(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 28/12, Bộ Công an tổ chức họp báo cuối năm 2021.
Báo chí đặt nhiều câu hỏi liên quan đến vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, nâng khống giá bộ sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 xảy ra tại Công ty Việt Á; vụ đường dây xăng giả hay việc xử lý, giải quyết đơn tố cáo một số cá nhân chiếm đoạt tiền từ thiện.
Làm rõ đến đâu thông tin đến đó
Về vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (C03, Bộ Công an) cho biết hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can, trong đó có Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) và Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương).
Sau khi khởi tố, cơ quan điều tra đã công bố những thông tin ban đầu, cơ bản về vụ án trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công an.
“Nhiệm vụ của cơ quan điều tra là phải điều tra triệt để mọi góc cạnh liên quan đến vụ án, làm rõ đến đâu thông tin đến đó” – đại diện C03 cho biết.
Cũng theo đại diện C03, căn cứ tài liệu điều tra ban đầu, lời khai của các bị can cho thấy, bộ sinh phẩm xét nghiệm của Việt Á được Công ty này trực tiếp và gián tiếp bán tại 62 địa phương, "có thể một số địa phương tự mua, cũng có thể do các đơn vị mua tài trợ cho địa phương".
Trong vụ án này, theo kết quả điều tra bước đầu của Công an, Phan Quốc Việt và các đối tượng là lãnh đạo chủ chốt Công ty Việt Á khai nhận: Quá trình kinh doanh và tiêu thụ bộ sinh phẩm nghiệm SARS-CoV-2 do Công ty Việt Á sản xuất, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu của các địa phương trên cả nước, sản phẩm thuộc danh mục được áp dụng hình thức Chỉ định thầu rút gọn nên Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.
- Thủ tướng yêu cầu mở rộng vụ án, đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ kit xét nghiệm Công ty Việt Á
- Đà Nẵng trả lời về việc mua sinh phẩm xét nghiệm của Công ty Việt Á
Sau đó, Việt thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ Chỉ định thầu bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (Công ty liên danh, Công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do Công ty này đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.
Đồng thời, để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, tăng doanh thu lợi nhuận và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn.
Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/bộ sinh phẩm xét nghiệm; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phổ trong quá trình cung cấp sản phẩm.
Đến nay, bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán các bộ sinh phẩm xét nghiệm cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng, Phan Quốc Việt đã chi tiền % ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương gần 30 tỷ đồng.
Đang xác minh về tố cáo chiếm đoạt tiền từ thiện
Liên quan đến câu hỏi về đơn tố cáo một số cá nhân chiếm đoạt tiền từ thiện, tại buổi họp báo, đại diện Cục Cảnh sát Hình sự (C02) cho biết trong thời gian từ tháng 5/2021 đến nay, trên các trạng mạng xã hội liên tiếp đưa tin phản ánh về tình hình các cá nhân kêu gọi từ thiện. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, C02 đã vào cuộc điều tra, ngoài mạng xã hội, một số trường hợp gửi đơn tố cáo một số cá nhân chiếm đoạt tiền từ thiện.
Trong quá trình làm việc với trường hợp tố cáo, Cục C02 xác định những cá nhân này có gửi làm từ thiện từ 100.000 đến 200.000 đồng và làm đơn lên Bộ Công an. Sau khi nhận đơn, C02 đã kết hợp với ngân hàng, địa phương bị bão lũ xác định các cá nhân kêu gọi từ thiện cho đồng bào lũ lụt công khai tài khoản.
Qua xem xét tài khoản số tiền của những người làm từ thiện này, xác định số tiền còn ít hơn so với lượng tiền mà cá nhân phát cho đồng bào các tỉnh. Đến nay C02 đã tổng hợp đã trao đổi với cơ quan Viện Kiểm sát vẫn xác minh một số nội dung khác, đến 15/1 sẽ hết hạn và sẽ thông tin vụ việc cho cơ quan báo chí.
Đường dây xăng giả, tiếp tục khởi tố 14 bị can về tội nhận hối lộ
Thông tin về chuyên án triệt phá đường dây hàng triệu lít xăng giả, lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai cho biết: đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt giam 100 bị can. Trong đó 99 bị can bị khởi tố về các tội Buôn lậu; Sản xuất, buôn lậu hàng giả; In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn chứng từ. Bị can còn lại là Ngô Văn Thụy (cựu đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam, thuộc Cục điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) bị khởi tố tội Nhận hối lộ.
Ngoài ra, quá trình điều tra, Công an Đồng Nai phát hiện nhiều cán bộ của lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển nhận hối lộ, tiếp tay và bảo kê cho đường dây này. Sau đó, cơ quan điều tra chuyển hồ sơ, tài liệu cho Bộ Quốc phòng thụ lý. "Cục Điều tra Hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố 14 bị can về tội Nhận hối lộ", lãnh đạo Công an Đồng Nai nói và cho biết trong đó có nhiều bị can giữ vị trí trọng yếu của lực lượng Cảnh sát Biển và Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh.
Liên quan vụ việc ông Lê Hùng Sơn, cựu Bí thư huyện ủy Cô Tô (Quảng Ninh) bị tố cáo hiếp dâm nhân viên, Đại tá Vũ Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, cho biết ngày 10/11, chị H đến trực ban Công an huyện trình báo bị ông Sơn hiếp dâm tại khách sạn.
Ngày 12/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định giải quyết nguồn tin tố giác tội phạm theo quy định. "Kết quả điều tra cho thấy tại khách sạn, việc anh Sơn giao cấu với chị H là có căn cứ. Công an đang khẩn trương tích cực phối hợp cơ quan chức năng xác minh cùng Viện kiểm sát đánh giá các chứng cứ và chủ động báo cáo khi có kết luận" - Đại tá Tùng thông tin.
Nguyễn Tùng/TTXVN
Tags