Những ngày qua, nỗi thương tiếc vô bờ đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một người suốt đời vì dân vì nước, trở thành thông điệp chủ đạo trên các nền tảng trực tuyến. Nhưng nỗi đau này không bi lụy vì có “bệ đỡ” là niềm tin từ cộng đồng mạng về tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc.
Sau khi Thông tấn xã Việt Nam phát đi bản tin đặc biệt, thông báo về việc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần vào lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19/7/2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đã xuất hiện bài văn tế của một tác giả ẩn danh. Rất nhanh chóng, bài tế được lan truyền trên các nền tảng trực tuyến, thể hiện tâm trạng chung của cộng đồng mạng Việt Nam (những người đang tham gia các diễn đàn mở hoặc sử dụng Facebook, YouTube, TikTok, Zalo, Viber...):
“Hỡi ôi! Vận nước đang lên, người hiền sớm bỏ… Thương một người vì dân vì nước, cả cuộc đời lo trước lo sau. Áo sờn vai bạc trắng mái đầu, tròn khí tiết thanh cao mai tuyết… Người ở lại đồng lòng bước tiếp, mong người đi phù hộ soi đường. Để Việt Nam mãi mãi hùng cường, quét sạch hết nội gian, ngoại loạn…”.
Otofun là diễn đàn trực tuyến ra đời vào năm 2006, có hơn 200.000 hội viên chỉ tính tới thời điểm năm 2018 và được được coi là sân chơi về ô tô, xe máy lớn nhất Việt Nam. Ban điều hành Otofun ngay lập tức quyết định chuyển nền diễn đàn sang màu xám để chia sẻ nỗi buồn sâu sắc cùng dân tộc.
Tuy nhiên, những lời tâm sự của các hội viên không hoàn toàn mang một màu xám bi thương mà thể hiện niềm hy vọng, niềm tin mạnh mẽ về tương lai đất nước. Một hội viên có Nick “transg1997” viết: Dân tộc này sẽ sản sinh ra người khác (để tiếp bước những người đi trước). Sẽ có nhiều người đi theo lý tưởng, phát triển lý luận của các cụ.
Tài khoản Zalo của nhóm Yên Xuân quê tôi (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) chia sẻ bài thơ khuyết danh Lời ông dặn, trong đó có hai câu đánh giá về cuộc đời cống hiến của Tổng Bí thư bằng hai khái niệm tưởng như đối nghịch nhau – “lặng lẽ” và “vinh quang”: Ông đi những bước lặng thinh. Nhẹ lòng để một chữ vinh trong đời.
Trên nền tảng YouTube ca sỹ Duy Hưng đăng tải bài hát với phần lời mới dựa theo phần nhạc của một ca khúc quen thuộc. Lời ca thật da diết nhưng không hẳn là não nùng: “Người đã xa nhưng đời còn nhớ mãi. Ôi, cả một cuộc đời, trọn đời mình đến phút chia phôi…”.
Với tâm trạng tương tự, một ca sỹ nghiệp dư hát trên nền tảng TikTok: “Quyền uy, vật chất, bác để lại chẳng mang đi. Để lại lòng kính trọng của người dân phút chia ly…”.
Tại tỉnh Bắc Ninh, thông qua một trang web, các học sinh Trường Trung học phổ thông Từ Sơn gửi đến các bạn trẻ cả nước lời hứa “phấn đấu, nỗ lực học tập, mang sức mình dựng xây quê hương, đất nước” kèm theo bài thơ “Thương bác” của em Nguyễn Trọng Sơn, học sinh lớp 12.
Bài thơ có đoạn: “Thương lắm người Cộng sản. Thương những đêm mất ngủ vì dân. Thương những ngày tháng tảo tần. Thương tuổi già vất vả. Thương cuộc đời vinh quang”.
Từ Warszawa (Ba Lan), tác giả Tony Bui nhờ nền tảng Facebook chuyển về quê hương những vần thơ chan chứa tình cảm và tràn đầy niềm tin: “Người vẫn thế, trái tim hồng dẫu nhỏ. Chí lớn lao nhuộm máu đỏ cờ hồng. Tạ ơn người, cả đất nước lặng trông. Luôn nhớ mãi tấm lòng người thanh bạch. Bác yên nghỉ cõi vĩnh hằng xa cách. Đón người về với mạch sống non sông”.
Những thông điệp tích cực và sự đồng lòng tuyệt đối của cộng đồng mạng Việt Nam có tới hơn 70 triệu thành viên (tính đến thời điểm hiện tại) gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Đầu tiên phải khẳng định là nhân cách, uy tín của Tổng Bí thư đã tạo nên một sức mạnh đoàn kết không chỉ trong Đảng mà cả trong lòng dân. Bên cạnh đó, những dấu hiệu tích cực từ cộng đồng mạng đã cho thấy những giá trị chân - thiện - mỹ luôn trường tồn và được đông đảo quần chúng ghi nhận. Thêm nữa, điều đó cũng chứng tỏ những giải pháp của cơ quan chức năng trong thời gian qua nhằm làm trong sạch môi trường mạng, đấu tranh với những thông tin xấu độc đã phát huy hiệu quả.
Con số thống kê đến tháng 1/2023 cho thấy, nước ta có tổng cộng 77,93 triệu người dùng internet, tức 79,1% tổng dân số, tăng 5,3 triệu người (7,3%) so với năm 2022 và đà tăng chưa dừng lại trong năm 2024. Trong số này có 70 triệu người dùng mạng xã hội, cụ thể: Facebook - 66,2 triệu người, YouTube – 63 triệu người, Instagram - 10,35 triệu người, TikTok - 49,86 triệu người, LinkedIn - 5,2 triệu người, Twitter - 4,1 triệu người.
Mạng xã hội có nhiều mặt tích cực nhưng cũng lắm khía cạnh tiêu cực bởi vì cuộc sống ảo tương tự đời thật, rất phức tạp, nhiều màu sắc.
Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), không thể có một môi trường mạng "vô trùng" tuyệt đối vì đó là không gian sống thứ hai của loài người. Nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước, của người dân, của cộng đồng là hạn chế đến mức thấp nhất các mặt tiêu cực, khuyến khích những mảng sáng.
Chúng ta đã có Luật An ninh mạng năm 2018 cùng Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Luật và Nghị định ngày càng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.
Về Luật An ninh mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đánh giá: Trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì công nghệ phát triển đem lại nhiều lợi ích, nhưng mặt khác rất khó quản lý. Các thế lực thù địch có thể thông qua mạng xã hội để kích động, biểu tình gây rối, lật đổ chính quyền. Bởi vậy chúng ta cần luật này để bảo vệ chế độ, không để ai muốn nói gì thì nói, muốn chửi gì thì chửi. Chúng ta phải khai thác tối đa ưu thế của cách mạng công nghệ - lợi rất lợi, nhưng rất nguy hiểm nếu không cảnh giác.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã áp dụng giải pháp công nghệ để phát hiện các vi phạm, đó là Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia với năng lực xử lý 300 triệu thông tin. Đồng thời, Bộ cũng phối hợp với các địa phương xử lý các trường hợp vi phạm với mức phạt cao, đã tạo ra hiệu ứng răn đe rất mạnh đối với những người có ý định vi phạm Luật An ninh mạng và Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.
Tuy nhiên, việc này cần được thực hiện thường xuyên, không phải theo chiến dịch.
Điều quan trọng hơn là các cơ quan hữu quan đã phối hợp tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dùng các nền tảng mạng xã hội và bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Ông Lê Quang Tự Do cho biết: Người dân có thay đổi về nhận thức, một khi viết gì, đăng tải gì trên không gian mạng đã cẩn trọng hơn. Thậm chí có ai đăng tin gì đó có vẻ không chính xác, tin giả thì ở dưới lập tức có ngay lời bình: “Có muốn lên phường “uống trà” không?”. Người dân đã có ý thức chống tin giả, có nhận thức rằng đăng tin giả sẽ bị xử phạt. Đây là tín hiệu tốt, là động lực để chúng ta tiếp tục tuyên truyền. Một thay đổi nữa là người dân đã phản bác lại các thông tin mà họ cho là không đúng sự thật. Trong ý thức của họ đã hình thành bộ lọc để bảo vệ mình trước thông tin chưa được kiểm chứng trên không gian mạng.
Một khi nhận thức về sự lợi, hại của mạng xã hội cũng như ý thức công dân của người dùng mạng được nâng cao thì những thông tin tích cực sẽ được lan truyền nhiều hơn trên các nền tảng trực tuyến, đẩy lùi các thông tin bịa đặt, độc hại.
Mặt khác, các thông điệp tốt đẹp, lành mạnh trên không gian mạng cũng tác động ngược trở lại lên nhận thức của con người trong đời sống thực, đóng góp vào sự ổn định chính trị - xã hội của đất nước.
Tags