Gia nhập thị trường lao động, với cá tính cạnh tranh cao, không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi sự khác biệt về xuất thân, giới tính… tỉ lệ nữ gen Z “ngành Tech” ngày càng gia tăng về số lượng và chất lượng.
Theo báo cáo thị trường IT năm 2022 của TopDev, 64,1% các công ty mở rộng nhóm phát triển với nhiều vị trí công nghệ. Nhu cầu tuyển dụng IT năm 2022 tăng cao so với năm 2021. Tuyển dụng nhiều, nhưng chênh lệch giới tại các công ty công nghệ, lập trình lại khá rõ rệt. Chỉ có 7,85% lập trình viên là nữ, tuy nhiên, con số này tăng đáng kể so với năm trước đó.
Phải kể đến 3 lý do đặc biệt "gây khó" cho nữ giới trong ngành công nghệ: Định kiến giới dẫn đến không nhận được nhiều sự ủng hộ từ xã hội. Bình đẳng giới chưa thực sự được quan tâm tại một số tổ chức. Văn hóa làm thêm giờ dẫn đến tình trạng kiệt sức, mất cân bằng giữa cuộc sống và công việc.
Vậy những "IT women", họ đã làm gì để phá vỡ những định kiến, sẵn sàng bứt phá với ngành công nghệ thông tin? Cảm hứng nào khiến những cô gái đang làm việc tại các Tập đoàn lớn như Viettel cống hiến mỗi ngày?
Từ ước mơ làm công nghệ năm 14 tuổi, Nguyễn Trần Ngọc Linh (Giám đốc Trung tâm Phân tích dữ liệu Viettel Telecom) là "minh chứng thép" cho câu chuyện kiên trì theo đuổi đam mê. "Linh nghĩ mình phải là một lập trình viên, không nghề nào khác!".
Nỗ lực bất chấp những rào cản về thiếu thốn công nghệ, thành công đầu đời của chị là Giải nhất Quốc gia môn Tin học, đến Giải lập trình Sinh viên Nhật Bản. Gia nhập Viettel từ năm 2012, từ vị trí lập trình viên, hiện chị là Giám đốc Trung tâm Phân tích dữ liệu Viettel Telecom và là đại sứ Việt Nam tại Hội nghị khoa học dữ liệu toàn cầu.
"Nếu minh họa cho hành trình đến với công nghệ bằng một nét vẽ, mình chọn đường gấp khúc vì mục tiêu của mình là luôn hướng lên phía trước".
Năm 2013, chị được tham gia dự án xây dựng nền tảng cho hệ thống kho dữ liệu kinh doanh tập trung Viettel BI và được giao trọng trách nghiên cứu công nghệ Big Data để xử lý lượng dữ liệu viễn thông ngày càng gia tăng và phức tạp. Đây cũng là dự án đầu tiên đưa chị Linh bén duyên với lĩnh vực này.
Sau 11 năm gắn bó, chị Linh đã tham gia nhiều dự án quan trọng tại Viettel như Viettel Data Lake, Viettel Realtime Big Data Platform (vRTAP)...; giải quyết nhiều bài toán kinh doanh tại Việt Nam và các thị trường nước ngoài như Lào, Campuchia, Peru, Myanmar. Tất cả đều chỉ hướng về một mục tiêu duy nhất, xây dựng một trung tâm phân tích dữ liệu, Big Data mang tầm quốc tế."
Môi trường Viettel có những người anh luôn giúp đỡ mình và trong cảm nhận của mình Viettel cũng chính là một người anh lớn dẫn dắt mình đến ngày hôm nay."
Trải qua 15 năm làm công nghệ, chị mong muốn trở thành nguồn động viên cho các bạn trẻ đang bắt đầu những bước như mình ngày trước, cổ vũ thêm nhiều chị em tham gia vào nghề này: "Các bạn hãy đam mê với nghề, rèn luyện chuyên môn sâu, và đừng ngại ngần bước chân vào các cộng đồng quốc tế, nghĩ mình làm được thì sẽ làm được, cố gắng hết mình nhé các bạn gái nhỏ xinh!"
"Mọi người nghĩ là mình chăm chút vẻ bề ngoài thì không có thời gian để tập trung cho công việc" là những định kiến giới mà chị Vũ Thị Hạnh – kỹ sư Giải pháp Công nghệ, Trung tâm không gian mạng Viettel (VTCC) gặp phải trong quá trình "làm Tech" của mình.
Đằng sau vẻ ngoài xinh xắn và chỉn chu, chị là tác giả của hơn 10 công trình nghiên cứu liên quan tới lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI) được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế. Với chị, công việc nghiên cứu trong lĩnh vực AI thú vị nhưng vô cùng thách thức.
"Cường độ làm việc cao, công việc nhiều áp lực và căng thẳng cũng đôi khi làm mình mệt mỏi và nản chí. Tuy nhiên, sự động viên của đồng nghiệp, sự quan tâm của lãnh đạo đơn vị, sự hỗ trợ của team, hơn hết là niềm đam mê về công nghệ và nghiên cứu khoa học đã thúc đẩy mình", chị chia sẻ.
Là phụ nữ, trong môi trường làm việc phần đông là nam giới, theo chị cần rèn luyện sự linh hoạt và thích nghi của bản thân. "Mình có một số điểm yếu hơn nam giới, nhưng mình cũng có ưu thế, điểm mạnh hơn ở một số mặt khác, nên hãy tập trung khai thác bản thân ở những mặt mạnh đó. Kết quả công việc sẽ là sự chứng minh rõ ràng nhất cho những định kiến".
Theo nghiên cứu của Women’s Engineering Society, khi có những nữ nhân viên làm kỹ thuật, tỷ lệ tạo ra các sáng chế công nghệ lại cao hơn từ 26 - 42%. Với chị Hạnh, tận dụng thế mạnh trong sự mềm mại, uyển chuyển trong giao tiếp, và sự "nữ tính" cũng là một chất xúc tác giúp cho môi trường công việc khoa học kỹ thuật bớt khô khan và cứng nhắc hơn.
Chị Hồ Thị Xuân Hoà là một người vợ, người mẹ và là đồng tác giả của sản phẩm công trình công nghệ "Made by Viettel", "Make in Vietnam" được cấp bằng độc quyền tại Mỹ. Với chị, chính gia đình và đồng nghiệp là điểm tựa giúp chị vượt qua áp lực trong công việc.
"Có những sản phẩm phải thử nghiệm đến dăm chục lần khiến tôi năm lần bảy lượt muốn bỏ cuộc. Cũng có công trình được thực hiện từ khi bắt đầu có bầu đến trước thời gian sinh con một tuần mới hoàn thành." - chị Hoà nhớ lại những ngày tháng vừa dành thời gian nghiên cứu dự án, vừa đón đứa con đầu lòng.
Thời điểm vào làm ở Viettel khi 4G hay 5G đều là những công nghệ rất mới, chị được giao nhiệm vụ sáng tạo ra được một sản phẩm "Made in Vietnam", một công việc cực kỳ áp lực với một cô sinh viên mới ra trường không có nhiều kinh nghiệm và kiến thức.
Đến nay, người phụ nữ này đã gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp của mình. Chị Hồ Thị Xuân Hoà là đồng tác giả của sáng chế " Phương pháp hiệu chỉnh và điều khiển công suất tuyến thu thích ứng theo môi trường truyền dẫn trong hệ thống trạm thu phát gốc vô tuyến" được cấp bằng độc quyền tại Mỹ. Sáng chế của chị đã được triển khai ở 200 trạm trên cả nước và ở một số thị trường nước ngoài mà Viettel đang kinh doanh phát triển.
Để có được thành công như hiện tại, chị luôn biết ơn môi trường ở Viettel đã tin tưởng, trao cơ hội để làm những dự án với quy mô mà chị Hòa chưa bao giờ nghĩ tới.
Trở về Việt Nam để làm việc là một quyết định khiến Tiến sĩ Giang Thanh Hà bị người nhà và bạn bè đặt nhiều nghi vấn. Nhưng sau hơn 5 năm gắn bó với Viettel, điều mà tiến sĩ Hà tâm đắc nhất là mọi người đã thay đổi cái nhìn về quyết định của chị.
Là một người phụ nữ với kiến thức được đào tạo bài bản từ nước ngoài, chị Hà tự tin không chịu thua trước bất kỳ "đấng nam nhi" nào trong công việc. Thực tế đã kiểm chứng, từ giám đốc, tiến sĩ, kỹ sư, tác giả bản quyền… không có việc gì mà phụ nữ không thể làm được.
Làm việc trong một ngành rất mới ở Việt Nam - Hàng không vũ trụ, mảng công nghệ cao, công nghiệp quốc phòng, có rất ít người làm được như chị. Môi trường ở Viettel tạo cho chị động lực để đào sâu và đưa ra những ý tưởng mới, phát huy được ưu điểm riêng của bản thân.
Lời khuyên dành cho các bạn nữ trẻ đang theo đuổi ngành công nghệ của Tiến sĩ Giang Thanh Hà là sự kiên định. "Nếu bạn đam mê, hãy đi theo niềm đam mê vẫy gọi bạn. Làm ngành nào cũng sẽ có cái khó, có ưu nhược điểm nhưng nếu bạn quyết tâm theo đuổi đam mê thì bạn sẽ duy trì được cái niềm yêu thích khi làm việc. Đấy mới là điều quan trọng nhất."
Với các bạn nữ Gen Z làm việc tại tập đoàn Viettel, những bài học của bậc “tiền bối" chính là nguồn động lực cho bản thân. Điển hình như cô bạn Hà Thị Thùy Dương - kỹ sư thiết kế Triển khai mạng lõi thuộc Trung tâm Kỹ thuật toàn cầu, Tổng công ty Mạng lưới Viettel (VTNet). Ở tuổi 23, Dương là cô gái duy nhất và trẻ nhất của phòng mạng lõi nhưng luôn là hạt nhân tiêu biểu trong cả công việc và hoạt động Đoàn.
“Môi trường Viettel luôn cho mình cảm giác được xả hết năng lượng của bản thân vào công việc.” Tinh thần hết mình của Dương không chỉ tiếp thêm năng lượng cho bản thân cô mà còn truyền năng lượng cho mọi người.
Còn với cô bạn đồng nghiệp Vũ Hoàng Lan, trải nghiệm chuyến đi công tác đầu tiên tiên kéo dài gần 1 tuần tại khu Quân cảng Cam Ranh - Tỉnh Khánh Hòa là điều cô nàng sẽ nhớ mãi. Nhiệm vụ của Lan là phải đảm bảo truyền hình trực tiếp cho sự kiện ngày Đại dương thế giới và tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam. Sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng.
“Nếu không phải ở VTNet và Viettel, có lẽ chẳng ở đâu mà các sếp lại sẵn sàng tin tưởng và trao quyền cho nhân viên trẻ đến thế. Đó là những thử thách lớn nhưng cũng là cơ hội tuyệt vời mà thế hệ gen Z của chúng mình có thể nhận được tại đây.”
Dòng chảy nhân lực vẫn luôn vận động, thế hệ trẻ gen Z nói chung và nữ gen Z nói riêng sẽ ngày càng có nhiều cơ hội để chứng minh năng lực của mình. Với Viettel, chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel - ông Đào Đức Thắng khẳng định: "Các cô gái của chúng tôi luôn biết cương, biết nhu để đạt được hiệu quả tốt nhất trong công việc. Không chỉ có kinh nghiệm, mà những người phụ nữ tại Viettel cũng không ngại khó khăn ra tiền tuyến. Đó là tinh thần làm việc sẵn sàng hy sinh mà nam giới cũng phải nể. Cái gai làm cho nét đẹp của bông hoa hồng tự nhiên: mạnh mẽ, tạo nên sự kiên cường, và tạo nên một vũ khí để người Viettel tự hào về mình."
Dù là thế hệ Gen Y hay Z niềm vui của những "IT Women" là được khẳng định bản thân khi được trao quyền thông qua những dự án khó, được công nhận thành tựu trên "mặt trận" công nghệ. Và mọi nỗ lực từ ban lãnh đạo Viettel đều phục vụ cho những nhu cầu chính đáng mà mỗi người phụ nữ Viettel mong muốn, để họ được hạnh phúc trong suốt hành trình công nghệ tại đây.