“Nói rằng V-League có quá ít ứng viên thực thụ cho chức vô địch sẽ làm ảnh hưởng đến ĐTQG cũng không hẳn đúng. Điều này chỉ như lát cắt, phản ánh một góc độ nhỏ nào đó thôi chứ bản chất không phải như thế”, BLV Vũ Quang chia sẻ góc nhìn của mình cùng Thể thao & Văn hóa.
BLV Vũ Quang Huy cho rằng thông thường thì các đội tuyển mạnh trên thế giới đều sở hữu cái nền là giải quốc nội rất mạnh: “Về cơ bản là như thế. Thực tế V-League thời gian gần đây đã được nâng tầm lên nhiều trên nhiều phương diện.
Có thể mọi thứ chưa đúng với những yêu cầu đặt ra nhưng đã dần tốt lên. Các đội bóng được đầu tư nhiều hơn, làm bóng đá căn cơ, bài bản hơn. Các cấp độ đội tuyển Việt Nam cũng thừa hưởng được thành quả từ “cái nôi” V-League. Chúng ta phải sòng phẳng với nhau như vậy.
Chuyện cạnh tranh cho chức vô địch không chỉ mỗi mình CLB Hà Nội chiếm thế độc tôn như 2 năm 2018-2019 nữa. Viettel đã vô địch ở mùa giải 2020, trong khi HAGL chơi tốt ở V-League 2021 trước khi giải đấu bị hủy.
Nghĩa là đã có những đa dạng cho cuộc đua vô địch. Tuy nhiên, điều chúng ta mong muốn rằng cuộc đua vô địch phải thật nhiều ứng viên so kè nhau “sứt đầu mẻ trán” thì chưa thể có. Điều này ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của giải đấu, bởi thường thì 2 cuộc đua được chú ý nhất ở giải VĐQG là đua vô địch và đua trụ hạng”.
“Tuy nhiên, không phải không có nhiều ứng viên đua vô địch thì ĐTQG sẽ chịu nhiều ảnh hưởng, đó chỉ là lát cắt thôi”, BLV Vũ Quang Huy nhận định rồi chia sẻ: “Đơn cử như Bundesliga vẫn rất hấp dẫn nhưng do Bayern Munich thống trị nhiều năm nên tạo ra cảm giác nhàm chán. Tuy vậy, đội tuyển Đức vẫn rất mạnh.
Hay tương tự giải Ngoại hạng Anh, giai đoạn Manchester United thống trị ngày trước hay Manchester City làm mưa làm gió bây giờ không có nghĩa chất lượng giải đấu đi xuống. Lại càng không thể nói đội tuyển Anh ảnh hưởng vì điều đó.
Với V-League, đội tuyển Việt Nam vẫn được hưởng lợi cho dù Hà Nội FC áp đảo giai đoạn 2018-2019 hay lúc này quá ít ứng viên. Vấn đề ở đây, nếu đội bóng áp đảo, thống lĩnh giải quốc nội chứng tỏ được vai trò ở ĐTQG mới là điều quan trọng.
Nghĩa là đội bóng thống lĩnh đó có đóng góp được nhiều, có trở thành bộ khung cho ĐTQG hay không? Nhìn dưới góc độ này, rõ ràng CLB Hà Nội hay Viettel đã làm rất tốt. Những đội bóng vô địch gần đây của V-League (2018- 2019- 2020) không chỉ lo chuyện lên ngôi ở giải đấu trong nước, họ còn chơi tốt ở các giải đấu cấp CLB của khu vực và châu lục như Hà Nội ở AFC Cup 2019.
Sự đua tranh nhóm đầu không hấp dẫn nhưng có đội bóng mạnh trở thành "xương sống" cho ĐTQG, đồng thời đại diện cho Việt Nam đá tốt ở sân chơi quốc tế là đáp ứng được nhu cầu. Quan trọng hơn, cầu thủ của CLB Hà Nội và Viettel đều là lực lượng nòng cốt, đóng góp rất nhiều vào thành công của ĐTQG và đội U23 Việt Nam thời gian qua.
Mà V-League đâu chỉ là cuộc đua vô địch, tính cạnh tranh, sự máu lửa còn nằm ở cả cuộc chiến trụ hạng nữa. Những trận đấu của các đội nhóm cuối rất khốc liệt. Bản lĩnh cầu thủ cũng sẽ được trui rèn từ những trận đấu mang tính chất sống còn như thế.
BLV Vũ Quang Huy cho rằng dù ở trong bất cứ cuộc đua nào thì ở V-League ý thức chuyên nghiệp của cầu thủ vẫn hiện diện: “Cùng với đó, cái sĩ diện, niềm kiêu hãnh của cầu thủ, của lãnh đạo các CLB vẫn thúc đẩy sự phát triển V-League.
Tất nhiên, việc gì cũng có hai mặt, có đua tranh sẽ tốt hơn. Từ đó sẽ thấy bóng đá chuyên nghiệp cần có sự đầu tư. Vì sao Hà Nội FC giữ được sự ổn định qua nhiều năm như thế? Bởi họ có có nguồn lực cơ bản, căn cơ nhất, biết quản quân và có tính kết nối, kế thừa.
Do đó, muốn bản lĩnh của các cầu thủ Việt Nam tốt hơn, điều kiện cần là họ phải được thường xuyên được cọ xát trong môi trường giàu tính cạnh tranh hơn, nhằm tăng cường kinh nghiệm, cũng như tăng cường sức chịu đựng trong các trận đấu nhiều tính cạnh tranh”.
“Tóm lại, V-League ngày càng cho thấy sự chuyển mình, tiến bộ, song còn rất nhiều bất cập và về bản chất, giải đấu vẫn chưa đạt đến sự chuyên nghiệp, cạnh tranh như khán giả kỳ vọng. Chúng ta cùng mong điều này sẽ được cải thiện tốt hơn trong thời gian sắp đến”.
Trần Tuấn (ghi)
Tags