(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 7/5, Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) đã lý giải về tình trạng thiếu thông tin về số chứng minh nhân dân 9 số trong mã QR Code trên căn cước công dân gắn chíp điện tử, cũng như đưa ra giải pháp cho vấn đề này.
Lãnh đạo Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) cho biết, thông tin về số chứng minh nhân dân 9 số cũ mà công dân đã làm trước đây được thể hiện trên mã QR Code của căn cước công dân gắn chíp nhằm mục đích người dân không còn phải cầm theo giấy tờ xác nhận khi đi giao dịch sau này. Đối với các trường hợp công dân có yêu cầu cấp giấy xác nhận số chứng minh nhân dân thì cơ quan công an vẫn cấp giấy xác nhận số chứng minh nhân dân. Đây là quan điểm của lãnh đạo Bộ Công an nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Trước đây, khi chuyển đổi từ chứng minh nhân dân 9 số sang căn cước công dân 12 số, người dân phải cầm theo giấy tờ xác nhận.
Tuy nhiên, trong thực tiễn đã xảy ra trường hợp không có thông tin về số chứng minh nhân dân 9 số trong mã QR Code trên căn cước công dân gắn chíp điện tử. Nguyên nhân là do công dân không kê khai thông tin về số chứng minh nhân dân 9 số trong Phiếu thu thập thông tin dân cư nên trong Cơ sở Dữ liệu dân cư không có thông tin này.
Về giải pháp, đối với các trường hợp thiếu thông tin về số chứng minh nhân dân 9 số trong Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư và hồ sơ cấp căn cước công dân thì Bộ Công an yêu cầu công an các địa phương tra cứu, xác minh, bổ sung, cập nhật thông tin về số chứng minh nhân dân 9 số.
Đối với các trường hợp đã đổi từ chứng minh nhân dân 12 số sang thẻ căn cước công dân; các trường hợp đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân mà trước đây công dân đã kê khai thông tin về số chứng minh nhân dân 9 số và trong dữ liệu căn cước công dân có thông tin này thì Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ hiệu chỉnh phần mềm hệ thống để tự động cập nhật, bổ sung thông tin.
Bên cạnh đó, hiện Bộ Công an đang đề xuất tính pháp lý của dữ liệu thông tin chứng minh nhân dân 9 số trong căn cước công dân gắn chíp để các bộ, ngành không phải yêu cầu công dân cung cấp giấy xác nhận chứng minh nhân dân cũ, tạo thuận lợi cho người dân khi đi làm các thủ tục hành chính.
Dự kiến, tháng 5/2021, văn bản này sẽ được ban hành. Vào ngày 1/7 tới đây, khi hệ thống Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư hoạt động thì dữ liệu của công dân sẽ được chia sẻ cho các bộ, ngành, địa phương.
* Các trường thông tin trên mã QR Code và chíp điện tử
Cũng theo đại diện Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, điểm khác biệt cơ bản của căn cước công dân gắn chíp so với chứng minh nhân dân và căn cước công dân mã vạch là có thêm mã QR Code và chíp điện tử.
Thẻ căn cước công dân gắn chíp tích hợp nhiều tính năng: Tính năng mã QR Code, tính năng chíp điện tử và tính năng mã MRZ (mã hàng không dân dụng quốc tế). Mã QR code lưu trữ 6 trường thông tin cơ bản công dân gồm: số căn cước công dân, họ và tên, giới tính, nơi thường trú, ngày cấp, số chứng minh nhân dân 9 số đã được cấp.
Thông tin lưu trữ trong chíp điện tử gồm: số căn cước công dân; họ và tên, họ và tên khác; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; dân tộc; tôn giáo; quê quán; nơi đăng ký thường trú; đặc điểm nhận dạng; ngày cấp; ngày hết hạn; họ tên cha/mẹ, vợ/chồng; số chứng minh nhân dân đã được cấp; ảnh chân dung; đặc điểm trích trọn vân tay 2 ngón trỏ; dự phòng cho ảnh mống mắt và các thông tin khác (mở rộng ứng dụng cho các bộ, ngành khác).
Thông tin lưu trữ trên mã QR code và chíp điện tử giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân chuyển dữ liệu nhanh vào phần mềm, không cần nhập thủ công, cụ thể như: Thay thế sổ hộ khẩu, tạo sự thuận tiện cho người dân khi làm các thủ tục có liên quan đến sổ hộ khẩu; thẻ căn cước công dân mới có chứa số chứng minh nhân dân cũ trong chíp, người dân không phải xin xác nhận hoặc làm chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan đến số chứng minh nhân dân cũ; mã QR Code trên thẻ căn cước công dân mới cho phép người dân dùng điện thoại để quét lấy thông tin khi cần khai báo không phải nhập bằng tay.
- Gần ba triệu người dân Hà Nội đã được làm thủ tục cấp căn cước công dân
- Hà Nội với 'chiến dịch thần tốc' làm căn cước công dân
- Những lưu ý quan trọng khi điền tờ khai cấp căn cước công dân
* Bảo mật thông tin, kể cả khi bị mất thẻ căn cước công dân gắn chíp
Theo đại diện Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, khi quét mã QR Code trên căn cước công dân gắn chíp thì cơ quan chức năng có thể biết được các thông tin liên quan đến số căn cước công dân, họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính và địa chỉ của người được cấp thẻ. Tuy nhiên, đây là những thông tin dù không trực tiếp được biết qua việc quét mã QR Code nhưng trên thẻ căn cước công dân gắn chíp cũng đã thể hiện hầu hết các thông tin này.
Mã QR Code chỉ cung cấp thêm số chứng minh nhân dân cũ của người được cấp thẻ. Những thông tin được quét từ mã QR Code chỉ được dùng để đối chiếu thông tin, xác nhận số chứng minh nhân dân cũ của công dân trong khi thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự chứ không có tác dụng đại diện hay thay thế người dân khi thực hiện giao dịch này.
Thông tin trên chíp điện tử gồm 14 trường thông tin cơ bản và 2 trường thông tin mở rộng. Các thông tin trong chíp điện tử cơ bản được bảo đảm an ninh, an toàn do Ban Cơ yếu Chính phủ đã ký số.
Để đọc được thông tin trong chíp phải có thiết bị chuyên dụng do Bộ Công an cung cấp. Người dân có thể yên tâm rằng họ sẽ không bị lợi dụng danh tính khi mất thẻ căn cước công dân cũng như thẻ căn cước công dân bị làm giả vì khả năng bảo mật cũng như chống làm giả của thẻ căn cước công dân gắn chíp rất cao.
Trong trường hợp bị mất thẻ căn cước công dân gắn chíp thì người dân có trách nhiệm thông báo sớm cho cơ quan công an địa phương để Bộ Công an quản lý thông tin cũng như phục vụ cho việc cấp lại thẻ sau này.
Xuân Tùng/TTXVN
Tags