(Thethaovanhoa.vn) - Trong đó, một số đoạn tuyến quan trọng dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay như: Ninh Bình - Thanh Hóa - Vinh, Dầu Giây - Phan Thiết, Quảng Ngãi - Quy Nhơn…
- Nguy cơ tai nạn trên đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang
- Cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương sắp có trạm dừng nghỉ đầu tiên
Bộ GTVT đã đưa ra chương trình, lộ trình để xây dựng các đoạn tuyến nhằm nối thông tuyến cao tốc này. Theo đó, với chiều dài 1.376 km, tuyến cao tốc Bắc - Nam được chia thành 20 dự án thành phần để kêu gọi đầu tư bằng hình thức đối tác công - tư (PPP). Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành cơ bản toàn tuyến vào năm 2021.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các lãnh đạo Bộ GTVT chủ trì hội nghị. Ảnh Huy Hùng/TTXVN
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, Chính phủ đã quyết định dành hơn 40.000 tỷ đồng (đợt 1) để phục vụ đối ứng cho dự án cao tốc Bắc – Nam, nhằm đảm bảo trong năm nay, Bộ GTVT sẽ khởi công xây dựng nhiều đoạn tuyến quan trọng của dự án, sớm hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng tuyến cao tốc, đưa vào vận hành, kết nối kịp thời với các lĩnh vực vận tải khác.
Còn theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, để hoàn thành kết nối đồng bộ các phương thức vận tải, Bộ GTVT đang hoàn thiện đề án để phát triển hài hòa các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không. Hiện nay, lĩnh vực đường sắt đang được tập trung phát triển, nhất là việc tăng số lượng đội tàu hàng hóa để giảm tải cho đường bộ. Vừa qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã thực hiện thành công việc giảm thời gian chờ tàu từ 90 tiếng xuống còn 54 tiếng và thị phần của vận tải đường sắt đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là vận tải container.
Ở lĩnh vực đường thủy nội địa, Bộ GTVT sẽ tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể, phía Nam sẽ tập trung đầu tư vào khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhằm tăng cường tuyến vận tải Việt Nam - Campuchia; dự án luồng sông Hậu giai đoạn II; dự án nạo vét kênh Chợ Gạo và hệ thống cho các cảng lớn như: Cái Mép - Thị Vải, Tân Cảng - Hiệp Phước đáp ứng tàu 50.000 tấn có thể ra vào. Khu vực phía Bắc đầu tư thông tuyến Thái Bình - Hà Nội - Vĩnh Phúc - Lào Cai, đồng thời cải thiện hệ thống vận tải thủy trên sông Hồng.
Sơ đồ cao tốc Bắc Nam. Ảnh: Bộ GTVT
Lĩnh vực hàng không, Bộ GTVT sẽ tăng cường đầu tư mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đáp ứng năng lực phục vụ 40 - 50 triệu hành khách/năm; mở rộng đường lăn, sân đỗ sân bay Nội Bài; Tiếp tục đầu tư mở rộng các sân bay: Đà Nẵng, Cát Bi… và chủ động lộ trình phát triển đội bay phù hợp với hạ tầng, chứ không thể phát triển nóng như hiện nay, để các sân bay có thể đáp ứng được năng lực vận tải.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: Năm 2017, Bộ GTVT tiếp tục chủ động đối thoại, tiếp xúc, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vận tải, để chung tay góp sức kéo giảm chi phí vận tải, phục vụ người dân.
Nhận định công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết thêm, từ ngày 16/12/2015 - 15/12/2016, cả nước xảy ra 21.589 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.685 người, làm bị thương 19.280 người. So với năm 2015, giảm 1.261 vụ (giảm 5,52%), giảm 43 người chết (giảm 0,49%), giảm 1.792 người bị thương (giảm 8,5%); TNGT trên toàn quốc giảm cả ba tiêu chí, ngành hàng không dân dụng là năm thứ 19 duy trì không để xảy ra tai nạn. Mặc dù tình hình TTATGT trên địa bàn cả nước tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; TNGT tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy TNGT đang có diễn biến phức tạp đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường thủy nội địa; tình hình ùn tắc giao thông ở hai thành phố lớn vẫn có xu hướng gia tăng… Do đó, trong năm 2017, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu các cơ quan, ban ngành liên quan đảm bảo mục tiêu phấn đấu giảm 5 - 10% số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương.
Thông báo kết quả công tác giải ngân năm 2016 của Bộ GTVT, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, đến hết tháng 6/2016, các nguồn vốn NSNN và TPCP đã giải ngân được 13.194 tỷ đồng trên tổng số 45.466 tỷ đồng kế hoạch được, đạt 37,3% năm 2016. Để thực hiện tốt hơn công tác này trong năm 2017, Thứ trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu các cơ quan của Bộ khẩn trương triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch năm 2017, các chủ đầu tư/Ban QLDA phải kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô, cơ cấu tổng mức đầu tư của dự án đã được phê duyệt; theo dõi chặt chẽ chi phí dự án, xác định chính xác nhu cầu sử dụng vốn của dự án để xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng tháng trong năm kế hoạch, đề xuất điều hòa, điều chỉnh kế hoạch kịp thời, tránh lãng phí vốn đầu tư.
Theo Báo Tin tức
Tags