'Bí mật của nước': Tại sao lại như thế?

Thứ Bảy, 10/07/2021 07:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Sau khi đọc đề thi môn Ngữ văn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay, nhiều người rất tò mò về tác giả Masaru Emoto với tác phẩm Bí mật của nước được vinh dự trích dẫn trong đề. Nhà phê bình Nguyễn Hòa, tác giả của Bàn phím và cây búa đã có bài viết gửi Thể thao và Văn hóa (TTXVN). Xin trân trọng giới thiệu bài viết này để rộng đường dư luận.

Đề thi môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021

Đề thi môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021

Năm nay, cấu trúc đề thi vẫn được giữ nguyên so với các kì thi THPT Quốc gia các năm trước, cả về thời gian lẫn hình thức làm bài thi. Đề thi môn Văn THPT Quốc gia 2021 dưới hình thức tự luận, thời gian 120 phút, thí sinh phải hoàn thành 2 phần là Đọc hiểu 3 điểm và Làm văn 7 điểm.

Đọc đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021 môn Ngữ văn, tôi ngạc nhiên khi thấy đoạn trích từ tác phẩm Bí mật của nước của Masaru Emoto. Tại sao ngạc nhiên ư? Vì tôi đã đọc 2 cuốn Thông điệp của nướcBí mật của nước của tác giả này.

Chú thích ảnh
Tác giả Masaru Emoto. Ảnh: Internet

Đọc thấy ngồ ngộ nên tôi tìm hiểu thì biết Masaru Emoto được coi là một nhà “giả khoa học” với ý tưởng cho rằng “nước có khả năng sao chép và ghi nhớ thông tin”: “Nếu có khả năng đọc được những thông tin chứa trong ký ức của nước, chúng ta có thể đọc được một câu chuyện có tính sử thi”, “các tinh thể nước có liên hệ chặt chẽ và không ngừng với tâm hồn con người. Khi suy nghĩ về việc tại sao các tinh thể nước đá lại giao tiếp được với nhiều người như vậy, tôi nhận ra rằng bởi chúng đang giữ chìa khóa để mở ra những điều bí ẩn của vũ trụ và chiếc chìa khóa này có thể mở ra tri thức cần thiết để hiểu đúng về trật tự của vũ trụ cũng như vai trò của nhân loại trong vũ trụ. Nước là tấm gương của tâm hồn. Nó có muôn vàn khuôn mặt, hình thành từ việc sắp xếp chính nó cùng ý thức nhân loại”.

Masaru Emoto công bố những bức ảnh đẹp hoặc xấu và cho rằng đó là ảnh ông chụp tinh thể nước đá, nước sau khi nghe giao hưởng Đồng quê của Beethoven, nước sau khi tiếp xúc với từ “cảm ơn”, nước sau khi tiếp xúc với từ “ngớ ngẩn”… Nhưng đến khi được đề nghị lặp lại kết quả thử nghiệm trong cùng điều kiện và sẽ nhận được khoản tiền 1 triệu USD thì ông không tham gia!

Chú thích ảnh
Cuốn “Bí mật của nước”

Đọc và tôi thấy Bí mật của nước (xuất bản sau) lặp lại nhiều nội dung trong Thông điệp của nước (xuất bản trước). Cả 2 cuốn đều là sự pha trộn nháo nhào giữa một số nội dung tôn giáo (như Ki tô giáo, Phật giáo), tín ngưỡng của người Maya, Thần đạo Nhật Bản… với một số kết quả nghiên cứu của vật lý học, hóa học, y học... mà Masaru Emoto như muốn gán cho chúng ý nghĩa phù hợp với ý tưởng của ông? Đồng thời kết hợp với nhiều sự kiện lịch sử được quy chiếu từ góc nhìn “nước có thể hiểu và chuyển tải ý thức con người”.

Một thí dụ theo tôi là tào lao được Masaru Emoto kể lại rằng, chuyện một buổi chiều, ông sử dụng thiết bị đo rung động do ông chế tạo để đo rung động của nước máy tại Tokyo và phát hiện giá trị rung động của thủy ngân, chì, nhôm, và các chất gây hại cho cơ thể tăng mạnh một cách bất thường. Lúc đầu ông nghi ngờ thiết bị, sau thấy không phải, hóa ra đó là “điểm báo” về chiến tranh xảy ra ở Iraq - một cuộc chiến tranh mà ông đọc báo thì biết: “Trọng lượng bom thả xuống trong ngày đầu tiên của cuộc chiến tương đương với lượng bom rải xuống trong suốt cuộc chiến tranh tại Việt Nam”! Nên tôi nghĩ, người có niềm tin tâm linh thích đọc 2 cuốn này hơn người muốn tiếp xúc với một công trình nghiên cứu khoa học hữu ích. Đơn giản vì nếu “nước có thể hiểu và chuyển tải ý thức con người”, thực sự chứa đựng ký ức của nhân loại thì tại sao ông không nghiên cứu để tìm ra “chìa khóa” để mở cánh cửa đi vào cái “ổ cứng” (là nước, theo cách nói của Masaru Emoto) giúp con người khám phá, tìm hiểu ký ức của chính mình, khám phá “câu chuyện có tính sử thi” về lịch sử loài người từ hàng triệu năm trước?

Tôi thắc mắc khi thấy sau khi dẫn đoạn trích từ tác phẩm Bí mật của nước của Masaru Emoto, đề thi môn Ngữ văn có 2 câu hỏi: “1. Theo đoạn trích, sự ra đời của một dòng sông diễn ra thế nào?”, “2. Trong đoạn trích, món quà cuối cùng nước dành tặng cho loài người trước khi hòa vào biển cả là gì?”. Bởi theo tôi, nếu đọc một cách hệ thống, liền mạch các trang viết liên quan đoạn đề thi trích dẫn, sẽ thấy Masaru Emoto không có ý định mô tả sự ra đời của dòng sông, cũng chẳng quan tâm nhiều đến “món quà cuối cùng nước dành tặng cho loài người trước khi hòa vào biển cả”, mà ông mô tả chủ yếu để đưa đẩy tới những dòng ông viết ngay sau đoạn trích:

“Nhưng đây không thực sự là cái kết cho cuộc đời của nước, vì đại dương cũng dồi dào sự sống và cùng với tất cả các sinh vật biển, nước bây giờ mới chỉ bắt đầu hành trình của mình. Trong quá trình tái sinh vĩnh hằng, nước ở đó để trao cho chúng ta một bộ sưu tập đầy đủ tất cả những tri thức và trải nghiệm nó thu thập được. Trong một chu trình mà chúng ta xem là vĩnh cửu, nước du hành qua con đường từ bên ngoài Trái đất tới đỉnh các ngọn núi rồi tới đáy sâu đại dương, mang theo sự sống trong mình và kết nối mọi thứ với nhau trong một sự quân bình hoàn hảo. Trong quá trình nước thực hiện cuộc hành trình qua cuộc sống, nó trở thành một nhân chứng cho tất cả sự sống trên Trái đất, tự nó đã trở thành dòng chảy của cuộc sống”.

Chẳng nhẽ người ra đề bị mê hoặc bởi hình ảnh, sự du dương của đoạn trích nên đã không đọc đoạn kế tiếp để hiểu logic trình bày của tác giả, và đã gán cho đoạn trích những ý nghĩa nằm ngoài mục đích của Masaru Emoto? Thêm nữa, việc khai thác một cuốn sách thiếu giá trị khoa học của một nhà “giả khoa học” làm đề thi tốt nghiệp THPT liệu có phải là một lựa chọn đúng?

Nguyễn Hòa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›