(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 11/8, trong kỳ họp thứ 2 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, những câu hỏi chất vấn của các đại biểu liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đã làm nóng nghị trường.
Nhân câu hỏi của đại biểu Trần Thắng Lợi (Phó Chánh Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng) về vấn đề an toàn thực phẩm, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã hỏi thẳng ông Đặng Việt Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Phó Trưởng ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm, rằng “người dân thành phố đã yên tâm ăn uống hay chưa”?
Trả lời chất vấn trước đại biểu, ông Dũng cho biết, tháng 4/2016, thành phố giao cho Ủy ban thành lập Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau khi thành lập, Ban chỉ đạo đã xây dựng những đề án trong đó có đảm bảo an toàn thực phẩm từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng, kiểm soát đầu vào từ các chợ đầu mối đến bàn ăn.
Đề án này triển khai rất nhiều nội dung trong đó có kiểm soát về rau củ quả, gia súc gia cầm, thủy hải sản.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 2 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX.
Thực tế, toàn TP có nhu cầu sử dụng về rau củ quả từ 60-70 tấn/ngày, nhưng TP cung cấp chỉ được khoảng 9 tấn (cung được 1/8 cầu), còn lại là rau bên ngoài vào. Về gia súc gia cầm, lượng thịt cá cũng đang rất thiếu, chỉ cung cấp được 1/10 nhu cầu của người dân.
“Tự hỏi chúng ta có đất, có nhân dân nhưng sao chúng ta lại không làm được? Cần hết sức nhanh chóng đưa vùng rau sạch vào khai thác để sử dụng, nhất là cho người dân, vừa đảm bảo rau sạch cho địa bàn, vừa phát triển kinh tế. Vì nhập khẩu bên ngoài vào nhiều quá nên công tác kiểm soát ngay từ đầu vào cũng khó.”- ông Dũng trăn trở.
Trước thực tế địa phương đang gặp phải, Bí thư Nguyễn Xuân Anh chia sẻ: “Tôi đi nước ngoài không thích gì ngoài ăn uống, rất thoải mái, không phải suy nghĩ. Đói là ăn thôi vì mình tin tưởng và họ làm rất sạch, cái gì chứ thực phẩm là số 1. Thậm chí có những người có điều kiện hơn mình họ còn nhập khẩu rau từ nước ngoài về ăn quanh năm, có những gia đình tự sản xuất rau để ăn”.
“Vấn đề là chính quyền chúng ta phải làm sao tạo điều kiện cho người dân của mình được ăn uống sạch sẽ, để người dân có sự tự tin về ăn uống, tạo niềm tin cho nhân dân. Tôi nghĩ mục tiêu cuối cùng là tạo niềm tin cho nhân dân chứ không gì hơn” – Bí thư Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh.
Nhân viên giết mổ gia cầm tại Trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm Đà Sơn (Đà Nẵng)
Để quản lý vấn đề an toàn thực phẩm trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng cho biết, Ban chỉ đạo đã giao cho ngành Công thương quản lý, giám sát thực phẩm tại các siêu thị và các cửa hàng ăn uống đồng thời tiến hành xếp hạng sao cho các nhà hàng, cửa hàng ăn uống. Đến nay đã xếp hạng được hơn 100 nhà hàng đảm bảo chất lượng ăn uống. Đến cuối năm 2016 sẽ công bố bảng xếp hạng các nhà hàng, cơ sở ăn uống đảm bảo chất lượng cho toàn dân được biết.
Phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 2, Bí thư Nguyễn Xuân Anh khẳng định: “Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm thực sự là mối lo ngại lớn và thường xuyên của chúng ta trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay. Tôi đề nghị toàn hệ thống chính trị phải thực sự vào cuộc. Cần có sự kiểm duyệt, thanh tra, giám sát ngay từ khâu chăn nuôi, trồng trọt đến chế biến và phân phối ra thị trường, phải xử phạt thật nặng đối với cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn. Mục tiêu đến cuối năm nay, chúng ta phải khẳng định được với nhân dân là thành phố cơ bản không phải lo lắng gì khi ăn uống”.
Hoàng Yến
Tags