(Thethaovanhoa.vn) - Nếu có một con đường mang tên “đường chờ lún”, thì con đường ấy chỉ có thể ở khu vực Nam bộ, Cửu Long sông nước - nơi bị cho là địa tầng yếu bởi hệ thống sông ngòi dầy đặc như mắc cửi, khiến các mô cầu cứ lên xuống trùng điệp; các con đường oằn mình vì tải trọng, dù vừa được làm mới. Và nếu có nền bóng đá, với các CLB sống nay không biết ngày mai, thì cũng chỉ có thể ở bóng đá Việt Nam và đặc biệt nhiều ở khu vực miền Tây Nam bộ. Tại sao cứ phải là nơi này?
Chỉ vài ngày trước khi giải hạng Nhì quốc gia 2019 - Cúp Asanzo khởi tranh, Liên đoàn bóng đá tỉnh Bến Tre đã gửi đơn ra VFF xin rút khỏi cuộc chơi. Số phận mấy chục con người tập luyện quần quật mấy tháng qua bị cho ra đường, ai về nhà ấy.
Hoang mang như bầy ong vỡ tổ, như gà con lạc mẹ, là tâm trạng của học trò HLV Trần Duy Quang, cựu tuyển thủ quốc gia và HAGL, lúc này. Những cầu thủ trẻ không biết bám víu vào đâu, khi hợp đồng đã ký với bao sự kỳ vọng về một sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp mới ở nút khởi đầu.
Nguyên nhân sâu xa thì nhiều, nhưng màn ẩu đả giữa cầu thủ Bến Tre và Vĩnh Long trong trận đấu tập cách đây chục ngày chính là giọt nước tràn ly. Lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Bến Tre cho rằng, việc BHL và cầu thủ Bến Tre thiếu kiểm soát, làm mất hình ảnh của địa phương, nên không chấp thuận chuyển giao cho Công ty - Nhà tài trợ mới con dấu, để tiếp tục tham dự giải hạng Nhì năm nay. VFF đã nhận đơn từ, và dự kiến trong ngày hôm nay (7/5) sẽ có quyết định cuối cùng sau buổi họp chính thức.
“Đấy là vấn đề nội bộ của địa phương họ, tức là Bến Tre. Theo tôi được biết, thì lãnh đạo tỉnh và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cũng như Liên đoàn bóng đá Bến Tre vẫn chưa có sự thống nhất”, đại diện VFF cho biết. Cũng theo người của VFF, trong trường hợp Bến Tre rút hẳn, sẽ không bổ sung đội khác thay thế tại bảng B (thi đấu theo cụm, sân nhà và sân đối phương), vì không còn kịp nữa. Giải hạng Nhì quốc gia 2019 có tổng cộng 14 CLB và sẽ chỉ chọn một suất lên chơi hạng Nhất năm sau, nên cuộc đua tranh được cho là rất quyết liệt.
Trở lại với vấn đề của CLB Bến Tre, với số phận “ngàn cân treo sợi tóc” của thầy trò HLV Trần Duy Quang. Đội bóng này sau khi có nhà tài trợ mới đã đặt tham vọng thăng hạng và vừa trải qua một chu kỳ tập huấn rất công phu, bài bản, với quỹ các trận đấu tập không thua gì một đội chuyên nghiệp.
Trần Duy Quang, một người con của bóng đá xứ Dừa, cũng kỳ vọng rất lớn có thể gây dựng đội bóng quê hương. Nhận được hung tin như sét đánh, Duy Quang hẳn đã rất hụt hẫng. Rất nhiều cựu tuyển thủ người Bến Tre cũng đã bày tỏ sự nuối tiếc.
Bến Tre là vùng đất cách mạng và với địa hạt bóng đá, xứ dừa cũng sản sinh ra rất nhiều các cái tên nổi tiếng. Ví như Trần Quan Huy, Trần Văn Tuấn, Minh Nhuận của Cảng Sài Gòn trước đây, hay Đoàn Hoàng Sơn - cựu đội trưởng đội tuyển Olympic Việt Nam, Nguyễn Hồng Hải - cựu tuyển thủ quốc gia và Công an TP.HCM, và như chính Trần Duy Quang, cầu thủ có sự nghiệp thi đấu lẫy lừng bậc nhất xứ sở.
Việc tất cả những cái tên vừa nhắc đều chỉ có thể phát tiết khi rời cố hương, hẳn là có lý do. Cái cơ chế cũ kỹ cản trở sự phát triển bao năm qua, song vấn đề là người ta lại khó chấp nhận cái mới tiến bộ và tích cực hơn. Đây cũng là tình trạng chung của bóng đá khu vực Tây Nam bộ, từ Long An đến Đồng Tháp Mười, An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau, Kiên Giang... Sau khi XSKT Cần Thơ rớt hạng Nhất, đồng bằng sông Cửu Long chính thức "sạch bóng" ở V-League 2019 và không hẹn ngày trở lại. Quá phí cho một vùng đất rộng lớn, trù phú.
Lịch sử các giải bóng đá chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp Việt Nam trong khoảng 20 năm đổ lại, từng xoá sổ hàng chục, thậm chí hàng trăm CLB. Nhiều đội bóng bỗng dưng mất tích chỉ sau một đêm thức giấc, với cái gật hoặc lắc của nhà quản lý, lãnh đạo đội.
Bóng đá Việt Nam, thật không gì là không thể. Nếu tiếng kêu cứu khẩn cầu không được đáp lại, thì quả là tiếc cho Bến Tre, tiếc cho Cửu Long 9 nhánh, tiếc cho bóng đá Việt Nam quá.
Tùy Phong
Tags