(Thethaovanhoa.vn) - Ieoh Ming Pei (Bối Duật Minh), kiến trúc sư Mỹ gốc Hoa từng bị bêu rếu khi đặt một kim tự tháp bằng kính vào khuôn viên Bảo tàng Louvre, tròn 100 tuổi hôm 25/4.
- 'Công trình kiến trúc của Năm 2016' là một công viên đất nung
- Chiêm ngưỡng những 'công trình hạnh phúc' của Việt Nam đoạt giải 'Nobel Kiến trúc' châu Á
- Vĩnh biệt Zaha Hadid, nữ kiến trúc sư đầu tiên đoạt giải Pritzker với những công trình 'mạo hiểm'
Cột mốc 100 năm cuộc đời ông càng ý nghĩa hơn khi công trình sáng tạo gây tranh cãi của ông giờ đã trở thành một biểu tượng của thủ đô nước Pháp.
Kiến trúc sư I.M.Pei bên công trình kim tự tháp kính tại Bảo tàng Louvre từng gây tranh cãi
Trước khi cấu trúc bằng kính khổng lồ này được khánh thành hồi năm 1989, Pei đã phải hứng chịu nhiều lời chỉ trích của giới phê bình, trong khi có tới 90% người dân Paris phản đối dự án này.
“Tôi đã phải hứng chịu nhiều cái nhìn giận dữ khi đi trên các đường phố ở Paris” – Pei từng chia sẻ và thừa nhận “sau Louvre không có dự án nào gặp nhiều khó khăn như vậy”.
Tuy nhiên, trong “bão” chỉ trích của ấy Thái tử Anh Charles vẫn tuyên bố đây là công trình “tuyệt vời”.
Hiện mỗi năm kim tự tháp kính đón hơn 2 triệu khách tham quan
Còn Le Figaro từng tổ chức chiến dịch chống lại thiết kế “quỷ quái” nhưng khi công trình này tròn 10 năm đón công chúng tờ nhật báo đã phải "ngả mũ" tôn vinh tài năng của Pei.
Kim tự tháp bằng kính của Pei gắn kết với 3 cánh của Louvre, bảo tàng đó nhiều khách tham quan nhất thế giới với những phòng trưng bày ngầm rộng lớn tràn ngập ánh sáng đón được từ kim tự tháp bằng kính và thép.
Pei trưởng thành ở Hong Kong và Thượng Hải trước khi theo học tại trường Đại học Harvard. Thực tế, Pei không phải là lựa chọn đầu tiên cho công trình này và ông chưa từng gắn kết với bất cứ công trình lịch sử nào trước đó.
Không gian trưng bày ngầm ở bên dưới kim tự tháp kính trong Bảo tàng Louvre
Nhưng Tổng thống Pháp thời điểm đó là Francois Mitterrand lại thấy quá ấn tượng với không gian mở rộng ở phía Đông của Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia ở Washington DC do Pei thiết kế và khăng khăng kiến trúc sư hiện đại này phải là người đảm trách phần mở rộng của Bảo tàng Louvre.
Lúc đó, Tổng thống Mitterrand đang trong quá trình nỗ lực làm thay đổi Paris với một loạt dự án kiến trúc lớn, trong đó có Nhà hát Opera Bastille và Grand Arch.
Khi được giao xúc tiến công trình tại Bảo tàng Louvre, Pei đã ngoài 60 tuổi và là một ngôi sao đã thành danh trong làng kiến trúc Mỹ với những công trình gây tiếng vang như Thư viện John F. Kennedy và Tòa thị chính Dallas, và đặc biệt ông chẳng hề biết được sự đón nhận đầy thù địch mà ông sẽ phải hứng chịu cho dự án cấp tiến của mình.
Phòng trưng bày ngầm ngập tràn ánh sáng hứng được từ kim tự tháp kính
Pei đã phải sử dụng hết cả tinh thần và sự hài hước của mình để “sống sót” qua các cuộc gặp gỡ với sử gia và giới chức quy hoạch. Một cuộc họp với ban quản lý các công trình lịch sử Pháp hồi tháng 1/1984 đã kết thúc trong sự náo loạn và Pei không thể trình bày được ý tưởng của mình.
Kể cả Pei đã đoạt giải Pritzker, được coi là giải “Nobel kiến trúc” hồi năm 1983 cũng không thể thuyết phục được những người phản đối dự án của ông.
Jack Lang, Bộ trưởng Văn hóa Pháp thời điểm đó nói với AFP rằng ông vẫn “kinh ngạc khi chứng kiến sự phản đối các ý tưởng của Pei”.
Không gian mở rộng ở phía Đông của Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia ở Washington DC do Pei thiết kế
"Dự án này được xúc tiến vào thời điểm đang có những sự xung đột gay gắt về hệ tư tưởng giữa cánh tả và cánh hữu. Thậm chí, để phản đối dự án của Pei, giám đốc Bảo tàng Louvre thời điểm đó là Andre Chabaud đã từ chức (năm 1983) nhằm phản đối những “rủi ro kiến trúc” theo sự tưởng tưởng của Pei.
Nhưng giờ đây không thể phủ nhận rằng kim tự tháp kính này là một kiệt tác đã góp phần làm tăng thanh thế của bảo tàng chính. Công trình độc đáo của Pei hiện đón hơn 2 triệu du khách/năm. Hồi năm 2016, Bảo tàng Louvre đã đón được gần 9 triệu khách tham quan.
Hiện Pei được xem là một trong những kiến trúc sư thành công nhất của thế kỷ 20. Công trình của ông có hình khối trừu tượng, sử dụng đá, bê tông, kính, thép.
Tuấn Vĩ
Theo AFP
Tags