Asiad 19 như một cơ hội thử lửa tuyệt vời cho nguồn lực trẻ của bóng đá Việt Nam nhưng việc tái lập thành tích vào bán kết là thách thức không nhỏ.Dưới góc nhìn của mình, BLV Vũ Quang Huy đưa ra những dự cảm về bóng đá trẻ nước nhà từ hành trình Asiad năm nay.
Bước khởi đầu thuận lợi
* Thể thao & Văn hóa: Với trọng trách "lãnh ấn tiên phong" cho đoàn TTVN tại Asiad 19, đội tuyển Olympic Việt Nam khởi đầu thuận lợi bằng chiến thắng trước đội tuyển Olympic Mông Cổ. Đâu là góc nhìn của anh về trận ra quân của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn?
- BLV Vũ Quang Huy:Người hâm mộ nước nhà đang kỳ vọng Olympic Việt Nam sẽ tạo được chiến tích tựa như ở Asiad 2018. Từ ngôi á quân U23 châu Á, rồi vào đến bán kết Á vận hội năm đó đánh dấu một thế hệ cầu thủ tài năng cũng như sự phát triển vượt bậc của bóng đá Việt Nam. Trận đấu với Olympic Mông Cổ cũng chứng kiến màn "chào sân" của một thế hệ cầu thủ mới, còn rất trẻ. Họ đều là những gương mặt tiềm năng của bóng đá nước nhà.
Trước đối thủ được đánh giá thấp hơn, HLV Hoàng Anh Tuấn chủ động để 2 cầu thủ quá tuổi là Đỗ Sỹ Huy và Nhâm Mạnh Dũng trên băng ghế dự bị, giữ sức cho đối thủ mạnh hơn là Saudi Arabia và Iran. Các cầu thủ trẻ của chúng ta đã chơi hứng khởi ngay từ đầu để có bàn thắng rất sớm, tạo ra sự chủ động trong lối chơi và giành chiến thắng chung cuộc. Dù vậy, các học trò của HLV Hoàng Anh Tuấn vẫn có những khoảnh khắc bất cẩn, để đối thủ tận dụng và ghi bàn.
Chiến thắng giúp Olympic Việt Nam có được sự tự tin để đối mặt với những thách thức lớn hơn sau đây.
Cơ hội nào cho Olympic Việt Nam?
* Sau khởi đầu thuận lợi, đội tuyển Olympic Việt Nam sẽ bước vào 2 thử thách cực lớn với Olympic Saudi Arabia và Iran. Anh nhìn nhận thế nào về cơ hội của chúng ta tại Asiad năm nay?
- Với thực lực mạnh, hẳn nhiên Olympic Saudi Arabia và Olympic Iran được đánh giá sẽ có được 2 vị trí dẫn đầu bảng B. Thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn đã có được chiến thắng trước Olympic Mông Cổ để tạo đà thuận lợi. Nếu chúng ta có được kết quả tương đối tốt với 2 "ông lớn" Saudi Arabia và Iran sẽ rộng cửa vượt qua vòng bảng. Đó là kịch bản lạc quan nhất nhưng cũng khó nhằn nhất.
Đó sẽ là 2 trận đấu dự báo đầy khó khăn cho chúng ta. Thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ gặp thử thách rất lớn khi chạm trán với với Olympic Saudi Arabia, nhà ĐKVĐ U23 châu Á. Giải VĐQG của họ có những bước phát triển mạnh mẽ khi thu hút những ngôi sao hàng đầu thế giới, Saudi Arabia cho thấy khát vọng lớn của mình không chỉ ở châu Á. Tôi nghĩ, khi mang những cầu thủ tốt nhất sang Hàng Châu, Saudi Arabia rất mạnh tại môn bóng đá nam tại Asiad năm nay.
Olympic Iran cũng là một thách thức không nhỏ đối với chúng ta. Bóng đá trẻ Iran đã có đến 4 lần giành HCV Asiad. Olympic Iran lần này đưa nhiều cầu thủ trong độ tuổi 24 chín chắn đến Trung Quốc dự giải, trong đó, không ít người đã từng đánh bại các học trò của HLV Hoàng Anh Tuấn ở VCK U20 châu Á hồi tháng 3.
Ở vòng loại giải U23 châu Á 2024 mới đây, U23 Iran còn không thể giành vé vào VCK. Trong quá khứ, Olympic Iran từng thua Việt Nam 1-4 ở Asiad 17. Điều đó sẽ tạo động lực rất lớn, mở ra cơ hội với Olympic Việt Nam khi chạm trán Olympic Iran. Đánh bại Iran không phải là nhiệm vụ bất khả thi với Olympic Việt Nam. Nếu làm được điều đó, thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn hoàn toàn có thể nghĩ đến vị trí nhì bảng để vào vòng 16 đội.
Trình độ của của Olympic Saudi Arabia và Iran là điều chúng ta có thể nhìn thấy được. Tuy vậy, bóng đá trẻ khó lường, có nhiều biến số nên đội tuyển Olympic Việt Nam vẫn có thể tạo bất ngờ lớn. Với các cầu thủ trẻ chúng ta, sau hành trình cọ xát, thi đấu liên tục trong năm nay từ VCK U20 châu Á, giải U23 Đông Nam Á cho đến vòng loại U23 châu Á đã giúp họ cứng cáp hơn.
Ngay cả khi không thể có được 1 trong 2 vị trí dẫn đầu bảng B, cơ hội đi tiếp của Olympic Việt Nam vẫn còn rộng ở chỗ 1 trong 4 đội xếp thứ 3 có thành tích tốt nhất ở các bảng đấu cũng giành quyền vào vòng 16 đội. Nhìn tương quan thực lực của Olympic Việt Nam cũng như các đội bóng ở các bảng đấu khác thì việc đội tuyển Olympic Việt Nam hoàn toàn có thể giành vé đi tiếp với 1 trong 4 tấm "vé vớt" này.
Tựu trung lại, thành tích tại kỳ Á vận hội lần này không quá quan trọng bằng việc thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn thi đấu hết mình, để lại những màn trình diễn truyền cảm hứng cho người hâm mộ Việt Nam.
Tư duy mới cho hành trình mới
* Theo anh, phải chăng chúng ta đã có những bước đột phá về cả tư duy lẫn hành động khi lấy lứa U20 làm nòng cốt để đến với Asiad 19?
- Từ chuyện này, tôi nghĩ chúng ta đã nghĩ khác và làm khác trong câu chuyện phát triển bóng đá trẻ. Bây giờ, bóng đá Việt Nam tiếp cận Asiad bằng một tư duy, hướng đi hoàn toàn khác. Chúng ta chọn cách từ bỏ, biết hy sinh thành tích ngắn hạn để lấy chỗ cho mục tiêu tích lũy kinh nghiệm của cầu thủ trẻ, lựa chọn phù hợp, hướng đến mục tiêu dài hơi, khát vọng lớn hơn. Khát vọng World Cup 2026 hay xa hơn 2030 dựa nhiều vào lứa trẻ từ U17 đến U23. ĐTQG đang ở thời kỳ giao thoa thế hệnên cần những nguồn lực kế cậnchất lượng.
Để có thể tích lũy kinh nghiệm thi đấu nhiều hơn, những cầu thủ trẻ không chỉ cần được tạo cơ hội thi đấu V-League mà phải có nhiều hơn nữa những trận đấu quốc tế. Có thể đội tuyển Olympic Việt Nam không thể tái lập những dấu mốc đặc biệt như Asiad 18. Tuy vậy, hành trình từ Asiad năm nay sẽ như"bệ phóng" để lứa cầu thủ trẻ cất cánh, yêu cầu duy nhất toàn đội cùng nhau vượt qua chính mình và trình diễn một hình ảnh tươi mới ở sân chơi châu lục.
Nhận diện nguồn lực trẻ
*Trong bóng đá, có nhiều chu kỳ, không phải lúc nào cũng sản sinh lứa cầu thủ giỏi, làm thế nào để bóng đá nước nhà không phải "đứt gãy" thế hệ kế cận, thưa anh?
- Quả thật như vậy, bóng đá có lúc này lúc kia, không thể "đều như gieo" được. Chúng ta đang ở chu kỳ chất lượng cầu thủ không cao như lứa Quang Hải, Tiến Linh, Hoàng Đức... Do đó, điều quan trọng nhất là đào tạo được bao nhiêu cầu thủ giỏi cho cácĐTQG, phục vụ những mục tiêu trọng điểm chứ không phải cóthành tích cụ thể trước mắt. Các CLB cần tiếp tục tin tưởng những cầu thủ trẻ vì tương lai của chính họ lẫn nền bóng đá nước nhà đang đặt lên vai thế hệ kế cận.
Muốn vậy, chúng ta phải kiên nhẫn với cầu thủ trẻ, tạo cơ hội để họ làm bàn đạp tiến lên. Phải làm tốt khâu đào tạo trẻ một cách hệ thống, bền bỉ, từ các địa phương đến VFF. Khi cái nền tốt thì chắc chắn các đội tuyển sẽ mạnh lên.
Hẳn nhiên, để làm được điều này, HLV Hoàng Anh Tuấn hay ông Philippe Troussier chỉ đóng vai trò "thợ xây", còn thiết kế và chất liệu phải do thực lực của chúng ta, đang có ở mức độ nào cho câu chuyện vun trồng, phát triển.
* Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trao đổi!
"Đội tuyển Olympic Việt Nam bước vào một hành trình mới. Đó là hành trình của những hy vọng. Những cầu thủ trẻ sẽ có thêm trải nghiệm mới ở đấu trường đẳng cấp châu Á. Những bài học thu được từ giải đấu này sẽ rất bổ ích để ông Hoàng Anh Tuấn tiếp tục lựa chọn thêm những nhân sự chất lượng, giới thiệu cho HLV Troussier.
Một khi có được tâm thế thoải mái, tự tin, thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn có quyền nghĩ về điều lạc quan sắp tới như chính lời bộc bạch của HLV Hoàng Anh Tuấn: "Dù tôi không đưa ra mục tiêu cụ thể cho đội tuyển nhưng chắc chắn, tôi biết cầu thủ hiểu tôi đang muốn gì. Tôi muốn họ phải làm những gì tốt nhất, hơn cả những gì họ có".
Asiad 19 để kiểm chứng giá trị những bài học mà cả bóng đá nam và nữ Việt Nam đã tích lũy được thời gian qua. Đồng thời, nhận diện rõ hơnvề nguồn lực bóng đá Việt Nam đang có. Để từ đó, từ trải nghiệm này sẽ kích hoạt động lực cho một hành trình mới xa hơn".
Tags