BLOG BÓNG ĐÁ: Lò nào thì lò, đều phải đi qua... Cửa Lò

Thứ Ba, 03/02/2015 11:37 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Ai cũng có cho mình những niềm tự hào, bọn ta tự hào về đội bóng quê nhà, giữa bề bộn cuộc sống ta vẫn tìm đến Sông Lam Nghệ An như tìm về sông Lam để thuê thỏa những trong lành. 

Các con!

Ngồi xuống đây, ta sẽ kể cho các con nghe về hành trình của tình yêu.

Mùa xuân năm 2015, V-League khởi tranh với nhiều ầm ĩ, lần đầu tiên bóng đá nội nhận được nhiều quan tâm đến như vậy, nhưng không phải từ những điều vốn dĩ.

Ta đã cố đè nén cái tôi để tránh phải ném mình vào giữa dòng những tranh cãi. Họ nói rằng nhờ hiệu ứng của một lứa trẻ mới nổi mà cổ động viên của Thanh Hóa, Hải Phòng, Nghệ An mới đến sân đông như vậy. Bị một khúc gỗ góc cạnh phang vào mặt, các con sẽ làm gì? Bác Sơn cười khẩy, còn ta tìm mãi chẳng thấy cái nệm nào để liệng chiếc điều khiển tivi đi cả.

Bác Sơn của các con là bạn học của ta từ thời tiểu học. Không may mắn như tất cả chúng ta, bác ấy sinh ra với đôi chân không được lành lặn, hai đầu gối chụm lại, hai bàn chân ra hình chữ V và thân hình khụy xuống, như vậy bác ấy mới có thể đứng vững.

Khi còn nhỏ, bác ấy phải nhờ cây gậy trợ giúp để đi lại nhưng khó khăn, nhưng hình như điều đó không phải là vấn đề lớn. Bác ấy tự tin với tất cả, là đối thủ thực sự của ta trong học hành và bỏ xa ta nhiều năm sau đó. Nhưng điều làm ta bây giờ nghĩ lại và thán phục hơn cả, các con biết không, bác ấy là một thủ môn khét tiếng trong suốt quãng đời học sinh.

Dù phải ngồi bệt trong suốt thời gian thi đấu, bác ấy vẫn làm nản lòng tất cả các chân sút, lại còn thường xuyên la hét và chỉ huy đồng đội. Dũng cảm có thừa, dù là sân toàn đá sỏi hay khi nhà trường đã cho đổ bê tông, bác ấy vẫn lao mình cản phá để lại những chiếc quần rách bươm và đầu gối rớm máu.



Lứa trẻ của Nghệ An từng làm mưa làm gió ở giải U16 châu Á năm 2000 tại Đà Nẵng

Không có trận đấu nào của lớp mà vắng mặt bác Sơn, giờ ra chơi hay sau buổi học giữa cái nắng chang chang. Bọn ta chẳng đứa nào còn nhìn bác ấy với ánh mắt ái ngại thuở ban đầu. Ta không hiểu rõ vì tinh thần lạc quan mà bác ấy tìm đến bóng đá, hay bóng đá đã mang lại điều đó, có thể cả hai.

Có những dòng chảy vô hình, các con ạ, chúng ta không nhìn thấy nhưng nó tồn tại, bác Sơn, ta hay thảy hết các chàng trai xứ Nghệ đều hòa mình vào trong đó.

Khi ta mới làm quen với O, Ô, Ơ, tập hát bài “lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo ...”, thì những người anh lớn ai cũng đều hét hò bên trái bóng, và ta chỉ nghĩ khi lớn lên chút nữa mình cũng sẽ chơi trò chơi đó. Nhại phỏng người lớn hơn là cách để trẻ thơ trưởng thành.

Ngoại trừ đức Phù Đổng Thiên Vương, ai chào đời cũng đều cất tiếng khóc, việc chơi bóng đá cũng được mặc định như vậy với một chàng trai Nghệ. Anh ta sẽ cảm thấy xấu hổ khi không biết chơi bóng, dù hay dù dở, luôn phải có mặt ở bãi đất đầu làng, tất cả lũ bạn đều ở đó. Nếu không hậu đậu, Nobita chẳng làm gì cả, nếu không chơi bóng, trai Nghệ chỉ còn cách đi ngủ từ 5 giờ chiều.

Ở xứ Nghệ, lò đào tạo không phải là khuôn viên vài ngàn mét vuông với sân bóng, trang thiết bị hiện đại, giáo trình quốc tế và cả trường học, mà là trên từng thửa ruộng vừa gặt xong, từng mảnh sân trước nhà, từng con đường, đâu đâu cũng có thể làm gôn chia đội, chưa kể đến mỗi làng, mỗi phố đều có một sân bóng và những người hùng lớn lên từ đó. Bóng đá gần như là môn thể thao duy nhất, bóng đá ở trong máu, bóng đá là văn hóa.

Thế rồi từ sân bóng, bọn ta học được khát khao chiến thắng, tô đậm lên cái thô ráp bộc trực vốn dĩ trong con người của vùng đất khô cằn, nơi gió Lào đến hẹn lại lên à ơi những lời nóng bỏng cả bờ mông. Tất thảy những điều đó khiến ta vô cùng tự hào.

Đó cũng chính là lý do vùng đất này luôn sản sinh ra lớp lớp những tài năng.

“Cái quần đùi tím hoa cà của tôi là đẹp nhất, chả ai có được cái quần có 2 cái lỗ tròn hoàn hảo ngay mông như thế cả”, với thảy hết mọi người, đội bóng của họ luôn là đội tuyệt vời nhất. Nhưng Sông Lam, đội bóng của bọn ta, thực sự là câu lạc bộ đặc biệt và vĩ đại, con yêu ạ, một trong những đội bóng giàu thành tích nhất Việt Nam. Họ thống lĩnh các giải đấu trẻ và luôn đóng góp những cầu thủ tốt nhất cho Đội tuyển quốc gia, ta gọi vui là “những em chân dài cao cấp”.

Cả nước ngửi hoa Đà Lạt, thưởng trà Thái Nguyên, cafe Đắk Lắk, ăn Phở Hà Nội, trái cây miệt vườn, và hầu như CLB nào cũng có cầu thủ xứ Nghệ. Dù là Arsenal, Manchester City hay Dormund đến hợp tác mở lò đào tạo, lò nào thì lò vẫn cứ phải đi qua Cửa Lò. Nhân tố Nghệ tỏa ra muôn nơi và nở hoa đơm trái.



Văn Quyến, ngôi sao trưởng thành từ lò Sông Lam Nghệ An

Khi con còn lững chững tập đi, ngôi nhà thật rộng lớn, khi con đã có thể chạy, con dọc ngang khu phố, rồi theo thời gian con đi từ làng này qua làng khác, huyện này qua huyện khác, tỉnh này qua tỉnh khác và hơn thế nữa. Từng sải chân thế giới của con sẽ thênh thang hơn, tâm hồn cũng rộng mở.

Ta lớn lên, rời xa quê hương, làm quen, quan tâm và yêu thêm những đội bóng, những cầu thủ nước ngoài, họ chơi thứ bóng đá đẳng cấp vượt trội. Nhưng không gì có thể xen vào tình yêu ta dành cho đội bóng quê nhà, ta hiểu rằng trước khi yêu những điều xa xôi cần phải biết yêu lấy những gì thân thuộc, yêu gia đình, quê hương, tổ quốc mình đã. Có như vậy, mỗi bước mỗi vững vàng.

Những điểm chung kết nối những người xa lạ, các chàng trai thường áp dụng quy tắc này để chinh phục các cô gái, biết nàng yêu chó, liền mua ngay một chú chó về, rồi vờ dắt đi dạo công viên vô tình gặp nàng ở đây, thế là làm quen và chia sẻ kinh nghiệm bắt rận. Giữa nơi phồn hoa đô hội ta vẫn luôn cảm thấy mình có chút lạc lõng và lúc nào cũng nôn nao khi nghe thấy đâu đó giọng “mô tê răng rứa”. Sông Lam Nghệ An kết nối ta với những người Nghệ xa quê.

Ai cũng có cho mình những niềm tự hào, bọn ta tự hào về đội bóng quê nhà, giữa bề bộn cuộc sống ta vẫn tìm đến Sông Lam Nghệ An như tìm về sông Lam để thuê thỏa những trong lành. Hòa vào nhau trong màu áo vàng, diễu hành trên các tuyến phố và sôi động trên khán đài mà chẳng đợi tới hiệu ứng của bất kỳ ai. Cảm giác đắm chìm trong dòng chảy vô hình của ân tình xứ sở, nó làm chúng ta ngộp thở, con trai ạ.

Chú Tommy đã nói rằng: “Khi người ta không còn tự hào về những gì đưa mình lớn lên cùng tuổi thơ, đó là lúc họ không còn quê hương xứ sở.”. Ta bất giác sờ lên hông và tự hỏi “sao thằng nhóc này lại chạy nhảy trong bụng mình thế?”

Con yêu, con có thể hỏi chú Tommy về niềm tự hào của chú ấy!

Du Đãng

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›