Bộ GD&ĐT xây dựng Quy định mới về đánh giá học sinh tiểu học

Thứ Hai, 14/07/2014 08:13 GMT+7

Google News

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã xây dựng dự thảo Quy định đánh giá học sinh tiểu học để chuẩn bị công bố rộng rãi, xin ý kiến đóng góp.

Những điểm mới nổi bật của dự thảo là việc đánh giá học sinh đươc thực hiện thường xuyên và có sự tham gia của cả học sinh và phụ huynh, giáo viên phải cam kết và bàn giao chất lượng giáo dục…

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Phạm Ngọc Định, dự thảo được xây dựng trên nguyên tắc đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện; giúp học sinh phát huy được hết khả năng của mình; bảo đảm kịp thời, công bằng, khách quan.

Quy định mới này nhằm đánh giá toàn diện học sinh thông qua đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến kiến thức, kĩ năng và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất của học sinh theo mục tiêu giáo dục tiểu học; Kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất; Đánh giá sự tiến bộ của học sinh, không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh.

Cụ thể, với giáo viên thì căn cứ vào đặc điểm và mục tiêu bài học, của mỗi hoạt động mà học sinh phải thực hiện trong bài học sẽ tiến hành thường xuyên quan sát, theo dõi, đối thoại, phỏng vấn, kiểm tra tiến trình thực hiện nhiệm vụ và sản phẩm của học sinh, nhóm học sinh theo tiến trình bài học. Nhận định, nhận xét bằng lời nói trực tiếp với học sinh hoặc viết nhận xét vào phiếu, vở của học sinh về những nội dung đã làm hoặc chưa làm được đối với từng học sinh, nhóm học sinh; mức độ hiểu biết kiến thức; khả năng thực hiện các thao tác...

Học sinh Trường Tiểu học Lê Lợi, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang học lịch sử trên sa bàn. Ảnh: Thu Trang - TTXVN

Giáo viên phải chỉ ra nguyên nhân và biện pháp cụ thể giúp học sinh vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ trong quá trình học tập đối với những học sinh có quá trình thực hiện chưa đúng, chưa đạt yêu cầu; Quan tâm tiến độ hoàn thành nhiệm vụ học tập trong bài học của học sinh, chấp nhận sự khác nhau về thời gian, mức độ hoàn thành.

Về phía học sinh, các em có thể tự đánh giá ngay trong quá trình hoặc sau khi thực hiện từng nhiệm vụ học tập môn học, hoạt động giáo dục, báo cáo kết quả với giáo viên; học sinh tham gia nhận xét, góp ý bạn, nhóm bạn ngay trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ học tập môn học, hoạt động giáo dục; thảo luận, hướng dẫn, giúp đỡ bạn hoàn thành nhiệm vụ.

Đối với phụ huynh thì sẽ được giáo viên hướng dẫn quan sát học sinh học tập, hoạt động giáo dục hoặc cùng tham gia các hoạt động học tập, hoạt động giáo dục với học sinh, quan sát việc ứng dụng kiến thức trong cuộc sống hàng ngày của học sinh, đưa ra các nhận xét, nhận định, đánh giá học sinh bằng lời nói trực tiếp với giáo viên hoặc ghi vào phiếu đánh giá hoặc sổ liên lạc, phối hợp với giáo viên và nhà trường động viên, giúp đỡ các em học tập, rèn luyện.

Theo dự thảo mới, việc xếp loại học sinh tiểu học sẽ được đánh giá theo mức như hoàn thành hoặc chưa hoàn thành, đạt hoặc chưa đạt… Với học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học thì giáo viên phải lập kế hoạch, trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ từng học sinh; đánh giá bổ sung để xét hoàn thành chương trình lớp học.

Đặc biệt, để đảm bảo việc đánh giá học sinh là khách quan và trung thực, dự thảo mới đưa ra quy định cam kết và bàn giao chất lượng giáo dục nhằm nâng cao vai trò trách nhiệm của giáo viên; để giáo viên sẽ nhận lớp trong năm học tiếp theo có đầy đủ thông tin cần thiết về quá trình và kết quả học tập, mức độ hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh để có kế hoạch, biện pháp giáo dục hiệu quả.

Ngọc Anh - TTXVN


Đọc thêm
  • Xem thêm  ›