'Bình thường mới' đã trở lại, vì sao cổng trường mầm non, tiểu học Hà Nội vẫn đóng?

Thứ Tư, 30/03/2022 20:33 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Đến nay, học sinh mầm non và tiểu học tại nhiều nơi trên cả nước đã đi học trực tiếp. Hà Nội đã qua "đỉnh dịch", các khu vui chơi, giải trí, các điểm du lịch, phố đi bộ... đã mở cửa trở lại, cuộc sống "bình thường mới" đã trở về bình thường nhưng trẻ mầm non và tiểu học vẫn chưa được tới trường.

Các trường Hà Nội chủ động tổ chức dạy và học trực tiếp cho học sinh từ lớp 7 - 12 

Các trường Hà Nội chủ động tổ chức dạy và học trực tiếp cho học sinh từ lớp 7 - 12 

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giao phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã là đầu mối tổng hợp, tham mưu với UBND quận, huyện, thị xã trong việc xem xét, phê duyệt phương án dạy học trực tiếp của các đơn vị, trường học.

Lý do là gì?

Hà Nội là địa phương cho học sinh ở nhà với quy mô lớn và thời gian lâu nhất cả nước. Từ cuối tháng 4/2021 đến nay, khoảng 950.000 học sinh lớp 1-6 cùng 600.000 trẻ mầm non (nhóm chưa tiêm vaccine) vẫn tiếp tục học trực tuyến hoặc nghỉ ở nhà. Ba tuần đầu tháng 2, học sinh tiểu học và lớp 6 ở ngoại thành Hà Nội được trở lại trường, nhưng sau đó phải tạm dừng vì số ca nhiễm tăng nhanh.

Đến nay, các phòng GD&ĐT và trường mầm non, tiểu học ở Hà Nội cho biết họ chưa nhận được thông tin nào cũng như chưa được hỏi ý kiến về việc cho học sinh lứa tuổi này trở lại trường.

Ông Nguyễn Văn Hậu - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh cho biết: "Hiện cấp tiểu học và lớp 6 trên địa bàn huyện vẫn dạy ổn định qua hình thức trực tuyến. Khi có văn bản của cấp trên về thay đổi hình thức học, Phòng GD&ĐT huyện sẽ nhanh chóng chỉ đạo các trường thực hiện theo đúng quy định".

Bình thường mới đã trở lại sao cổng trường mầm non tiểu học Hà Nội vẫn đóng, bao giờ trẻ mầm non đi học, lịch học học sinh hà nội, hà nội mở cửa trường học
Chưa biết đến khi nào thì các cổng trường mầm non và tiểu học tại Thủ đô Hà Nội mới mở cửa để đón học sinh trở lại trường học trực tiếp

Chị Ngọc Lan – phụ huynh có hai con đang học 2 cấp học khác nhau ở Hà Nội thắc mắc, tại sao đến giờ này học sinh tiểu học vẫn chưa được trở lại trường. "Cuộc sống đã trở về bình thường. Gia đình đã cho các con đi du lịch và đến các khu vui chơi...; Cháu lớn hiện học lớp 7 đã ăn bán trú tại trường, học cả ngày như trước đây... Tôi mong cháu thứ hai đang học lớp 1 được đến trường học trực tiếp vì thời gian năm học không còn nhiều".

Trong cuộc họp về công tác phòng, chống COVID-19 tại Hà Nội ngày 28/3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu ngành y tế và các địa phương rà soát công tác chuẩn bị, sẵn sàng phương án, tổ chức diễn tập tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi, đảm bảo có phác đồ là triển khai tiêm nhanh, hiệu quả như đợt tiêm cho trẻ 12-17 tuổi. Báo chí dẫn lời ông Dũng cho rằng "Phải tiêm được vaccine mới yên tâm đưa trẻ đến trường, nếu có nhiễm COVID-19 thì cũng nhẹ và giảm thiểu rủi ro".

Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là kết thúc năm học, nếu Hà Nội chờ đợi phải tiêm đủ 2 mũi vaccine mới cho trẻ mầm non, tiểu học và lớp 6 tới trường thì cánh cổng trường mầm non và tiểu học chắc chỉ có thể mở cửa vào mùa khai giảng của năm học tới.

Có nhất thiết phải chờ tiêm vaccine mới cho trẻ đến trường?

Dưới góc độ chuyên gia, PGS.TS. Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, việc cho trẻ đi học trở lại là vô cùng cần thiết, đặc biệt là ở lứa tuổi mầm non; không nên chờ tiêm vaccine mới cho trẻ đến trường.

Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, việc trẻ em không được đến trường trong một thời gian dài sẽ gây ra các khiếm khuyết về cả thể chất lẫn tinh thần khi các em không được tương tác với bạn bè, thầy cô, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài, thậm chí khiến trẻ mắc bệnh trầm cảm...

"Phần lớn trẻ em nhiễm COVID-19 thường có triệu chứng nhẹ, nếu so sánh giữa lợi ích và rủi ro thì cần cho trẻ đi học. Vừa qua, trẻ em ở nhà dương tính rất nhiều vì chúng ta nới lỏng các hoạt động, số ca nhiễm trong cộng đồng nhiều, khi người lớn mắc bệnh lây cho trẻ. Nếu ở trường làm các biện pháp phòng dịch tốt, có tổ chức, nguy cơ lây nhiễm chưa chắc cao hơn ở nhà", PGS.TS. Trần Đắc Phu cho biết.

Như vậy, lý do "Phải tiêm được vaccine mới yên tâm đưa trẻ đến trường" của Hà Nội liệu có cứng nhắc không khi thời gian của năm học không còn nhiều. Hơn nữa, từ tháng 4/2021 đến nay, lứa học sinh này của Thủ đô chưa một ngày được đặt chân đến lớp trong khi học sinh tại nhiều địa phương trên cả nước đã được đến trường.

Theo Sức khỏe Đời sống

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›