Theo nghiên cứu được công bố ngày 2/11 trên tạp chí Oxford Open Climate Change, biến đổi khí hậu đang gia tăng và nhiệt độ Trái Đất trong thập kỷ này sẽ tăng thêm 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các nước đã cam kết khống chế mức tăng nhiệt của Trái Đất không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, nghiên cứu do nhóm các nhà khoa học thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và Đại học Colombia thực hiện đã cung cấp thêm bằng chứng cho thấy mục tiêu trên đã nằm ngoài tầm với.
Hầu hết các kịch bản phát thải mà Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc (LHQ) đều dự báo nhiệt độ Trái Đất sẽ vượt ngưỡng 1,5 độ C vào những năm đầu thập kỷ tới (từ năm 2030). Trong khi đó, nhiệt độ Trái Đất đã ấm lên gần 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhà khoa học James Hansen, đồng tác giả nghiên cứu tại Viện Trái đất của Đại học Columbia, thừa nhận thiếu sót của cộng đồng khoa học là không nói rõ với các nhà lãnh đạo chính trị về tình hình thực tế hiện tại.
Những phát hiện của nghiên cứu là kết quả của hai yếu tố. Các nhà khoa học đã đánh giá thấp mức độ nhạy cảm của khí hậu Trái Đất đối với sự gia tăng nồng độ carbon dioxide (CO2). IPCC đã đưa ra ước tính chính xác nhất rằng lượng CO2 tăng gấp đôi trong khí quyền sẽ khiến nhiệt độ Trái Đất tăng thêm khoảng 3 độ C. Tuy nhiên, nghiên cứu cho biết dựa trên những kiến thức sâu hơn về dữ liệu khí hậu từ thời cổ đại – được thu thập từ các nguồn như lõi băng và vòng gỗ (vòng sinh trưởng) của cây - các nhà khoa học ước tính mức tăng nhiệt thậm chí còn cao hơn, vào khoảng 4,8 độ C. Cho đến nay, nồng độ CO2 trong khí quyển đã tăng từ khoảng 280 phần triệu (ppm) trong thời kỳ tiền công nghiệp lên khoảng 417 ppm hiện nay.
Một yếu tố khác được báo cáo trích dẫn lại liên quan đến nỗ lực toàn cầu nhằm hạn chế lượng khí thải sulphur dioxide (CO2) trong ngành vận tải biển trong những năm gần đây. Dù điều này giúp giảm thiểu ô nhiễm không khí cũng như mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người song trớ trêu thay lại là yếu tố thúc đẩy biến đổi khí hậu. Trên thực tế, các chất gây ô nhiễm khác nhau lại có những tác động khác nhau trong khí quyển. Hợp chất sulfate aerosol, một "sản phẩm" khác của quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch, lại có khả năng phản chiếu ánh sáng Mặt Trời ra khỏi bề mặt Trái Đất và do đó phần nào giúp giảm nhiệt độ của hành tinh.
Báo cáo trên được đưa ra sau nhiều tháng xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan trên toàn thế giới, từ nắng nóng ở Trung Quốc đến lũ lụt nghiêm trọng ở Libya, và 2023 được coi là năm ấm nhất được ghi nhận. Dù nhận được nhiều phản hồi trái chiều từ các nhà hoa học khí hậu khác, song nghiên cứu này cũng đưa ra những nhận định quan trọng vào thời điểm các nhà lãnh đạo thế giới chuẩn bị thảo luận về chính sách toàn cầu nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28). Sự kiện này dự kiến diễn ra tại Dubai (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE) từ ngày 30/11 đến ngày 12/12 tới.
Đầu tuần này, một nghiên cứu khác về biến đổi khí hậu công bố trên tạp chí Nature cho thấy thế giới sẽ cần đạt mục tiêu đưa lượng khí thải về bằng 0 từ nay đến năm 2034 để có được 50% cơ hội khống chế mức tăng nhiệt dưới 1,5 độ C.
Tags