(Thethaovanhoa.vn) - Ngay từ thời trẻ, giữa tuổi hoa niên sục sôi, giữa những biến động chính trị - xã hội đảo điên, Bob Dylan vẫn luôn giữ nguyên một quan điểm: “Tôi không bao giờ viết nhạc chính trị. Các ca khúc không thể cứu thế giới”. Ấy vậy mà, ông chính là người sinh ra ca khúc phản kháng có sức mạnh bậc nhất lịch sử âm nhạc: Blowin’ In The Wind (Bay trong cơn gió).
Các nhà phê bình đã ráo riết truy vết nguồn gốc của Blowin’ In The Wind, từ những cuốn sách, sự kiện chính trị tới Kinh Thánh. Liệu có thật rằng Dylan miễn nhiễm với thời cuộc khi ông viết ca khúc?
Một bí ẩn trẻ
Vào năm 1962, Bob Dylan 21 tuổi đã lang thang trên phố McDougal ở Greenwich Village được hơn 1 năm. Anh được biết tới như một cậu chàng bồn chồn với chiếc mũ lưỡi trai ngồ ngộ, một ca sĩ và nhạc sĩ đứng sau hàng chục, hàng trăm ca khúc. Happy Traum và Bob Cohen - các thành viên nhóm nhạc folk The New World Singers chơi ở Village thời đó -là những người đã sớm mời Dylan lên sân khấu chung với họ.
“Cậu ấy là một kiểu rất thô ráp” - Happy Traum nhớ lại. “Và cùng lúc đó, xây dựng nên thần thoại quanh mình khi chúng tôi không biết cậu ấy tới từ đâu. Cậu ấy chỉ tự dưng xuất hiện, đi nhờ xe hay trong xe chở hàng từ miền Tây hay đâu đó kiểu vậy. Vì vậy, cậu ấy lập tức trở thành một nhân vật biểu tượng dù mới chỉ là một cậu nhóc 19 hay 20 tuổi”.
Dù chẳng bao giờ cố trau chuốt màu mè, Dylan vẫn lọt vào mắt và tai của một số nhân vật quan trọng, có tầm ảnh hưởng. John Hammond, lúc đó đã là một nhà sản xuất huyền thoại của hãng Columbia, nghe nhạc Dylan và liền ký hợp đồng với cậu trai trẻ. Album đầu tiên Bob Dylan chỉ có 1 ca khúc sáng tác gốc, Song To Woody, và chỉ bán được vài ngàn bản nhưng dường như Dylan chẳng quá bận tâm, anh vẫn tiếp tục chơi nhạc và học hỏi.
Một đêm ở Gerde’s Folk City, Dylan nghe The New World Singers biểu diễn một ca khúc tự do thời Nội chiến và ghi nhớ trong lòng.
“Đó là một ca khúc rất kịch tính và đẹp, vô cùng biểu cảm. Dylan nghe nó và một vài ca khúc khác chúng tôi chơi. Vài ngày sau, cậu ấy bảo chúng tôi: Này, xuống đây đi. Chúng tôi thường xuống tầng hầm của Gerde, nơi - có nên nói không nhỉ? - toàn là chuột và những thứ kiểu vậy. Cậu ấy cầm cây guitar và bắt đầu:“Cần bao chặng đường người đàn ông phải bước qua trước khi được người đời gọi là một người đàn ông? Chắc chắn là có những mầm mống của giai điệu No More Auction Blocks trong đó” - Traum nhớ về sự ra đời của Blowin’ In The Wind.
Dylan sau đó tiết lộ rằng ông viết ca khúc trong một quán cà phê trên đường Gaslight. Anh chỉ mất 10 phút để hoàn thành nó. Mặc dù mang hơi hướng của những ca khúc đòi tự do, Dylan thẳng thừng tuyên bố trong lần đầu ông biểu diễn Blowin’ In The Wind trước đám đông: “Đây không phải nhạc phản kháng hay bất cứ gì như thế, bởi tôi không viết các ca khúc phản kháng”.
Thế nhưng, rất nhanh sau khi ra đời, Blowin’ In The Wind đã trở thành thánh ca cho phong trào dân quyền đang bước tới đỉnh cao lịch sử, góp mặt ở những sự bước ngoặt của nhân loại.
Bay trong cơn gió
Mùa Xuân măm 1963, đích thân Dylan hát Blowin’ In The Wind tại một buổi biểu tình đăng ký cử tri ở Mississippi. Bộ 3 Peter, Paul & Mary biểu diễn nó dưới bậc thang Đài tưởng niệm Lincoln vào tháng 8 cùng năm, vài giờ trước khi Martin Luther King diễn thuyết “Tôi có một giấc mơ”. Và Peter Yarrow nhớ khi hát nó tại buổi diễu hành từ Selma tới Montgomery: “Khi chúng tôi hát nó, đó là một cánh đồng mà tôi có thể nói, ồ, 5.000 người nghèo nhất tôi từng thấy, tất cả đều là người da đen. Họ đã đợi trong mưa nhiều giờ vì hệ thống âm thanh bị đưa tới nhầm địa điểm. Chúng tôi hát nó rất chậm, theo cách rất khẳng khái, nhưng với cảm giác mệt lử như những người vây quanh”.
Sẽ không ai phản đối khi nói Blowin’ In The Wind là ca khúc lớn nhất của phong trào dân quyền thập niên 1960. Nhưng đáng nói là, Dylan - một lần nữa, đúng bản chất thô ráp của mình - đã không làm màu khi nói anh không viết nhạc phản kháng. Blowin’ In The Wind không giống hoặc nếu có thì rất ít giống những ca khúc phản kháng thời đó, và nói chung thì, chẳng giống những ca khúc hot trên đài phát thanh. Nó không đậm đặc tính thời sự, văn chương chính trị. Nó không thể bị kiểm duyệt.
Nhưng những câu như: “Cần bao nhiêu năm nữa để một số người phải tồn tại trước khi họ được phép tự do?” hoàn toàn phù hợp với những người tìm kiếm công lý chủng tộc, hay như câu:“Cần bao nhiêu biển khơi một chú chim bồ câu trắng phải sải cánh qua trước khi được ngủ trong cát?” dành cho những người tìm kiếm hòa bình.
Bản chất mơ hồ nhưng lại có sức lay động lớn khiến các nhà phê bình càng khao khát tìm ra nguồn gốc của Blowin’ In The Wind. Chủ đề ca khúc được cho là lấy từ cuốn tự truyện Bound For Glory của Woody Guthrie mà Dylan rõ ràng là thân thuộc: Việc đọc nó đã tạo bước ngoặt lớn trong quá trình phát triển trí tuệ và chính trị của chàng trai trẻ. Xa hơn, Ezekiel (12:1-2) trong Kinh Cựu ước: “Có lời Đức Chúa phán với tôi rằng: Hỡi con người, ngươi đang sống giữa một nòi phản loạn, giữa những kẻ có mắt để nhìn mà không thấy, những kẻ có tai để nghe mà không nghe” có thể là nguồn gốc của các câu “Cần bao nhiêu tai để một người đàn ông có thể nghe thấy loài người khóc?” và “Còn bao lần nữa người đàn ông quay đầu lại mà vờ như chẳng thấy gì?”.
- Nghe 'Rough And Rowdy Ways' của Bob Dylan: Muôn hình vạn trạng trong một con người
- ‘Rough and Rowdy Ways’ của Bob Dylan: Cách chủ nhân Nobel Văn học viết lại lịch sử
- Sự kiện trong tuần: Từ 'Nỗi buồn vĩnh cữu' đến album mới của Bob Dylan
Nhưng Dylan, dù thừa nhận đã lấy tinh thần từ ca khúc của người da đen No More Auction Block, đã rất thông thái phủ nhận: “Tôi không thể nói gì nhiều về ca khúc ngoại trừ rằng câu trả lời đang bay trong cơn gió. Nó không ở trong sách hay phim hay chương trình truyền hình hay thảo luận nhóm. Trời, nó ở trong gió - và nó đang bay trong cơn gió.
Quá nhiều những người sành sỏi đang cho tôi biết câu trả lời nằm ở đâu nhưng tôi chẳng tin. Tôi vẫn sẽ nói rằng nó ở trong gió và như một tờ giấy chao lượn, nó sẽ có lúc phải rơi xuống đâu đó… Vấn đề chỉ là không có ai nhặt câu trả lời lên khi nó rơi xuống, nên không nhiều người thấy và hiểu… Và thế là nó lại bay tiếp. Tôi vẫn sẽ nói rằng tội ác lớn bậc nhất nằm ở những người quay đầu đi dù họ thấy điều sai trái và biết là nó sai trái. Tôi mới chỉ 21 tuổi và tôi biết rằng đã có quá nhiều cuộc chiến… Các bạn hơn 21 tuổi, các bạn già đời và hiểu chuyện hơn”.
Blowin’ In The Wind, có lẽ đúng như nhà phê bình Greil Marcus nói, nó “dường như do thời đại gọi ra”. Dylan có thể không chủ ý làm nên một ca khúc phản kháng nhưng tinh thần đó, giống như một dạng vô thức tập thể, đã giúp đóa hoa Blowin’ In The Wind nở rộ.
Bạn tôi ơi, câu trả lời đang bay trong cơn gió:
Đánh dấu mốc quan trọng cho Bob Dylan Blowin’ In The Wind được phát hành dưới đĩa đơn và nằm trong album năm 1963 The Freewheelin’ Bob Dylan của Dylan. Sau đó, nó được ghi lại bởi hàng trăm nghệ sĩ lớn nhỏ khác, và tự thân những phiên bản này đã tạo nên nhiều kỷ lục lớn. Nhưng bước ngoặt lớn nhất Blowin’ In The Wind tạo ra, về mặt nghệ thuật, nằm ở chính sự nghiệp của Dylan với tư cách một nghệ sĩ. Từ Blowin’ In The Wind trở đi, các ca khúc của Dylan sẽ biểu lộ theo cách cá nhân và thơ mộng hơn rất nhiều - một cách tiếp cận đưa ông đi xa khỏi những ca khúc như The Times They Are a-Changin’ và tiến gần tới những ca khúc như Like A Rolling Stone (và rõ ràng là tiến gần tới giải Nobel Văn học). Sự phát triển của Dylan dưới tư cách nhạc sĩ, hóa ra, lại có tác động tương tự lên The Beatles, những người chuyển từ I Wanna Hold Your Hand thành A Day In The Life có thể bắt nguồn từ việc họ tiếp xúc với The Freewheelin’ Bob Dylan vào mùa Xuân năm 1964. |
Thư Vĩ (Tổng hợp)
Tags