Đến giữa thế kỷ này, tình trạng mực nước biển dâng cao có thể đe dọa tới các thành phố lớn của Mỹ như New Orleans và San Francisco. Mối đe dọa này có thể lớn hơn so với các dự tính trước đó do tình trạng sụt lún ở các vùng đất ven biển.
Đây là nội dung trong nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học Nature ngày 6/3, trong đó các nhà khoa học cũng cảnh báo các biện pháp phòng chống lũ lụt hiện tại khó bảo vệ người dân và tài sản của họ.
Nghiên cứu đã đề cập đến tình trạng nóng lên toàn cầu đang làm tan chảy các tảng băng và sông băng, khiến mực nước biển toàn cầu dâng lên. Một số khu vực của Mỹ được dự báo sẽ phải chứng kiến tình trạng nước biển dâng lên nhanh nhất, đe dọa tới nơi sinh sống của khoảng 30% dân số nước này.
Theo nghiên cứu, đến năm 2050, mực nước biển dâng khoảng 30 cm sẽ ảnh hưởng đến bờ biển Mỹ, làm tăng đáng kể nguy cơ tác động nghiêm trọng của khí hậu như nước biển dâng do bão. Các nhà nghiên cứu nhận thấy mối đe dọa này thậm chí còn lớn hơn khi tính đến tình trạng sụt lún ven biển, đồng thời cảnh báo rằng hàng chục nghìn người và tài sản tại 32 thành phố ven Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và khu vực duyên hải phía Nam nước Mỹ có thể bị đe dọa.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ngay cả với các biện pháp bảo vệ bờ biển hiện tại, tình trạng sụt lún và nước biển dâng có thể khiến hơn 1.300 km2 lãnh thổ Mỹ bị ngập lụt trong ba thập kỷ tới, đe dọa tới cuộc sống của khoảng 55.000 đến 273.000 người và hàng trăm nghìn tài sản. Trong trường hợp xấu nhất, cứ 50 người sống ở ven biển Mỹ thì có 1 người phải đối mặt với mối đe dọa lũ lụt.
Vể giải pháp làm chậm tốc độ sụt lún, các nhà nghiên cứu khuyến nghị cần giảm khai thác nước ngầm, điều tiết các hoạt động công nghiệp và giảm khí phát thải nhằm hạ thấp rủi ro khí hậu lâu dài. Bên cạnh đó, khôi phục đầm lầy và rừng ngập mặn cũng là những biện pháp hữu ích cần được tính đến.
Tags