Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN giải đáp đầy đủ ý kiến khiếu nại của khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện

Thứ Bảy, 04/05/2019 20:17 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 4/5, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lý giải việc tăng giá điện đã được đánh giá tác động.

Chốt phương án tăng giá điện trong tháng 3

Chốt phương án tăng giá điện trong tháng 3

Điện là một trong các mặt hàng thiết yếu cần được điều tiết theo cơ chế thị trường. Thời gian tới đây, giá điện cũng sẽ được điều chỉnh tiệm cận giá thị trường.

Đánh giá tác động của việc tăng giá điện, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương căn cứ vào các Quyết định 24/2017/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, Quyết định 34/2017/QĐ-TTg về khung giá và mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016 - 2020, xét đề nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và điều kiện thực tiễn, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng các phương án tăng giá điện. Sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến phê duyệt, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định tăng giá điện 8,36% từ ngày 20/3. 

Trước phản ánh của báo chí về việc nhiều hộ tiêu dùng có hóa đơn tiền điện tăng đột biến sau khi tăng giá điện, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bày tỏ “chúng tôi rất chia sẻ với những suy nghĩ, kể cả những bức xúc của người tiêu dùng khi nhận được hóa đơn tiền điện cao hơn, phải bỏ ra khoản tiền lớn hơn trong bối cảnh rất khó khăn hiện nay.

Bộ Công Thương với chức năng quản lý nhà nước đã yêu cầu lãnh đạo EVN tiếp nhận, xử lý, giải đáp đầy đủ các ý kiến khiếu nại, thắc mắc của khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện trong tháng 4. Trong trường hợp phát hiện sai phạm do lỗi của ngành điện, phải xin lỗi và xử lý nghiêm khắc những sai phạm”. 

Ông cũng cho biết, Bộ chỉ đạo EVN cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về việc điều chỉnh giá điện để khách hàng, người dân rõ về cách thức tính giá điện mới, nguyên nhân tăng hóa đơn tiền điện, mục đích, ý nghĩa của việc tính giá điện bậc thang đối với từng hộ gia đình. EVN tiếp tục hoàn thiện, cải tiến, làm tốt công tác dịch vụ khách hàng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các khách hàng dùng điện. 

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, cách đây 2 ngày, Bộ trưởng Công Thương đã ra quyết định thành lập 3 đoàn công tác tiến hành kiểm tra việc điều chỉnh giá điện nhằm đảm bảo giá điện thực hiện theo đúng quy định.

Ngày 3/5, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra do Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Công Thương kiểm tra việc này. “Sẽ có sớm nhất có kết luận về việc tăng giá điện như thế nào, đã thực hiện đúng chưa”, ông nói. 

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, trước khi có quyết định tăng giá điện, nhiều bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, đã đánh giá tác động khi tăng giá điện để trình lên Chính phủ; trong đó có đánh giá cả việc tăng giá điện ảnh hưởng đến các mặt hàng khác, đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), GDP như thế nào. 

“Sáng nay, đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá (Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - PV) đã có cuộc họp với các bộ liên quan (trong đó có Bộ Công Thương, Tài chính, Tư pháp, các tập đoàn), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê khẳng định chúng ta vẫn đảm bảo được CPI của tháng 4, và sẽ đảm bảo được CPI mà Chính phủ trình lên Quốc hội là dưới 4%, thậm chí là CPI sẽ đạt từ 3,3 - 3,9% trong năm 2019”, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Nói về việc đề xuất sửa biểu giá điện bậc thang, giảm bù chéo, ông Đỗ Thắng Hải cho hay, quan điểm của Bộ Công Thương là bất cứ quy định nào dù mới đưa ra nhưng thấy không hợp lý là phải kiên quyết sửa. Việc sửa phải tốt hơn trước, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo chiến lược tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả, phù hợp với thực tiễn đất nước.

Đề cập đến dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật tài liệu nhà nước của ngành Công Thương, trong đó Bộ này đề xuất đưa 2 mặt hàng xăng dầu và điện vào danh mục này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ, đây không phải là mặt hàng mà là đưa ra phương án tính toán để trình các cấp có thẩm quyền trước khi công bố chính thức.

Họp báo Chính phủ thường kỳ
Họp báo Chính phủ thường kỳ 

Xăng dầu và điện là mặt hàng có tác động lớn đến công tác kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và ảnh hưởng đời sống người dân, doanh nghiệp, dễ tác động đến lạm phát kỳ vọng trong nhân dân. Thực tế cho thấy, lạm phát kỳ vọng trong nhân dân có ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều hành và chỉ đạo thực hiện lạm phát của nhà nước, vì thế, Bộ có đề xuất đưa việc điều hành giá các mặt hàng này vào danh mục bí mật nhà nước của ngành Công Thương. 

Làm rõ hơn, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, điều chỉnh giá điện là cần thiết, nhưng phải có căn cứ khoa học, minh bạch, đánh giá tác động đầu vào hợp lý. Văn bản ban hành ra là không mật nhưng trong quá trình soạn thảo văn bản đó thì được quản lý theo nguyên tắc mật.

Thời gian qua, một số phương tiện thông tin đưa tin việc điều chỉnh mức giá bán điện và thu tiền điện gây nhiều bức xúc cho người dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua, làm rõ đúng, sai và báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2019.

Về thanh tra việc điều chỉnh giá điện, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết: sau khi Thủ tướng chỉ đạo, Thanh tra Chính phủ sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tiến hành thanh tra việc tăng giá điện trong tuần tới.

"Về tinh thần chung, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với 2 Bộ, tiến hành thanh tra, kết luận một cách chính xác, khách quan, làm rõ đúng sai trong các nội dung điều chỉnh giá bán điện, phương thức tính giá điện.  Sau khi có kết luận thanh tra, chúng tôi sẽ tiến hành công khai theo quy định", Phó Tổng Thanh tra khẳng định.

Cũng tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã trả lời về việc có những doanh nghiệp nhập một số sản phẩm như gỗ, nhôm sau đó “đội lốt”, giả xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ 3 tận dụng Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết với các nước để lẩn tránh thuế, ông Đỗ Thắng Hải cho biết, đây là việc đã được đặt ra khi chúng ta đã ký kết và khi các Hiệp định này có hiệu lực.

Việc này đòi hỏi sự phối hợp của nhiều đơn vị. Khi cấp giấy phép xuất khẩu, phải kiểm tra kỹ chứng nhận xuất xứ (CO) và phải có sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp. Nếu không cẩn thận, doanh nghiệp xuất sang các nước có thể được hưởng lợi trong thời gian rất ngắn nhưng nếu bị phát hiện sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. 

“Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp để giảm tối thiểu sự việc này”, ông nói.

Thanh Vân – Xuân Tùng/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›