Marcus Rashford và Rasmus Hojlund giúp nhau ghi bàn trong trận gặp Tottenham, nhưng HLV Erik ten Hag vẫn chưa cho thấy những tín hiệu tích cực.
1. Trận đấu với Tottenham kết thúc với tỷ số hòa 2-2 là điều công bằng cho cả hai bên. MU và Tottenham đều có những tình huống để cảm thấy nuối tiếc. Đối với Quỷ đỏ, điểm tích cực sau trận đấu với Tottenham là Marcus Rashford và Rasmus Hojlund đều đã ghi bàn. Bộ đôi này còn hỗ trợ nhau để mang về bàn thắng cho MU. Việc sử dụng nhân sự không hợp lý cũng là một trong những nguyên nhân khiến MU đến thời điểm này vẫn không định hình được lối chơi cụ thể dưới thời HLV Ten Hag. Cuối mùa giải trước, HLV Ten Hag đã tạo ra cho người hâm mộ Quỷ đỏ cảm giác đội chủ sân Old Trafford đang trên đà hoàn thiện lối chơi kiểm soát bóng. Thế nhưng, trước một Tottenham mất người vì Asian Cup và AFCON, đoàn quân HLV Ten Hag không thể áp đặt lối chơi. Trong hiệp 2, có thời điểm đội khách còn cầm bóng hơn 80%. Triết lý kiểm soát bóng, triển khai tấn công từ phần sân nhà của MU cho tới nay ngày càng xa vời.
Tuy nhiên, không thể nói đội bóng của HLV Ten Hag đã có những nét khởi sắc trên hàng công. Cả hai bàn thắng đều là những tình huống tỏa sáng của cá nhân. Có chăng điều đáng nói là sự kết hợp giữa Rashford và Hojlund đang dần trở nên gắn kết.
2. Trước đây, Rashford và Hojlund không có nhiều tình huống thực sự đáng chú ý khi thi đấu cùng nhau. Vấn đề thuộc về HLV Ten Hag. Rasmus Hojlund là nhân tố hoàn toàn khác so với Cristiano Ronaldo hay Wout Weghorst. Nếu cần một cầu thủ như Weghorst hay Ronaldo thì HLV Ten Hag nên chiêu mộ cầu thủ với phẩm chất tương tự. Rasmus Hojlund là cái tên với phẩm chất khác biệt nhưng lại áp đặt anh vào kiểu chơi cũ. Điều này khiến chính Hojlund vất vả trong quá trình hòa nhập với đội bóng. Anh phải thay đổi bản thân để dần thích nghi với MU cũng như các cầu thủ xung quanh. Theo chiều ngược lại, đồng đội cũng gặp khó khăn khi kết nối với tiền đạo người Đan Mạch. Suy cho cùng, MU chẳng được lợi gì từ điều này.
Cách sử dụng nhân sự của HLV Ten Hag cho tới nay vẫn gây ra nhiều khó hiểu cho người hâm mộ. Đơn cử như vấn đề của Kobbie Mainoo. Cầu thủ 18 tuổi được đánh giá cao về tài năng, nhưng không thể để một cầu thủ trẻ như vậy đá chính liên tục mà chẳng tạo ra điểm nhấn hay sự khác biệt nào trên sân. Mainoo có thể chơi tốt ở một số thời điểm, nhưng nếu không phải nhân tố trực tiếp mang về thắng lợi cho đội bóng thì việc được đá chính thường xuyên sẽ gây phản tác dụng. Đầu tiên là cá nhân Mainoo sẽ bị ngợp với mức độ khốc liệt của giải đấu. Thứ hai, những cầu thủ lớn tuổi hơn sẽ không phục. Điều này phần nào cũng sẽ khiến phòng thay đồ của MU có nhiều sóng ngầm hơn. Nghĩa là, HLV Ten Hag không có lộ trình để phát triển một cầu thủ tiềm năng, cũng không biết cách bảo vệ tài năng của họ và càng lúc càng để lộ kỹ năng quản lý nội bộ không tốt.
3. Người hâm mộ MU có nhiều cầu thủ tới Old Trafford vào mùa Hè tới khi Sir Jim Ratcliffe trở thành cổ đông lớn của đội bóng. Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra bởi vị tỷ số người Anh không chỉ biết về bóng đá mà còn yêu thích cả Man United. Và nếu Quỷ đỏ không cải thiện thành tích trong thời gian tới thì cũng chẳng bất ngờ nếu MU đưa về một HLV mới thay thế Erik ten Hag. Đó có thể là dấu ấn Sir Jim Ratcliffe muốn tạo ra khi đến MU.
MU đưa HLV Ten Hag về Old Trafford với mong muốn cải thiện thành tích cũng như lối chơi. Tới nay, HLV người Hà Lan chưa đáp ứng được kỳ vọng. Lối chơi mờ nhạt, phong độ thiếu ổn định. Ông thậm chí khiến MU có nhiều bất ổn về nhân sự. Nếu không mang tới những tín hiệu tích cực, đội chủ sân Old Trafford chẳng cần thiết phải giữ lại HLV Ten Hag.
BLV Quang Huy