BLOG BÓNG ĐÁ: Yêu bóng đá để làm gì?

Thứ Tư, 04/02/2015 12:55 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Bóng đá đến với ta một cách nhẹ nhàng, từ cái lần đầu tiên ta biết đến nó qua những buổi trực tiếp Tiger Cup 98 trên sóng VTV. Đã quá lâu để ta có thể nhớ được mình hạnh phúc thế nào khi chứng kiến bàn thắng thứ ba mà đội tuyển Việt Nam ghi được vào lưới Thái Lan.

Manhattan, New York

Năm 2030

Mấy đứa,

Đây là thời điểm 2:30AM, ngày đầu năm mới và ta đang đứng nhìn về phía quảng trường The Time. Xung quanh ta là những cô gái khỏa thân, rượu Scotch, Martini, Tequila và 'sandwhich' vương vãi khắp nơi. ABBA vẫn chưa thôi điệp khúc 'Happy New Year' u buồn bên chiếc máy phát, và trong lòng ta cảm thấy trống rỗng, vô hồn. Ta quyết định kể cho các con nghe một câu chuyện, một câu chuyện đưa ta trở thành một anh chàng New York thành đạt, đa tài, độc thân, quyến rũ, và nhất là không phải vướng bận chuyện lý tưởng hay gia đình, Tổ quốc. Còn gì tuyệt hơn, nào!

Một ngày mùa xuân năm 2008, bên chiếc xe đạp cọc cạch đi học về, ta ném nó vào một góc rồi nhanh chân chạy đến chỗ vô tuyến đã bật lên từ bao giờ. Khoảnh khắc đó làm ta nhớ mãi, khi hai hàng cầu thủ Manchester United và Manchester City bước ra khỏi sân để làm lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa Munich.



Người hâm mộ Việt Nam từng vỡ òa cảm xúc sau trận chung kết AFF Cup 2008

Những đóa hoa nghiêm trang, những chiếc khăn vung lên trầm uất, các cầu thủ khoác vai nhau thành một vòng tròn hướng về những nạn nhân xấu số, đã vĩnh viễn ra đi vì một trong những tai nạn hàng không thảm khốc nhất thế kỷ XX.

Bên cạnh sự bi thảm của một sự kiện đau thương nhuốm màu thời gian, nó còn mang lại cho ta sự cảm nhận rõ ràng của yếu tố truyền thống. Sự nối tiếp của nhiều thế hệ tạo nên sự vĩ đại, và đó là thành quả chắc chắn không chỉ được xây dựng trên vài năm danh tiếng.

Bóng đá đến với ta một cách nhẹ nhàng, từ cái lần đầu tiên ta biết đến nó qua những buổi trực tiếp Tiger Cup 98 trên sóng VTV. Đã quá lâu để ta có thể nhớ được mình hạnh phúc thế nào khi chứng kiến bàn thắng thứ ba mà đội tuyển Việt Nam ghi được vào lưới Thái Lan, nhưng trong ta vẫn còn nguyên vẹn kỷ niệm khi nhìn các chú, các bác và bố mình hân hoan trong vòng tay chiến thắng.

Cảm giác chứng kiến người thân yêu của mình bùng nổ hạnh phúc vì bất cứ một thứ gì đó, luôn làm cho chúng ta có động lực sẽ tái lập lại điều đó chỉ để thấy hạnh phúc ánh trên đôi mắt của họ. Nhưng, truyền thống tốt đẹp trong việc giành những chiến thắng đó không được duy trì hay tiếp nối, mà nó để lại những bóng ma trong lòng người hâm mộ.

Bán độ, bạo lực, thờ ơ, vô tâm, lũng đoạn,... Nó khiến cho chính những người năm xưa từng ôm nhau vì hạnh phúc kia, quay lưng lại với bóng đá nước nhà trong vòng xoáy kim tiền và hạnh phúc bản thân. Không còn một ai mảy may quan tâm rằng đã sắp đến giải vô địch năm xưa họ cùng nhau theo dõi...

Vài năm sau khi nhận biết được trong nước cũng có giải vô địch quốc gia, ta theo dõi Thể Công và Cảng Sài Gòn như một sự sắp đặt của định mệnh. Bố ta là dân quân đội, dĩ nhiên cái ý tưởng năm nào đổi tên Thể Công thành Dinamo vẫn luôn được đem kể lại mỗi khi trà dư tửu hậu. Bản thân ta sống ở miền Nam và sống phóng khoáng như một người Sài Gòn, bởi Cảng Sài Gòn là cái tên tiếp theo đến tự nhiên mà chẳng cần dẫn dắt.

Truyền thống tốt đẹp, những chức vô địch quốc gia, những lứa cầu thủ huyền thoại và cả những thành tích lẫy lừng trong quá khứ, bị phủ nhận hoàn toàn kể từ sau khi người ta đẩy bóng đá lên chuyên. Người ta định vẽ lại bản đồ bóng đá và đặt dấu ấn của mình, chứ không tiếp tục xây dựng những thứ có sẵn. Mức độ hủy hoại lan dần đến những cái tên lâu năm, tất nhiên Thể Công và Cảng Sài Gòn đã cùng nhau sụp đổ vào đúng một năm mà người ta gọi đó là 'The Fall of the Greats' (Sự Sụp Đổ Của Những Đế Chế Vĩ Đại).

Chẳng còn cái tên Cảng Sài Gòn, cũng không còn đội bóng quân đội lừng danh. Tất cả chỉ là sự ngụy tạo ngoại lai, sự phá hoại không có suy nghĩ, và theo sau đó là những hệ quả cho tới ngày nay vẫn không gì bù đắp được.



Những cái tên như CSG hay CA TP.HCM chỉ còn là hoài niệm với bóng đá Việt Nam

Đôi khi ta cứ tự hỏi, tại sao dân Anh có những ngày luôn đeo băng đen và dành một phút mặc niệm khi thi đấu một trận trong giải đấu trong nước. Tự hỏi rồi tự trả lời, là vì họ có những huyền thoại đã cống hiến cả đời cho CLB, cho đội bóng, cho cổ động viên, và mỗi khi vào ngày tưởng nhớ họ, người ta đeo băng đen trong một động thái tri ân những thành quả cả đời đấy của họ.

Ngày ông Phạm Huỳnh Tam Lang mãi mãi ra đi, các đội bóng ra sân đều đeo băng đen và dành một phút im lặng tưởng nhớ vị HLV, cầu thủ huyền thoại nổi danh một thời của làng túc cầu trong nước. Nhưng cũng vẫn là ngày đó một năm sau, chẳng ai thèm nhớ hoặc thậm chí là nhắc đến sự ra đi của một người từng làm rạng danh quốc gia trong thời kỳ dân tộc vẫn còn đổ lệ vì cuộc chiến đi tìm chính nghĩa.

Các con, bố Du là một người đàn ông mẫu mực, bố Du có gia đình, có các con, có mẹ các con và có Tổ quốc để theo đuổi và chăm sóc. Nhưng với ta, việc chăm sóc, theo đuổi những lý tưởng mà người khác không coi trọng ta xem đó là một việc làm cầu kỳ vô ích.

Kể từ khi nhận ra sự khác biệt và vô tâm giữa những người cùng một ngành nhưng khác văn hóa với nhau, ta quyết định bỏ đi tìm chân trời mới. Và có vẻ như bất chấp sự trống rỗng mỗi cuộc vui, New York hoa lệ này vẫn mách bảo cho ta cảm giác sống ích kỷ một mình cũng thật hạnh phúc.

Yêu bóng đá để làm gì, có phải không các con?

Tommy Thái Vũ

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›