Khi Ronaldo bật khóc trên sân, những giọt nước mắt chảy lấm lem trên khuôn mặt hốc hác, ánh mắt đầy cay đắng, trái tim của nhiều fan như tan chảy. Chắc chắn rồi, chẳng ai lại muốn thấy idol của mình trong hoàn cảnh đó. Ngược lại những người không thích anh thì tha hồ miệt thị mỉa mai, rằng tham lam muốn lập công, rằng hết thời rồi thì về vườn đi.
1. Tivi chiếu cận vào Cristiano Ronaldo, đặc tả, và tôi cũng không giấu nổi bất ngờ mà bật ra thảng thốt, trời, sao nó già quá vậy. Ronaldo thời khắc đó giống một lão nông khắc khổ, già nua. Sự già nua như đã gánh cả cuộc đời trong lam lũ. Hoàn toàn không giống với khuôn mặt của một người vô cùng giàu có, vô cùng danh tiếng. Khi đó tôi tin, CR7 không làm màu, không diễn. Và những giọt nước mắt của anh không phải chỉ cho riêng mình, dù điều đó là có.
Còn khóc tức là còn buồn đau về một trận đấu, một pha bóng. Làm sao có thể không buồn khi có thể cú đá hỏng đó sẽ đưa cả đội bóng mà anh đã phụng sự, đã cống hiến cả tuổi thanh xuân hơn hai thập kỷ? Đội bóng đã cho anh những vui buồn, những thành công? Từ Manchester United, rồi Real Madrid..., đó là những bệ phóng mà từ đó CR7 bay lên chạm tới những đỉnh cao của cuộc đời, của một cầu thủ. Nhưng Đội tuyển Quốc gia mới là nơi mỗi tuyển thủ được thấy là chính mình, là ngôi nhà, là gia đình của họ và họ có trách nhiệm để xây dựng, tôn tạo ngôi nhà đó.
2. Trước ngày khai mạc, không chỉ fan của mỗi đội bóng, mà đông đảo fan trung lập yêu bóng đá đẹp - số này có lẽ chiếm tới quá nửa số người hâm mộ túc cầu trên toàn cầu - đều trong tâm trạng náo nức. Họ đón đợi giờ bóng lăn để được chứng kiến những màn đua tranh hấp dẫn, những pha bóng điệu nghệ, những bất ngờ đến từ các đội bóng ngựa ô, sức mạnh tuyệt hảo của những đội bóng lớn, sự tỏa sáng và cả sự lụi tàn của các ngôi sao…
Có những cặp đấu mặc định là sẽ vô cùng hấp dẫn, như trận cầu giữa Tây Ban Nha-Italy (Bảng B); Hà Lan-Pháp (Bảng D); Anh-Đan Mạch (Bảng C). Tương tự, có những cái tên như Tuyển Bỉ, Tuyển Bồ Đào Nha sở hữu dàn hảo thủ mà ai cũng tin rằng, bất cứ trận đấu nào có họ cũng đảm bảo là "chất hơn nước cất". Đó là những trận đấu được xếp hạng thư hùng, mà "không thể không xem" bất chấp nó diễn ra vào khung giờ vô cùng oái oăm, để khi hết trận, là lúc sắp đến giờ đi làm.
Nhưng rồi EURO đã qua đi nửa chặng đường, sự thất vọng của người hâm mộ mỗi ngày một lớn. Và nhiều người từng phản đối khi EURO tăng lên 24 đội, đã cảm thấy may mắn, vì ít ra còn có Georgia, để cứu rỗi cho những trận đấu nhàm chán và tẻ nhạt đến vô vị.
Một người bạn, sau trận đấu giữa Bỉ-Pháp, ngao ngán: Không có cái luật nào để có thể loại cả hai đội nhỉ? Chẳng ai xứng đáng!
Tương tự, chiến thắng đầy may mắn kiểu "thần rùa" của Tuyển Anh sau 120 phút tra tấn người hâm mộ; màn thua bạc nhược của Tuyển Ý - một cú lừa siêu đẳng với người hâm mộ nói chung và các tifosi nói riêng, làm họ không chỉ buồn, mà cả uất ức.
Pháp và Kylian Mbappe, Bỉ với Kevin De Bruyne, Lukaku đã lộn chiều thành những cái tên của những trận cầu mặc định vô cùng chán. Cảm xúc - đam mê, hai yếu tố điều quan trọng nhất của bóng đá đã bị triệt tiêu bởi thứ bóng đá vô cảm, không sức sống.
Vì vậy, khi Tuyển Anh ăn mừng bàn thắng ở những giây cuối cùng trận đấu, khi siêu tiền đạo Mbappe ngoác miệng cười vì Pháp đã lọt vào vòng sau với chiến thắng có từ một pha làm phản lưới của đối phương, đã toát ra thái độ kệnh cỡm. Nếu họ có lên ngôi ở giải đấu này, thì cũng chẳng vinh hoa gì.
Nhân gian hơn 8 tỷ người, có cách thể hiện ái ố hỷ nộ khác nhau nhưng có lẽ khóc cười như Ronaldo hơn nhiều vẻ thản nhiên đến bất nhẫn, tiếng cười hỷ hả trên sân Düsseldorf, ngày 1/7 và trên sân Gelsenkirchen một ngày trước đó.
3. Miroslav Klose, tiền đạo huyền thoại của Đức và thế giới, từng chia sẻ: Tôi ngừng thi đấu bởi tôi không còn nhận ra môn thể thao này nữa. Ngày nay, những thứ ngoài chuyên môn mới là mối bận tâm chính của các cầu thủ trẻ. Bọn họ chỉ quan tâm xem mẫu tất mà Nike mới ra mắt trông có hợp với đôi giày của họ không. Thứ họ quan tâm trước hết là sưu tầm xe cộ, hợp đồng quảng cáo. Bóng đá chỉ còn là thứ đi kèm. Với họ, hình ảnh bản thân mới là ưu tiên hàng đầu. Đó là lúc tôi quyết định giải nghệ. Thứ bóng đá mà tôi biết không còn nữa".
Miro hoàn toàn đúng! Mải chạy theo hư danh, đánh giá quá cao bản thân khiến những cầu thủ - được gọi là ngôi sao, không xác định được danh giới giữa hư và thực. Họ cứ ngỡ họ là những con cá ưu việt, có thể hóa rồng. Nhưng tiếc thay, họ đều mắc cạn ở vũ môn, trở thành một cái đèn lồng trong đêm rước đèn Trung Thu mà đám trẻ con chơi xong sẽ vứt bỏ.