Real Madrid đang tiến những bước chậm chạp trong giai đoạn đua nước rút đến chức vô địch La Liga, khi để Betis cầm hòa không bàn thắng trên sân Alfredo Di Stefano.
Những hy vọng vẫn còn, nhưng trận hòa 0-0 với Betis phản ánh rõ về bộ mặt khác của Real Madrid, phụ thuộc quá nhiều vào một vài cá nhân, cùng hạn chế nhân sự.
Sự bế tắc của Real Madrid
Ở vòng 30 La Liga, Real Madrid có trận “El Clasico” tuyệt hay khi thắng Barcelona 2-1. Đấy không chỉ là chiến thắng về mặt kết quả, mà còn thể hiện sự vượt trội của Real Madrid về chiến thuật, cũng như tâm lý. Tuy nhiên, trong 3 vòng đấu sau “El Clasico”, đội bóng của Zinedine Zidane thể hiện bộ mặt hoàn toàn khác, không áp đảo đối thủ và thiếu sắc bén khi tấn công.
Trong 3 vòng gần nhất, Real Madrid đánh rơi 4 điểm. Kịch bản chung khiến nhà ĐKVĐ mất điểm là tỷ số hòa 0-0, diễn ra trước Getafe và mới nhất là Betis. Tính trên mọi mặt trận, Real không ghi bàn 3/4 trận đấu vừa qua, từ sau khi thắng Barca. Trận hòa 0-0 với Liverpool là kết quả chấp nhận được, khi trước đó “Zizou Team” thắng trận lượt đi 3-1. Kết quả hòa với Getafe và Betis thực sự là vấn đề khiến Zidane có lý do để lo lắng.
“Los Merengues” đang thi đấu rất bế tắc, khi chỉ tạo được 7 pha bóng có thể thành bàn trong 4 trận vừa qua. 5 trong số này diễn ra trước Cadiz, và Real tận dụng thành công để ghi 3 bàn. 3 bàn thắng trong 10 phút, khiến Cadiz hoàn toàn sụp đổ. Theo thống kê, trước Getafe và Betis, Real không tạo ra được cơ hội có khả năng thành bàn. Trong khi đó, mức trung bình của họ từ đầu mùa là 2,6 cơ hội/trận.
Trong 3 trận La Liga vừa qua, Real Madrid có trung bình 3,67 pha dứt điểm chính xác mỗi trận. Tỷ lệ này thấp hơn đáng kể so với trung bình 4,63 cú sút chính xác mà họ đạt được trước đó. Kết quả, số trận hòa không bàn thắng của Real trong 3 vòng vừa qua tương đương với 30 vòng trước đó. Quá ít cơ hội, để rồi có rất ít bàn thắng xuất hiện.
Sự chững lại này khiến Real đang là đội hòa nhiều nhất trong Top 4 La Liga (8 trận), có tỷ số hòa 0-0 diễn ra nhiều nhất (4).
Những hạn chế của Real Madrid
Sự bế tắc mà “Los Merengues” đang trải qua gắn với việc Toni Kroos vắng mặt. Ban đầu, Kroos bị mỏi cơ. Đây là dấu hiệu của sự quá tải, và Zidane để anh dự bị hoàn toàn trong trận đấu với Getafe. Trong 2 trận sau, Kroos không được triệu tập. Việc tiền vệ người Đức ngồi ngoài khiến Real mất đi rất nhiều gải pháp tấn công.
Toni Kroos là nhân tố chính để triển khai bóng ở Real Madrid. Trong vai trò tiền vệ tổ chức, anh đưa ra 8 pha kiến tạo thành bàn. Ở La Liga, không tiền vệ trung tâm nào có thể sánh cùng Kroos về hiệu suất này. Marcos Llorente của Atletico có 10 pha kiến tạo, nhưng thiên về tấn công và thường đá như tiền đạo lùi. Theo La Liga, Kroos có tỷ lệ chuyền bóng thành công trên phần sân đối phương cao nhất, đạt 92,29%.
Real Madrid phụ thuộc vào Kroos, và số bàn thắng dựa rất nhiều nơi Karim Benzema. Cảm hứng của tiền đạo người Pháp là chìa khóa để mang về bàn thắng. Đây là mùa thứ 3 liên tiếp Benzema đạt 21 bàn ở La Liga. Dù vậy, mùa này anh mới tham dự 29 trận (hai mùa trước 37 và 36 trận). Khi Benzema bị kèm chặt, Real thiếu giải pháp tạo đột biến.
Vinicius có những trận rất hay, nhưng tính ổn định không cao để có thể gánh vác nhiệm vụ ghi bàn. Bên cạnh đó, Vinicius thiên về đá cánh và đua tốc độ hơn là kỹ năng dứt điểm. Rodrygo thì đang tụt lùi so với chính anh. Sau 18 trận Liga mùa này, Rodrygo vẫn chưa ghi bàn. Anh chỉ thực hiện được 11 cú sút. Trong trận hòa Betis (đội đầu tiên không thủng lưới 4 trận liên tiếp khi làm khách của Real, tổng cộng 370 phút, trong lịch sử 119 năm CLB Hoàng gia Tây Ban Nha), Rodrygo có tình huống đưa bóng đi trúng xà ngang (Real là đội có nhiều pha bóng trúng xà ngang hoặc cột dọc nhất La Liga – 20 lần). Dù vậy, đấy là pha một pha chuyền hỏng, chứ không phải chủ động dứt điểm.
Sự vắng mặt của đội trưởng Sergio Ramos cũng phần nào ảnh hưởng đến Real Madrid. Không có Ramos, tinh thần chiến đấu phần nào giảm. Ít nhất là nỗ lực chiến đấu để tìm kiếm bàn thắng những phút cuối. Điều này cũng thể hiện điểm hạn chế lớn nhất của Real trong mùa giải: Nhân sự ít, nhưng tỷ lệ dính chấn thương quá cao.
Real Madrid chững lại ngay thời điểm chuẩn bị đấu Chelsea – đội bóng đang phòng ngự tốt nhất châu Âu tính từ thời điểm Thomas Tuchel xuất hiện. Một lần nữa, các Madridista chờ đợi “phù thủy” Zidane tạo ra phép màu.
Tín hiệu tích cực từ Hazard Trong trận hòa Betis, không phải mọi thứ đều thất vọng. HLV Zidane thể hiện sự hài lòng về màn tái xuất của Eden Hazard, kể từ ngày 13/3. “Tôi đã nhìn thấy cậu ấy với tia lửa, với năng lượng. Cảm giác tốt, và cậu ấy không còn dấu hiệu khó chịu”, Zidane khen ngợi sau trận đấu. Hơn ai hết, Zizou là người tin tưởng và chờ đợi Hazard nhiều nhất. Hazard chỉ vào sân từ phút 77, thay Asensio. Quỹ thời gian ít ỏi, nhưng Hazard kịp để lại dấu ấn nhất định. Cầu thủ người Bỉ có 12 đường chuyền, với 11 đi chính xác. Nổi bật hơn là sự tự tin của anh trong các tình huống cầm bóng. Hơn nữa, các pha xử lý của Hazard tiềm ẩn tính nguy hiểm cao, cũng như khá ăn ý với Benzema. Khả năng Hazard đá chính trước Chelsea không cao. Nhưng anh mang đến giải pháp quan trọng để Zizou tìm kiếm lợi thế trong trận lượt đi bán kết Champions League. |
Ngọc Huy
Tags