội một cái mũ, đeo mắt kính vừa đi vừa đá những hòn sỏi ở trong sân nhà nhạc sĩ Thanh Tùng. Chúng tôi khi đó đang đứng trên gác nên chạy xuống thì được anh Thanh Tùng giới thiệu: "Này hai đứa, đây là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn" và đấy là lần đầu tiên tôi được thấy anh Sơn.
Trước đó vào năm 14 tuổi, tôi đã hát "em sẽ là mùa xuân của mẹ" trên sân khấu thiếu nhi rồi nên rất ngưỡng mộ. Tôi mới nghĩ, "uầy đây là ông Trịnh Công Sơn" - một tên tuổi quá lớn.
Thế nhưng Thanh Lam lúc đó lại bình thường, cười tươi vì rất xinh, tôi thì rúm ró vì cực gầy, răng hơi nhiều lại nhô ra tứ phía. Tôi bảo: "Cháu chào chú ạ" thì anh Sơn nói:
"Tôi với cô có họ hàng chi không? Tôi với cô có bà con chi không?"
"Dạ không ạ"
"Thế gọi tôi là anh chứ, sao chú?".
Thế là từ đấy trở đi, tôi chỉ được gọi là anh Sơn bởi vì không có họ hàng gì cả. Và ở nhà mọi người hay gọi anh Sơn là "cậu Sơn". Chỉ có hai cách để cho anh thích được gọi là "anh Sơn" hoặc "cậu Sơn". Vì thế tôi bị nói hỗn cũng phải chịu, phải theo cái cách mà anh muốn chứ không thể chiều lòng tất cả mọi người được.
Tags