(Thethaovanhoa.vn) - Hình ảnh cầu thủ Than Quảng Ninh bỏ tập vì bị nợ lương nhiều tháng để lại một “vết gợn”. Cùng với đó, CLB Thanh Hóa đưa ra án kỷ luật nội bộ dành cho Hoàng Vũ Samson, thậm chí tính đến chuyện mời cơ quan điều tra vào cuộc, trong khi cầu thủ nhập tịch này khẳng định mình không tiêu cực. Ai đúng, ai sai trong từng câu chuyện? Tính chuyên nghiệp của bóng đá nước nhà ở vào mức độ nào? Chuyên mục “Đối thoại cuối tuần” hôm nay đã ghi nhận góc nhìn của BLV Vũ Quang Huy xung quanh những “ồn ào” này.
BLV Vũ Quang Huy nhìn nhận: “Có thể Than Quảng Ninh không dư dả như trước nhưng nếu nhìn từ doanh nghiệp hay địa phương, họ vẫn có đủ điều kiện tối thiểu để CLB hoạt động. Vướng mắc ở đây, có thể từ cơ chế hiện nay mà ra khi đội bóng đang luẩn quẩn với mô hình hoạt động của mình. Hay nói cách khác, những vấn đề liên quan giữa doanh nghiệp và địa phương chưa được giải quyết thấu đáo, hợp tình hợp lý đã ảnh hưởng đến đội bóng".
BLV Vũ Quang Huy cũng cho rằng:“Lâu nay, Than Quảng Ninh vẫn được coi như đội bóng không phải là thiếu trước hụt sau. Cho nên, có thể khi các bên chưa tìm được tiếng nói chung trong mô hình quản lý, điều hành để biết rằng đội bóng bây giờ thuộc về ai sẽ như một lực cản lớn nhất để tạo ra cơ chế hoạt động chỉn chu cho họ.
Câu chuyện của Than Quảng Ninh nếu nhìn dưới góc độ để có thể tìm ra hướng giải quyết sẽ nằm vào chỗ đó. Tôi nghĩ rằng, một khi những khúc mắc giữa các bên liên quan được tháo gỡ thì với đam mê, nhiệt huyết hay cả những đầu tư của anh Phạm Thanh Hùng cùng với lãnh đạo địa phương khi quan tâm đúng mức nhất thì sẽ có hướng đi tốt hơn trong thời gian đến.
Dù sao đi nữa, hình ảnh các cầu thủ “đình công” như thế cũng tạo nên một “vết gợn” buồn, đáng để chúng ta suy ngẫm về 2 chữ chuyên nghiệp mà bóng đá ở ta đang theo đuổi, xây dựng, phát triển. Tham chiếu từ hình ảnh đó cùng với một số đội bóng phải “sổ mũi” khi ông bầu “hắt hơi” sẽ thấy sự thiếu căn cơ cho quá trình phát triển thời gian qua của bóng đá nước nhà.
Bóng đá từ những năm hoạt động theo cơ chế bao cấp đã dần chuyển sang mô hình chuyên nghiệp nhưng chuyên nghiệp cũng chỉ trên tên gọi mà thôi chứ chưa hẳn và đôi lúc chưa đúng nghĩa nhất.
Nhiều nhà đầu tư, nhiều ông chủ bỏ tiền ra nuôi bóng đá thì chính họ cũng muốn nhận lại từ bóng đá những lợi ích khác nhau, rõ ràng là thế. Nhưng nếu lợi ích từ chính bóng đá mang lại hoặc sinh lời từ bóng đá sẽ khác, sẽ tạo ra động lực và nguồn lực nhưng ở đây thì chưa.
Chưa nói đến việc, có khi việc nhận lại từ bóng đá khi đã bỏ quá nhiều tiền đôi lúc cũng mơ hồ hay rất vô hình đã làm nguội lạnh nhiệt huyết. Cũng có thể, đam mê và tình yêu vẫn còn nhưng với bối cảnh khó khăn chung hiện nay thì đôi lúc chính họ cũng phải “lực bất tòng tâm”.
BLV nhiều năm gắn bó với bóng đá Việt Nam phân tích thêm: “Chuyện của CLB Thanh Hóa và Hoàng Vũ Samson ai đúng ai sai, đúng và sai ở vào mức độ nào chúng ta cần thời gian và câu trả lời từ các bên liên quan và có khi phải phân xử bằng các quy định pháp lý. Nói thế, bởi cho đến lúc này, cả 2 bên đều đưa ra những cơ sở, quan điểm của mình đề luận giải cho vấn đề.
Chúng ta chưa thể khẳng định bản thân cầu thủ hay phía đội bóng rằng ai đúng sai trong chuyện này. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận tổng thể, không phải CLB Thanh Hóa không có lý khi xử lý vấn đề như thế. Mức kỷ luật nội bộ dựa vào lý giải Hoàng Vũ Samson chơi bóng bạo lực thì hẳn rồi và có thể dễ hiểu. Tuy nhiên, khi CLB đề cập đến câu chuyện có thể có vấn đề này nọ và đánh tiếng đến cơ quan pháp luật thì rõ ràng phải có căn cứ. Có thể, cái lý mà chúng ta nhận thấy ở Thanh Hóa nằm vào chỗ đó”.
“Tựu trung lại, chuyên nghiệp thật sự mọi thứ liên quan phải được các bên ứng xử đúng mực, chuyên nghiệp nhất trên nhiều khía cạnh. Chúng ta thông cảm với nền tảng đang có chưa phải căn cơ nhất nhưng cũng cần phải có những cách thức triệt để, nghiêm cẩn, minh bạch trong quản lý, điều hành chứ cũng không thể “du di” để cái sảy nảy cái ung như lâu nay. Nói thể để thấy chữ “Chuyên” của bóng ta còn lắm gian truân”. BLV Vũ Quang Huy khép lại câu chuyện với cảm nhận như thế.
Trần Tuấn (ghi)
Tags