(Thethaovanhoa.vn) - Các huấn luyện viên chúa là không ưa nhau. Và điều nghịch lý là các huấn luyện viên thất nghiệp thường chê bai các đồng nghiệp đang ngồi trên băng ghế chỉ đạo. Như hiện giờ, giả sử Brazil hiện có 100 huấn luyện viên đang chờ việc thì có tới 99 ông ngồi phê phán Luiz Felipe Scolari, rằng chiến lược gia đương nhiệm của Selecao sắp xếp đội hình thế này không hợp lý, để cầu thủ nọ đá chính không ổn, lẽ ra phải tung tiền vệ kia vào sân ngay từ đầu… Nghĩa là có vô vàn lý do để họ chê bai mà ai cũng thấy có lý.
Nhưng đặt trường hợp nếu Brazil của Scolari đoạt chức vô địch World Cup 2014, các huấn luyện viên kia sẽ nói sao? Đó chính là tình cảnh của năm 2002, khi “Big Phil” cũng tới Nhật-Hàn với hàng núi chỉ trích từ quê nhà, nhưng rồi cuối cùng đã giúp Selecao giành cú “penta” ấn tượng.
Thực ra thì cũng khó trách được các huấn luyện viên nói trên. Có thể vài người trong số họ “gato” với Scolari, người thì vì miếng cơm manh áo, nhận giữ mục bình luận cho một tờ báo nào đó, sức ép bài vở khiến họ phải cố nặn ra chữ nghĩa. Nhưng đúng là với con mắt chuyên môn thì họ nhìn đâu cũng thấy lỗi, trừ phi chính mình ngồi trên băng ghế chỉ đạo.
Tóm lại, ai cũng đang cố gắng làm tốt phận sự của mình, kể cả người thất nghiệp. Trong bối cảnh đó, điều quan trọng là huấn luyện viên đương nhiệm phải giữ vững được bản lĩnh, không để cho dư luận dẫn dắt. Thông thường, ngược dòng dư luận thì chỉ có mang họa. Nhưng ở nhiều trường hợp thì bơi ngược chiều xem ra lại là cách làm hay. Nghề huấn luyện phải lăn vào thực tế mới biết nó hay dở ra sao, đâu phải cứ theo đúng sách vở là tốt.
Mà xét cho cùng, bóng đá Brazil cũng đang khủng hoảng hướng đi, phe bảo nên duy trì truyền thống, phe nói phải thực dụng hơn mới giành được vinh quang. Mọi thứ kinh điển trở thành mớ giấy lộn. Vì thế, Scolari cứ tiếp tục ngồi lên sách vở, ai chê mặc họ, tôi làm việc của tôi. Chung quy cũng đều là vì miếng cơm manh áo cả thôi mà!
Hoàng Nhật
Thể thao & Văn hóa
Tags