Pháp sẽ bước vào trận đấu với Ma Rốc với một cảm giác khá kỳ lạ: Họ sẽ không được ủng hộ nhiều lắm, từ các khán giả trung lập, vì… quá mạnh. Ít nhất là so với đối thủ của họ.
Các nhà đương kim vô địch chắc chắn là ứng cử viên sáng giá hơn cho trận chung kết, nhưng thiện cảm giờ đây ắt dồn về phía Ma Rốc, đội bóng mà theo như lời HLV Walid Regragui, là "Rocky Balboa của World Cup lần này". Ma Rốc đã quật ngã Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Bỉ, cầm hòa Croatia, đội tuyển cũng đã đi đến trận bán kết gặp Argentina.
Khán giả trung lập yêu Ma Rốc hơn Pháp
Các khán giả trung lập xem World Cup qua ti vi hẳn sẽ thích họ hơn, và không chỉ có thế. Có một cộng đồng người Ma Rốc nhập cư rất lớn sống ở Qatar, chưa kể các CĐV từ những quốc gia Hồi giáo và Ả Rập khác. Nghĩa là trong suốt giải đấu, thật ra Ma Rốc có thể tận hưởng cảm giác tương tự như một nước chủ nhà ở Doha. Là quốc gia châu Phi đầu tiên lọt vào bán kết trong lịch sử 92 năm của World Cup, họ cũng có cả một lục địa đứng sau lưng.
Nếu Ma Rốc gặp Argentina, câu chuyện về cái kết viên mãn cho Lionel Messi đủ sức lôi kéo một lượng người ủng hộ lớn cho Albiceleste. Nếu Ma Rốc gặp Croatia, một số người sẽ đứng về câu chuyện cổ tích về một quốc gia nhỏ bé vỏn vẹn bốn triệu dân đã lọt vào chung kết World Cup năm 2018.
Nhưng phía trước là Pháp, đội mà nếu đăng quang ở giải lần này, sẽ trở thành đội tuyển đầu tiên sau 60 năm vô địch thế giới hai lần liên tiếp, một kỳ tích không lặp lại kể từ khi Brazil làm điều đó vào các năm 1958 và 1962. Ở chiều ngược lại, Ma Rốc không chỉ làm nên lịch sử cho bóng đá châu Phi, mà còn viết lại lịch sử của chính họ: Quốc gia chỉ thắng nổi 2/16 trận tại 5 kỳ World Cup trước đây giờ đây thậm chí cơ hội vô địch.
Ma Rốc là một phiên bản khác của Hy Lạp ở kỳ EURO 2004: Phòng ngự rất chặt chẽ, phản công chớp nhoáng, và tự tin kỳ lạ. Ở trận chung kết cách đây 18 năm, bối cảnh cũng gần tương tự. Không ai nghĩ Hy Lạp có thể thắng Bồ Đào Nha, vì màn trình diễn quốc tế gần nhất của họ trước đó là ba trận thua trắng và không ghi nổi lấy một bàn ở World Cup 1994. Không một cầu thủ nào của Hy Lạp có đủ tiếng tăm. Theodoris Zagorakis, đội trưởng của Hy Lạp năm ấy, chỉ được nhớ đến vì đã dám chống lại HLV trưởng Martin O'Neil khi anh này còn đá cho Leicester.
Thời điểm ấy, Bồ Đào Nha đang cực kỳ tự tin, với một thế hệ vàng đạt độ chín, kết hợp giữa các tài năng mới và những cựu binh. Những cầu thủ quá già như Luis Boa Morte và Joao Pinto từ giã đội tuyển quốc gia, và người thay thế là những cái tên xuất chúng như Simao và đặc biệt là Cristiano Ronaldo. BĐN đã tấn công dồn dập, với tư thế của đội cửa trên kiêm luôn chủ nhà, nhưng không thể khoan phá được hệ thống phòng ngự của Hy Lạp. Thậm chí, họ còn để Angelos Charisteas, trong một cơ hội hiếm hoi, ghi bàn duy nhất. Và Hy Lạp đăng quang.
Cơ hội lịch sử
Sức ép của một đội cửa trên thực tế không hề dễ dàng, nhất là ở các vòng đấu cuối cùng. Áp lực đè lên chân các ngôi sao bị mặc định là sẽ phải giành chiến thắng. Trong khi đó, những khán giả trung lập, giờ đây chỉ theo dõi World Cup vì thích thú với các bất ngờ, thường ủng hộ những đội cửa dưới hơn.
"Chúng tôi đã quen với điều đó" – Kingsley Coman nói trên The Athletic sau trận thắng đội tuyển Anh. "Ngoại trừ người Pháp, ai cũng chống lại chúng tôi, nhưng đó là điều bình thường. Chuyện gì cũng có thể xảy ra. Mọi người đều dâng hiến thể xác và trái tim mình trên sân, và người Ma Rốc đã làm điều đó rất tốt".
Ông Deschamps cũng rất thận trọng: "Chúng tôi đã thấy họ (Ma Rốc) trình diễn ở đẳng cấp cao như thế nào. Đó không phải là bất ngờ. Họ không ăn cắp những chiến thắng đâu. Họ xứng đáng với chúng. Vì vậy, hãy ghi nhận kỳ tích của họ khi đã tiến xa đến mức này".
Ma Rốc mang trong mình một nỗi ấm ức khác. Quốc gia này lần đầu vận động đăng cai World Cup vào năm 1994, và FIFA đã chọn Hoa Kỳ. Họ thử lại 4 năm tiếp theo và Pháp là nước được chọn. Năm 2006, Ma Rốc vẫn tiếp tục xin đăng cai, và chứng kiến giải đấu được tổ chức ở Đức. Năm 2010, FIFA quyết định sẽ đến lúc châu Phi tổ chức cúp thế giới. Và Ma Rốc thua Nam Phi. Ở trận bán kết tới, họ có đầy đủ lý do để làm nên một điều gì đó kinh thiên động địa, trước kẻ phản diện là đội tuyển Pháp.
Tags