Bí mật Olympic: Vì sao đoàn Australia gây thất vọng

Thứ Sáu, 10/08/2012 14:42 GMT+7

Google News

(TT&VH)- Một nghiên cứu mới nhất lấy từ kết quả các cuộc thăm dò đang chỉ ra rằng sức khỏe những VĐV phải di chuyển một quãng đường dài có nguy cơ mang nhiều bệnh tật hơn các VĐV khác. Điều này cũng có thể giải thích cho sự thành công bất ngờ của đoàn Anh quốc và thất bại đáng thất vọng của đoàn Úc tại Thế vận hội năm nay.

Thực chất, nghiên cứu này chỉ nhằm nhấn mạnh đến lợi thế sân nhà. Người đứng đầu nhóm nghiên cứu, Giáo sư Martin Schwellnus tại đại học Cape Town – Nam Phi cho biết, “Người ta sẽ luôn có được những đội tuyển khỏe mạnh nhất nếu đó là sân nhà của họ. Từ đó họ chỉ việc tập trung hoàn toàn cho phần thi đấu. Những VĐV phải di chuyển một quãng đường dài không thể có được sức khỏe tốt nhất cũng như có nhiều khả năng mắc những nguy cơ bệnh tật hơn.”.



Bơi lội vốn là thế mạnh của Australia, nhưng...- Ảnh Getty

Schwellnus phân tích các trường hợp gây bệnh trong tổng số 8 đội tham dự giải đấu Siêu cúp Rugby năm 2010. Đó là cuộc thi tổ chức trong vòng 4 tháng tại Úc, New Zealand và Nam Phi. Các đội không được chơi trên sân nhà còn phải chịu áp lực từ việc khác biệt múi giờ tới 11 tiếng đồng hồ. Điều đó cũng gây ra những cơn mệt mỏi, thiếu ngủ hoặc ăn uống không ngon miệng. Trong thời gian giải đấu diễn ra, đã có tới 469 trường hợp mắc phải các bệnh về đường ruột, bệnh hô hấp hoặc nhiễm trùng da.

Trăm sự tại xa xôi

Schwellnus cũng cho biết tỷ lệ bệnh tật khác nhau rất lớn phụ thuộc vào địa điểm thi đấu. Khi một đội được thi đấu trên sân nhà trước khi đi du đấu, tỷ lệ nhiễm bệnh là 15.4 trong tổng số 1000 VĐV. Nhưng ở những đội tuyển phải thi đấu tại nơi cách đất nước họ 5 múi giờ, tỷ lệ này tăng lên tới 32.6 trên 1000, gần gấp đôi. Đối với những trận đấu trên sân nhà sau những chuyến du đấu, thì tỷ lệ này giảm tải còn 10.6 trên 1000. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tỷ lệ các VĐV bị nhiễm trùng da khi phải đi du đấu ngang bằng với mức khi họ trở về sân nhà.

Các yếu tố gây tác động đến sức khỏe VĐV còn bao gồm sự khác biệt về ô nhiễm, nhiệt độ, độ ẩm, khả năng kích ứng với các chất gây dị ứng, các loại thực phẩm và vi khuẩn. Nghiên cứu của Schwellnus đã đặt ra một dấu hỏi lớn cho các HLV. Liệu rằng họ đã cung cấp thời gian thích nghi đầy đủ cho các học trò của mình trước mỗi chuyến du đấu hay chưa? Và trước mỗi lần lên máy bay, họ có nên phân loại từng nhóm VĐV xem ai là người có khả năng cao bị nhiễm bệnh hoặc sức khỏe kém hơn những người khác?

“Có một giả định được nhắc tới đó là nguy cơ mắc bệnh cao nhất thường xảy đến vào tuần đầu tiên. Trong những tuần kế tiếp, khả năng mắc bệnh sẽ giảm dần”, Schwellnus  cho biết thêm, “Mọi chuyện sẽ phức tạp hơn nữa như việc mắc virus lạ, nhồi máu cơ tim dẫn đến đột quỵ và đột tử.”

Khi được hỏi về sự tương phản giữa thành công của 2 đội tuyển: Anh Quốc và Úc tại Olympic, Schwellnus nói: “Nếu có thể đưa ra một lý do liên quan đến sức khỏe, tôi cho rằng đó là vì đội Úc đã phải di chuyển một quãng đường rất xa để tới nước Anh, từ Nam sang Bắc và cả từ Đông sang  Tây. Chính vì vậy nếu VĐV của họ không giữ được thể lực và khả năng miễn dịch tốt, họ sẽ phải đón nhận nhiều thất bại”.

Yến Nhi


Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›