(Thethaovanhoa.vn) - Hơn 12 giờ kể từ khi trình làng, "Hãy trao cho anh" của Sơn Tùng sở hữu hàng loạt thành tích ấn tượng trên YouTube: Top 1 thịnh hành tại Việt Nam, MV có lượt xem nhiều nhất châu Á và toàn cầu trong hơn 24 giờ qua. Vô số kỷ lục được lập nên với màn phối hợp đỉnh cao giữa Sơn Tùng và Snoop Dogg.
Đáng nói, để vươn lên vị trí danh giá này, “đứa con tinh thần” của nam ca sĩ sinh năm 1994 đã phải vượt qua những tên tuổi đình đám của làng nhạc quốc tế, trong đó có siêu hit Senorita của bộ đôi Shawn Mendes và Camila Cabello.
Rất nhiều ý kiến khen, chê của giới chuyên môn, nhưng khó ai phủ nhận được những thay đổi ngoạn mục trong tư duy sáng tạo và ý thức tìm tòi của Sơn Tùng. Anh luôn khát khao làm mới mình, muốn vươn ra biển lớn.
Những cảnh quay được đầu tư công phu ở Mỹ, êkíp nhiều nghệ sỹ, người mẫu châu Âu, thực sự mãn nhãn, mãn nhĩ, đáp ứng thị hiếu không chỉ fan trong nước. Tóm lại, không nhiều ca sỹ ở V-pop (và cả nhiều ca sỹ Việt kiều có điều kiện) đủ bản lĩnh mở hướng đi như Tùng.
Có gì đó như là sự dấn thân khi nhìn lại một năm qua, ca sĩ gốc Thái Bình dường như "ẩn mình" chuẩn bị cho màn bùng nổ mang tên "Hãy trao cho anh".
Rất nhiều lần, Sơn Tùng, bằng âm nhạc và ngôn ngữ Việt, trở thành "công dân toàn cầu". Đấy là phần thưởng giá trị, truyền cảm hứng không chỉ cho các ca sĩ trẻ trong nước.
Để được vinh danh ở đẳng cấp quốc tế là câu chuyện không chỉ ngồi mà ước mơ, mà phải hành động, bằng lòng dũng cảm cùng tư duy đặc biệt.
Cùng với âm nhạc, có một lĩnh vực cũng rất thuận lợi trong việc tiếp cận dòng chảy thế giới - bóng đá. Đấy có thể là dấu ấn của một tập thể - các ĐTQG và CLB; đấy có thể là cá nhân - cầu thủ.
Mấy năm qua, một số đội tuyển trẻ , rồi U23, ĐTQG dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo đã khá nhiều lần làm rạng danh bóng đá Việt Nam. Mới đây CLB Hà Nội cùng B.Bình Dương gây hào hứng khi đã vượt qua 12 đội bóng khác cùng khu vực để trở thành 2 đại diện trong trận chung kết AFC Cup 2019 khu vực Đông Nam Á.
Ít hôm nữa, Công Phượng sẽ sang Bỉ thi đấu 1 năm theo hợp đồng cho mượn. Tranh thủ mấy ngày nghỉ, anh đã hỗ trợ, giao lưu với các thí sinh nhí thi tuyển vào Học viện bóng đá HAGL khoá 5. Sự xuất hiện của Phượng là một kỷ niệm đáng nhớ với các đàn em đang ước mơ vươn tới thần tượng gốc Nghệ An.
Phong trào cùng chất lượng đào tạo trẻ vốn rất quan trọng, quyết định tương lai của nền bóng đá. Cho nên, hình ảnh HLV Phạm Văn Quyến cùng Như Thuật hạnh phúc với tấm HCV cùng U15 SLNA ở VCK toàn quốc vừa rồi, rất đáng trân trọng.
Trở lại giấc mơ vươn được ra biển lớn, vẫn còn quá nhiều khó khăn cho bóng đá Việt. Dù rất vui cùng cầu thủ sinh cùng năm với ca sĩ Sơn Tùng MTP nhưng cũng rất lo cho Phượng bởi đây không phải là lần đầu anh xuất ngoại và được tạo điều kiện kiểu "Hãy trao cho anh" cơ hội.
Nhiều cầu thủ Việt cũng từng thất bại để phải trở về nước thi đấu. Chiều mai, Xuân Trường sẽ lại khoác áo HAGL đá tứ kết cúp "cuốc ra", cách chơi chữ của nhiều nhà báo nói về Cúp Quốc gia vốn không được các đội bóng quá chú trọng.
Có một điểm đáng lưu ý trong các điều kiện phát triển bền vững bóng đá Việt Nam mà ông Park vừa trải lòng trên tờ Naver Sports. "Nhiệm vụ của tôi tại Việt Nam chưa hoàn tất đâu. Tôi mới chỉ làm được phần nền móng thôi.
Để phát triển hơn, chính Việt Nam cũng cần cải tổ mạnh mẽ nền bóng đá quốc nội cũng như xuất ngoại thật nhiều cầu thủ. Để cải thiện kỹ thuật cá nhân và tạo ra sự đồng đều về chất lượng, các trung tâm bóng đá của Việt Nam cần trải đều ở 3 miền Bắc, Trung, Nam".
Cho nên, ông Park không phải là "phù thuỷ", để mãi đưa bóng đá Việt Nam lột xác, nếu như VFF vẫn tư duy nhiệm kỳ, chọn người lãnh đạo với quy trình phiếu tá cảm tính, không vì cái chung, như trường hợp ông Cấn Văn Nghĩa; nếu công tác đào tạo trẻ cùng hệ thống giải chuyên nghiệp không khởi sắc.
Tương lai bóng đá Việt Nam không phải ở khía cạnh "Hãy trao cho anh" - HLV Park Hang Seo, mà phải trao cho... chính chúng ta!
Hữu Quý
Tags