(Thethaovanhoa.vn) - Họ đứng dàn hàng ngang, một bên là những chiến binh La Mã, một bên là đội quân hiệp sĩ nguồn gốc Anglo-Saxon trong cuộc quyết đấu giành ngôi báu. Bầu trời phía trên họ đang ngập trong ráng chiều tuyệt đẹp và rạng rỡ… Lát nữa thôi, sẽ có một nhà vua đăng quang trong ánh hoàng hôn rụng rơi…
1. Khi mà tuyển Anh vượt qua Đan Mạch với quả penalty oan nghiệt trong hiệp phụ ở thời điểm mà trên sân có tới 2 quả bóng, nhiều dự cảm cho rằng đó là điềm báo, rằng bóng đá đã trở về nhà, và tuyển Anh-dường như chắc chắn, ấy là nhiều người tin vậy- sẽ vô địch.
Đó là một trận bán kết hay và tuyển Anh chơi hay hơn cho dù họ bị dẫn trước và họ bế tắc ở khâu ghi bàn. Giá kể không có quả penalty đó, tôi cho rằng, tam sư vẫn có mặt ở trận chung kết, Harry Kane vẫn sẽ có bàn thắng… Mà như vậy thì danh giá hơn nhiều, xứng đáng hơn nhiều. Chưa hết, chiến thắng đó lại còn nhuốm màu xám tro khi các cổ động viên Anh đã có quá nhiều hành động xấu xí.
Bấy nay, cụm từ “holigan Anh” vốn dĩ đã thành một khái niệm bản chất vô cùng xấu và ở EURO này sự xấu xí đó được “nâng lên một tầm cao mới”. Họ sẵn sàng phỉ báng, nhục mạ những giọt nước mắt của một đứa trẻ khi đội tuyển của cô bé bị loại. Họ gây náo loạn trong nghi thức hát quốc ca của đội bóng đối thủ… Ở trận bán kết, họ chiếu đèn laser rọi vào mắt thủ môn Kasper Schmeichel khi anh đối mặt với Kane… Nhưng, thậm chí vậy, Kasper vẫn có thể đẩy được trái bóng và nếu như tiền đạo 27 tuổi của tuyển Anh không rất xuất sắc trong pha đá bồi thì kết quả trận đấu có thể sẽ theo chiều hướng khác.
2. Vào đêm Aruzzi thắng La Roja, một người bạn của tôi đã nhắc đến Toto Cutugno, ca sĩ lừng danh xứ Tuscan, Italy, hôm đó là sinh nhật ông tròn 78 tuổi và chia sẻ ca khúc nổi tiếng nhất mà ông thể hiện: L’italiano!
Để tôi hát/Với cây đàn trong tay/Để tôi hát/tôi là người Ý/Để tôi hát/Một bài hát chậm rãi…Để tôi hát/Bởi vì tôi tự hào/ tôi là người Ý/Một người Ý thực sự!
Những “người Ý thực sự” ấy đêm Chủ nhật tới sẽ đá như thế nào để mang chiếc vương miện từ “quê hương của bóng đá” về Rome?
Sau 5 trận đá tấn công cởi mở, ở trận bán kết trước một Tây Ban Nha chơi cầm bóng và tấn công, chiến lược gia người gốc Jesi (Ancona, vùng Marche, Italy) - nơi từng là kinh đô của một quốc gia độc lập nằm bên bờ Bắc của sông Esino, cách cửa sông ở Biển Adriatic 17km đã không chọn đôi công, ông đưa Aruzzi quay lại lối đá Catenaccio truyền thống của bóng đá Ý. Sự linh hoạt chiến thuật đó đã giúp Ý vượt qua Tây Ban Nha, mặc dù cũng đã bộc lộ nhiều nhược điểm trong lối đá đó.
3. Ngôi vương chỉ có một, kẻ tranh đua thì nhiều, để lên đến đích, chắc chắn rồi, vị quân vương sẽ phải chiến thắng tất cả các trận đấu hạ gục đối thủ cuối-cũng là đối thủ giỏi nhất còn trụ lại.
Một chút so sánh, con đường đi đó của tuyển Anh là khá dễ dàng, đối thủ khó nhất của họ chỉ là tuyển Đức đang thời kỳ khủng hoảng. Song, cách tam sư đến với nấc thang thứ 7 đặc biệt ở cuộc đụng độ với Đan Mạch đã khiến fan túc cầu khá thất vọng. Người ta khó hy vọng rằng sẽ được thưởng lãm một trận cầu đỉnh cao khi tuyển Anh đã không ngại ngần tuyên bố chỉ cần thắng, không cần đẹp.
Ngược lại, tuyển Ý đã càn lướt như một mãnh hổ, họ đã vượt qua “bầy quỷ đỏ Bỉ”, vượt qua “cơn thịnh nộ Tây Ban Nha” những đối thủ vô cùng mạnh với một phong thái cao quý của kẻ chinh phục. Trước trận chung kết, Mancini chia sẻ: “Chúng tôi muốn mang tới cho người dân Ý một buổi tối với một trận đấu tuyệt vời", tôi tin Mancini. Tôi tin bóng đá đẹp sẽ ca khúc khải hoàn, chẳng phải mọi nẻo đường đều đến với thành Rome đó sao?
Vĩ thanh: Tôi đã mở đầu cho chuỗi Biến tấu của mình về tuyển Ý, về cách họ hát quốc ca những lời ca hùng tráng: Giờ nước Ý đã thức dậy rồi. Hôm nay, tôi lại mời độc giả của Thể thao & Văn hóa cùng nghe cùng nghe những thanh âm ngọt ngào tráng lệ rung lên từ sâu lồng ngực của Cutugno: Tôi tự hào về tôi là người Ý/Một người Ý thực sự…Chào buổi sáng nước Ý với ly cà phê đậm đà/ Chào buổi sáng nước Ý, với mì spaghetti/ Chào buổi sáng nước Ý bằng những bài hát, bằng tình yêu, bằng trái tim…
Và Chào buổi sáng nước Ý với chiếc cúp danh giá, chào ông vua mới của châu Âu!
Nhà báo, nhà thơ Đoàn Ngọc Thu, công tác tại Thông tấn xã Việt Nam, đã song hành cùng báo Thể thao & Văn hóa ở nhiều kì World Cup và EURO với các chuyên mục Đoản khúc World Cup, Biến tấu cùng EURO… Chị còn là một người yêu bóng đá Đức nổi tiếng. |
Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu
Tags