Biên đạo múa Hoài Anh: Mãi mãi một tình yêu với nghệ thuật truyền thống

Thứ Ba, 01/02/2022 11:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Nghề múa khó khăn và gian nan nhưng biên đạo múa Hoài Anh vẫn kiên trì, miệt mài cống hiến gần 30 năm qua. Hoài Anh luôn mong muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào việc phát triển nghệ thuật múa, đặc biệt là múa dân gian Việt Nam.

Biên đạo múa Hoài Anh: Muốn góp công sức nhỏ bé vào phát triển nghệ truyền thống

Biên đạo múa Hoài Anh: Muốn góp công sức nhỏ bé vào phát triển nghệ truyền thống

Là một người luôn đắm đuối với những giá trị nghệ thuật truyền thống, Hoài Anh - biên đạo múa của Nhà hát chèo Hà Nội - là một trong những gương mặt tạo dấu ấn trong giới làm nghề hiện nay.

Trò chuyện với PV Thể thao và Văn hóa (TTXVN) dịp đầu Xuân Nhâm Dần, biên đạo múa Hoài Anh say sưa kể về niềm đam mê cũng như mong muốn đóng góp phát triển nghệ thuật múa của mình.

Đam mê và trăn trở phát triển nghệ thuật múa

Biên đạo múa Hoài Anh đã gắn bó với Nhà hát Chèo Hà Nội hơn 20 năm. Ở đây, cô đã được giao dàn dựng múa cho hầu hết vở diễn của nhà hát như: Cánh chim trắng trong đêm, Vương nữ Mê Linh, Nàng Thứ phi họ Đặng, Nguyễn Công Trứ, Điều còn lại...

Bên cạnh đó, Hoài Anh còn tham gia dàn dựng múa cho rất nhiều chương trình lớn như: Chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Lễ hội Hoa anh đào, Chương trình kỷ niệm Hà Nội - Thành phố vì hòa bình, chương trình chào đón Giao thừa hàng năm tại sân khấu ngoài trời khu vực Bờ Hồ… Những tiết mục múa do Hoài Anh dàn dựng đều đạt chất lượng chuyên môn cao, phù hợp với khung cảnh và hoàn cảnh của các vở diễn cũng như các sự kiện, mang lại nhiều giá trị về thẩm mỹ, nghệ thuật cũng như cảm xúc cho công chúng.

Chú thích ảnh
Biên đạo múa Hoài Anh

Hoài Anh yêu nghề và luôn trăn trở việc làm sao để có thể phát triển nghệ thuật múa. Cô cho rằng, xã hội càng phát triển thì càng có nhiều hình tượng nhân vật mới, đòi hỏi thêm nhiều tác phẩm múa mới cho phù hợp. Thực tế cuộc sống cũng đòi hỏi các biên đạo múa phải cải tiến, cách tân múa bằng nhiều hình thức khác nhau, như việc hòa trộn ngôn ngữ múa hiện đại với truyền thống.

Gần nhất cô tham gia biên đạo múa vở Truân chuyên dải yếm đào (tác giả kịch bản Lê Chí Trung, chuyển thể cải lương Đình Tư, đạo diễn - NSND Hoàng Quỳnh Mai). Lấy nội dung từ vở chèo cổ nổi tiếng Quan Âm Thị Kính - một trong những vở chèo kinh điển và thuộc hàng mẫu mực của bộ môn nghệ thuật chèo - nhưng Hoài Anh đã sử dụng ngôn ngữ múa đương đại kết hợp với múa dân gian truyền thống để tạo ra những lớp múa mang màu sắc khác nhau. Sự kết hợp đó khiến vở diễn vừa mang hơi thở thời đại nhưng cũng đậm giá trị truyền thống và đạt được mục đích quan trọng là giúp khán giả thăng hoa khi thưởng thức tác phẩm.

Hoài Anh khẳng định: “Dàn dựng múa trong vở diễn sân khấu vô cùng khó và không phải biên đạo múa nào cũng tìm cách hòa mình được vào vở diễn nếu không hiểu tính rõ chất của mỗi loại hình nghệ thuật. Múa trong nghệ thuật sân khấu chèo không thể giống múa trong nghệ thuật sân khấu tuồng, kịch nói hay cải lương.

Chú thích ảnh

Biên đạo múa trong các vở diễn phải bám sát chủ đề của vở diễn và làm rõ tính cách nhân vật theo từng động tác múa, từng lớp múa. Biên đạo múa trong các vở diễn là một phần trong ê-kíp để cùng với đạo diễn tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh”.

Không phủ nhận những khó khăn trong nghề múa, Hoài Anh tâm sự rằng, khi thưởng thức những tiết mục múa trên sân khấu, khán giả thấy được vẻ ngoài lộng lẫy, cao sang, thanh thoát của những diễn viên múa, nhưng để đạt được vẻ đẹp đó, người nghệ sĩ phải bỏ rất nhiều thời gian, công sức để rèn luyện, phải đánh đổi bằng mồ hôi, đôi khi là cả nước mắt và máu.

“Nghề múa rất khó khăn. Thu nhập mang lại từ nghề múa lại chưa được tương xứng. Chưa kể, “tuổi nghề” của nghệ sĩ múa rất ngắn. Tuy vậy, tôi chưa bao giờ biết chán, thậm chí tôi ngày một yêu nghề đắm đuối hơn. Mỗi khi được đứng trên sân khấu - “thánh đường nghệ thuật” thì tôi được thăng hoa, đắm chìm vào không gian lộng lẫy của nghệ thuật múa. Lên sâu khấu, tôi được “là chính mình”, được làm nghề, được cống hiến và hạnh phúc. Tôi luôn gửi gắm những tâm tư, tình cảm, ước vọng… của mình khi dàn dựng các tiết mục múa, với mong muốn lan tỏa những thông điệp nhân văn đến công chúng” - Hoài Anh tâm sự.

“Nghề múa chọn khi tôi… vừa sinh ra”

Biên đạo múa Hoài Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật tại Hà Nội. Ông ngoại của Hoài Anh chính là “vua hề chèo” - NSND Mạnh Tuấn, bác của Hoài Anh là NSND Minh Thu (Nhà hát Chèo Việt Nam), NSƯT Tuấn Khôi, Tuấn Kha…

Hoài Anh tâm sự dí dỏm: “Có thể nói, cơ duyên với nghề múa đến từ khi tôi… vừa sinh ra. Ông ngoại tôi - cố NSND hài chèo Mạnh Tuấn - là người đón tay khi tôi cất tiếng khóc chào đời. Đó là lí do vì sao tôi được đào tạo múa chuyên nghiệp nhiều năm nhưng lại tâm huyết và yêu sân khấu truyền thống Việt Nam nhiều đến vậy”.

Chú thích ảnh

Từ nhỏ, Hoài Anh đã được sống trong môi trường thấm đẫm văn hóa dân gian. Không chỉ được bồi dưỡng bằng những giọng hát ngọt ngào, mà còn bằng cả những điệu múa uyển chuyển trong nghệ thuật chèo từ chính những người thân trong gia đình bên ngoại, thế nên, Hoài Anh đã nhận thức được vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống từ rất sớm và đam mê, đặc biệt là bộ môn múa.

Năm 11 tuổi, Hoài Anh thi đỗ vào Trường Múa Việt Nam. Trong suốt những năm tháng tuổi thơ được rèn luyện trong môi trường nghệ thuật, Hoài Anh luôn cố gắng hết mình để học những kiến thức về múa và có những tháng ngày tập luyện vất vả, gian nan. Ra trường, cô được tuyển vào làm việc tại Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long và bắt đầu sự nghiệp múa chuyên nghiệp của mình.

Sinh ra trong cái nôi của chèo nên Hoài Anh mê chèo và mê nghệ thuật dân gian nói chung. Năm 2006, Hoài Anh muốn nâng cao chuyên môn nên tiếp tục thi và đỗ vào khoa Múa của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Sau 4 năm tu luyện, cô tốt nghiệp thủ khoa và được đặc cách vào biên chế Nhà nước. Hoài Anh chọn Nhà hát Chèo Hà Nội để về làm việc và thời gian đã chứng minh, đây là nơi tuyệt vời để cô có thể phát huy được tối đa thế mạnh của mình.

Hoài Anh hiện là một trong những “biên đạo” hàng đầu được các đạo diễn lựa chọn cho các vở diễn sân khấu cũng như các sự kiện lễ hội lớn. Trải qua 28 năm làm nghề, Hoài Anh đã biểu diễn nhiều tiết mục, dàn dựng hàng trăm tác phẩm múa từ sân khấu nhà hát đến các sân khấu quảng trường rộng lớn, ở vị trí nào cô cũng dành hết đam mê và làm việc một cách tận hiến.

Theo đuổi nghề với nhiều gian nan, vất vả, biên đạo múa Hoài Anh bày tỏ: “Bản thân tôi luôn đau đáu với tâm nguyện gìn giữ, phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống quý báu của dân tộc - những giá trị đã làm nên bản sắc văn hóa độc đáo và riêng biệt của người Việt Nam. Và đó chính là một trong những lý do quan trọng để tôi tiếp tục phấn đấu, trưởng thành và ngày càng đam mê hơn với nghề múa”.

Giải thưởng là động lực để vươn lên tầm cao mới

Hoài Anh đã nhận được rất nhiều giải thưởng nghệ thuật trong suốt 28 năm làm nghề, có thể kể đến: Biên đạo múa xuất sắc tại cuộc thi Nghệ thuật sân khấu Chèo toàn quốc năm 2016, Biên đạo múa xuất sắc tại Liên hoan sân khấu Thủ đô năm 2020…

Bên cạnh đó là Huy chương Vàng giải tập thể cho các vở chèo: Vương nữ Mê Linh, Điều còn lại, Nàng thứ phi họ Đặng, Bến nước đời người, Cánh chim trắng trong đêm, Nguyễn Công Trứ; vở kịch nói Những mặt người thấp thoáng… Hoài Anh chia sẻ, cô luôn coi giải thưởng là động lực để mình cố gắng vươn lên những tầm cao mới trong nghề.

Nhật Anh
Thể thao & Văn hóa Xuân Nhâm Dần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›