Bí mật rùng rợn bên trong chiếc TV mà phòng khách nhà ai cũng có: Cứ ngỡ vô tri, hóa ra chúng vẫn đang "nhìn lén" bạn mỗi ngày!

Thứ Ba, 16/05/2023 09:00 GMT+7

Google News

Bạn có từng thắc mắc vì sao TV ngày càng rẻ hơn so với trước? Vì sao TV 70 inch ngày nay giá còn rẻ hơn cả một chiếc điện thoại? Hóa ra ẩn chứa bên trong là một bí mật vô cùng lớn.

Lý do TV rẻ hơn trước

TV trong nhiều thập kỷ trở lại đây đã trở nên tốt và rẻ hơn nhiều. Vài chục năm trước, TV ở Việt Nam được coi như một gia tài, không phải gia đình nào cũng có thể mua được.

Về sau này, những chiếc TV màn hình màu, kích thước lớn cũng có giá đến hàng chục triệu đồng, vẫn được coi là món đồ xa xỉ. Thế nhưng, so với tốc độ tăng giá và lạm phát, TV ngày nay được coi là ngày càng rẻ so với trước.

Theo biểu đồ so sánh giá qua từng thời kỳ của Viện Doanh nghiệp Mỹ, hầu hết mọi thứ như thực phẩm và chăm sóc y tế, đã tăng từ 80 đến 200% kể từ năm 2000 cho đến nay. Nhưng TV lại giảm đến 97% giá trị, nhiều hơn bất kỳ sản phẩm nào khác.

Cách đây 10 năm, một chiếc TV 4K 85 inch có giá gần 1 tỷ đồng. Nhưng giờ đây, ai cũng có thể sở hữu với mức giá rẻ không tưởng – 30 triệu đồng.

Tại sao TV ngày nay lại rẻ đến vậy?

Với 800 USD, bạn có thể mua một chiếc iPad Pro 11 inch. Nhưng với ít hơn số tiền đó, bạn đã sở hữu TV 4K với màn hình lên đến 70 inch. Rõ ràng, TV là một món hời trong trường hợp này.

Nhưng sự khác biệt ở chỗ, iPad, máy tính hoặc điện thoại có những thành phần cấu thành cùng với các ứng dụng đa dạng hơn rất nhiều. Trong khi đó, TV gần như chỉ là một chiếc màn hình.

Bí mật rùng rợn bên trong chiếc TV mà phòng khách nhà ai cũng có: Cứ ngỡ vô tri, hóa ra chúng vẫn đang "nhìn lén" bạn mỗi ngày! - Ảnh 1.

"TV là một bảng điều khiển, bảng điện, tấm nền và vỏ máy. Không có nhiều bí quyết gì trong đó", Kyle Wiens, giám đốc điều hành của iFixit, cho biết. Thành phần đắt nhất trong một chiếc tivi hiện đại là tấm nền LED.

Nói cách khác, TV không có những linh kiện phức tạp, đắt tiền bằng những thiết bị công nghệ khác.

Một trong những cải tiến lớn nhất giúp giảm chi phí chính là màn hình. James K. Willcox, biên tập viên điện tử cấp cao của Consumer Reports lý giải: "Các tấm nền TV được cắt ra từ một tấm rất lớn gọi là tấm kính mẹ. Ngày nay các nhà sản xuất đã tối ưu tốt hơn trong việc cắt tấm kính này thành các màn hình nhỏ".

"Một vài năm trước, việc cắt kính tạo ra rất nhiều sự lãng phí", Willcox nói. Theo thời gian, các công ty sản xuất linh kiện có thể giảm quy trình sản xuất và từ đó giúp giảm chi phí.

Tất nhiên, quy luật này phổ biến ở hầu hết mọi thiết bị, nhưng thị trường TV có một yếu tố khác biệt với các ngành công nghệ còn lại.

Không giống như thị trường điện thoại thông minh do một số công ty lớn thống trị, giá màn hình thấp và không quá phức tạp về mặt kỹ thuật cho phép nhiều công ty cùng lao vào thị trường. Họ chỉ cần mua màn hình, lắp vỏ và cung cấp phần mềm để phát trực tuyến là thành chiếc TV không thua kém bất kỳ đối thủ lớn nào.

Willcox cho biết: "Các công ty mới như TCL và Hisense đã chiếm rất nhiều thị phần từ các thương hiệu lâu đời trong vài năm qua".

Một công ty mới thâm nhập thị trường với giá rẻ sẽ buộc các công ty lâu đời như Sony hoặc LG phải giảm giá.

Bí mật rùng rợn bên trong chiếc TV mà phòng khách nhà ai cũng có: Cứ ngỡ vô tri, hóa ra chúng vẫn đang "nhìn lén" bạn mỗi ngày! - Ảnh 2.

Bí mật là ở đây

Nhưng lý do TV ngày càng rẻ không hoàn toàn đến từ quá trình sản xuất. Có lẽ lý do lớn nhất khiến TV rẻ hơn rất nhiều so với các sản phẩm khác là bởi thiết bị này đang theo dõi người dùng và thu lợi nhuận từ dữ liệu mà nó thu thập.

TV hiện đại ngày nay đều "thông minh", có nghĩa là chúng đi kèm với phần mềm truyền phát nội dung trực tuyến từ Netflix, YouTube và các dịch vụ khác.

Các nền tảng phổ biến như Roku hiện được tích hợp vào TV do các công ty TCL, HiSense, Philips và RCA sản xuất. Ngoài ra, Google có Google TV, được sử dụng bởi Sony, trong khi LG và Samsung có hệ điều hành riêng.

TV thông minh giống như các công cụ tìm kiếm, mạng xã hội và email mà chúng ta sử dụng hàng ngày. Các công ty đó cung cấp dịch vụ miễn phí để đổi lấy việc thu thập dữ liệu và bán cho người khác.

"TV đang thu thập thông tin về nội dung, thời gian và nơi bạn xem", Willcox nói, "sau đó bán dữ liệu, thứ mà vài năm trước không mang lại tiền bạc".

Đây không phải là điều gì quá bí mật. Các công ty theo dõi dữ liệu như Inscape và Samba tự hào khoe ngay trên trang web về các nhà sản xuất TV đang hợp tác, cùng dữ liệu thu thập được.

Các công ty sản xuất TV gọi đây là "kiếm thêm tiền sau khi bán". Như vậy, họ có thể bán TV gần với giá gốc mà vẫn kiếm được tiền trong thời gian dài bằng cách chia sẻ dữ liệu.

Ngoài việc bán thông tin cho các nhà quảng cáo, TV thông minh còn hiển thị quảng cáo trong giao diện.

Cách làm này còn kiếm được thêm nhiều tiền hơn nữa. Roku kiếm được 2,7 tỷ USD vào năm 2021. Gần 83% trong số đó đến từ cái mà Roku gọi là "doanh thu nền tảng", bao gồm các quảng cáo hiển thị.

Và Roku không phải là công ty duy nhất. Google, Amazon, LG và Samsung đều có hệ điều hành TV thông minh với mô hình doanh thu tương tự.

TV ngày nay lớn dần về kích thước, tăng cường công nghệ hiện đại, và phải thừa nhận rằng trải nghiệm xem được nâng cấp rất nhiều so với trước kia, trong khi người dùng chỉ phải trả một khoản chi phí hợp lý. Đó là những lợi ích phù hợp. Nhưng hãy nhớ rằng, không có món đồ nào rẻ mà không có lý do.

Mạnh Kiên

Chia sẻ

Tags

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›