Sau khi những cái tên bán kết được xướng, một trận chung kết Pháp-Anh như từ đầu giải lại được nhắc đến nhiều hơn. Nhưng, nó không còn mang thông điệp của ước vọng (như với các cổ động viên Anh) hay niềm tin vào sự lên ngôi của Mbappe và bóng đá đẹp (như với các CĐV Pháp và người hâm mộ trung lập). Trận đấu này được nhắc tới như một sự ám ảnh về tính nhàm chán, kéo dài lê thê để rồi định đoạt kẻ thắng thua trên chấm luân lưu.
1. Nếu điều này đến, thì thật là thảm họa cho bóng đá. Qua 5 lượt trận, kết quả thống kê không chỉ làm bất ngờ, thậm chí gây sốc khi không những sai lệch với mọi nhận định từ các chuyên gia trước đó mà còn hoàn toàn trái ngược.
Đội bóng đã dừng chân - tuyển Đức, từng được coi là không có tiền đạo, các chân sút mang đến EURO chỉ ở tầm trung lại đang đứng đầu về số bàn thắng với 11 bàn, thủng lưới 4 bàn trong đó có 1 do phản lưới. Tuyển Đức cũng nắm giữ vị trí số 1 trong 24 đội bóng về tỷ lệ đường chuyền chính xác, 92% và đứng thứ 2 về tỷ lệ kiểm soát bóng 59,2% - chỉ sau Bồ Đào Nha 64%.
Với 3 bàn thắng, tuyển Pháp đứng số 12/24 đội, trong đó không có pha bóng sống nào thành bàn, một bàn trên chấm penalty, 2 bàn là nhờ đối thủ ghi hộ. Điểm sáng duy nhất của tuyển Pháp cũng chính là lý do đưa họ đến Munich là đã thành công trong việc cố sống cố chết bảo toàn mành lưới. Bàn thua duy nhất của Pháp là ở trận gặp Ba Lan, trên chấm phạt 11m.
Tuyển Anh khá hơn người bạn bên kia eo biển Manche một chút, đứng ở vị trí thứ 7 với 5 bàn thắng ghi được và để thủng lưới 3. Cộng số bàn thắng cả 2 ứng cử viên cho trận chung kết vỏn vẹn 8 bàn, bằng số bàn thắng của Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ - hai đội bóng đã dừng chân tại tứ kết. Một con số quá nghèo nàn so với các chân sút hàng thượng thặng, đang đứng đầu top ghi bàn ở các giải VĐQG mà Pháp và Anh đang sở hữu như Mbappe, Harry Kane, Jude Bellingham, Foden, Saka…
May mắn, trong 4 đội cuối cùng, còn có Tây Ban Nha và Hà Lan. Đây cũng là hai đội bóng có lối đá không thuộc thể loại ru ngủ. Nhưng liệu họ có cứu được cái đẹp của bóng đá khi đối thủ của họ không phải là Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, những đội bóng với lối đá tận hiến, tấn công mà là hai khối đá xám xịt? Nhất là khi lực lượng của họ đã sứt mẻ kha khá sau những trận chiến đích thực ở tứ kết?
2. Với 2 trận thắng, 3 trận hòa, tuyển Pháp ì ạch đi đến trận bán kết nhờ vào công lao của hàng thủ dưới sự dẫn dắt của Theo Hernandez, điểm sáng duy nhất của Pháp ở kỳ EURO này. Theo đã tạo ra một lá chắn vững chắc trước khung thành của Mike Maignan, hóa giải mọi hiểm nguy, đưa đối thủ đến loạt sút luân lưu.
Khi mà hàng công của họ vẫn tịt ngòi và kém duyên, trận bán kết tại Munich vẫn sẽ được Pháp dẫn dắt theo kịch bản đó. Nhưng lần này không đơn giản như vậy. Theo sẽ phải đối diện với dàn hảo thủ trẻ trung, kỹ thuật của La Roja - những người đi đến trận đấu thứ 6 với 5 trận toàn thắng và 11 lần phá lưới đối phương. Đặc biệt, 11 bàn thắng này của TBN đến từ 8 cầu thủ, đá ở những vị trí khác nhau. Bảo vệ để mành lưới Maignan không thủng, có lẽ là nhiệm vụ bất khả thi với Theo và các đồng đội.
Mặc dù không ưa, chính xác là vô cùng ghét, nhưng tôi cũng như những người hâm mộ túc cầu đều mong muốn Cơn thịnh nộ sẽ cuốn phăng gã Gà trống Gaulois nghênh ngáo mào đỏ khoe mẽ nhằm che giấu đi đôi chân với những chiếc cựa đã cùn mòn.
Nhưng TBN muốn đến được Berlin, thì cần phải giữ lửa "cuồng nộ" cho đến hết trận đấu, điều mà họ đã đánh mất ở lần đầu tiên trong giải khi gặp phải đối thủ ngang tầm. May mắn cho TBN, trong một ngày mà Tuyển Đức quá nhiều xui xẻo, họ đã không phải trả giá.
Hy vọng ông Luis de la Fuente đã kịp rút kinh nghiệm từ trận cầu với Đức, co cụm phòng thủ để bảo toàn tỷ số với chiến thắng tối thiểu. Đối thủ của họ là Pháp. dù những chiếc cựa đã bị cùn mòn, nhưng vẫn có khả năng ra những đòn chí tử, tương tự như Merino đã làm trên sân Stuttgart.
Thật ê chề, nếu thắng "đại bàng" chỉ để làm kẻ bại trận của "gà trống".
Nhà thơ, nhà báo: Đoàn Ngọc Thu
Tags