(Thethaovanhoa.vn) - Không có chính sách thuế mới nào đối với thị trường ô tô vào ngày 14/6 tới đây. Đơn giản 14/6 chỉ là ngày khánh thành khu nhà máy sản xuất ô tô Vinfast. Nhưng sự kiện này được dự báo sẽ có những tác động mạnh tới diện mạo ngành công nghiệp ô tô cũng như thị trường ô tô Việt Nam.
Thay đổi vị thế Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á
Với công suất giai đoạn I là 250.000 xe/năm, Vinfast sẽ là nhà máy sản xuất ô tô có qui mô lớn nhất ở Việt Nam hiện nay. Một vài con số để so sánh: khánh thành năm 1995, Toyota Việt Nam là nhà máy sản xuất ô tô đầu tiên ở trong nước với qui trình khép kín: Hàn dập thân vỏ-Sơn-Động cơ-Lắp ráp-Kiểm tra, tuy nhiên hiện nay, sau vài lần mở rộng, nhà máy mới đạt công suất 60.000 xe/năm, dự kiến tăng lên 90.000 xe/năm vào năm 2023.
Hiện nhà máy có lớn nhất của một thương hiệu tại Việt Nam là Vina-Mazda thuộc tập đoàn Thaco, cũng là nhà máy Mazda lớn nhất khu vực Đông Nam Á, mới khánh thành năm ngoái, với công suất chỉ 50.000 xe/năm, có thể mở rộng lên 100.000 xe/năm. Như vậy, tính đến trước 14/6 năm nay, tổng sản lượng từ các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (không tính xe tải) vào khoảng 300.000 xe/năm. Khi nhà máy Vinfast hoà chung, con số này sẽ tăng gần gấp đôi.
Đáng nói hơn, với công suất hơn 500.000 xe/năm, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ nhanh chóng vươn lên vị trí thứ ba tại khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan và Indonesia (đều ở mức trên dưới 2 triệu xe/năm). Và đến giai đoạn 2, khi các nhà máy Vina Mazda, Toyota, Mitsibishi, Hyundai, Vinfast cùng mở rộng qui mô và công suất, thì lượng xe hơi sản xuất trong 1 năm tại Việt Nam có thể đạt hơn 931.000 xe.
Thừa xe bán trong nước, rồi bán đi đâu?
Theo tính toán từ thu nhập bình quân đầu người và số xe trung bình trên 1.000 dân đạt 50 xe, thì nhu cầu tiêu dùng xe hơi trong nước sẽ đạt 450.000-500.000 xe vào năm 2020 (nghĩa là ngay sang năm), đến năm 2025 là 800.000-900.000 xe và khoảng 1,5 triệu-1,8 triệu xe vào năm 2030. Con tính này khá đi gần thực tế khi số lượng xe ô tô mới bán ra của riêng các thành viên VAMA trong năm 2018 đã đạt gần 290.000 xe, nếu tính thêm các thành viên ngoài VAMA và xe nhập khẩu, con số này có thể ở mức trên 350.000 xe.
Như vậy, nếu chỉ dựa vào công suất của các nhà máy lắp ráp trong nước, sự bổ sung tới gần 50% công suất của nhà máy Vinfast trong giai đoạn 1 và tăng gấp đôi trong giai đoạn 2 được xem như hoá giải cán cân giữa sản xuất và tiêu thụ ô tô trong nước, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng Việt có thể hoàn toàn sử dụng ô tô sản xuất trong nước thay vì mua xe nhập khẩu!
Tuy nhiên các tính toán này hoàn toàn trên lý thuyết. Trên thực tế, nhu cầu thị trường vô cùng đa dạng và sự lựa chọn hoàn toàn nằm trong tay các thượng đế. Chất lượng xe, sự đa dạng về chủng loại và hấp dẫn về giá nằm trong Top sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng. Mặt khác, ngành sản xuất đóng khung ở thị trường trong nước sẽ là ngành sản xuất chết. Ngay trước khi khánh thành nhà máy Vinfast, hãng này đã tiết lộ mục tiêu xuất khẩu tới thị trường Nga và Đông Âu.
Có thể nói đây là một hướng mở nhiều tiềm năng thay vì thị trường khu vực hiện Thái Lan và Indonesia đang nắm giữ phần lớn thị phần và có ưu thế về tỉ lệ nội địa hoá (Thái Lan là 85%, Indonesia là 75% vào tháng 6/2018 trong khi tỷ lệ nội địa hoá trung bình ở Việt Nam chỉ khoảng 10%). Hiện nay Thái Lan sản xuất gần 2 triệu xe hơi/năm nhưng tiêu thụ trong nước chỉ xấp xỉ 900.000 xe. Indonesia đang đặt mục tiêu sẽ câng bằng giữa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu 50-50 (hiện mức tiêu thụ trong nước của Indo là khoảng 1,1 triệu xe/năm). Trong khi đó, với Hiệp định liên minh kinh tế Á-Âu, đến năm 2026 thuế đối với ô tô xuất/nhập khẩu Việt Nam-Nga, Belarus sẽ về 0%.
Với người tiêu dùng Việt, có thể, sự kiện 14/6 tới đây đơn giản sẽ chỉ là sự có mặt sớm của những chiếc xe Fadil, Lux A2.0, Lux SA2.0. Nhưng hơn thế, một diện mạo mới của ngành công nghiệp cũng như thị trường ô tô Việt Nam sẽ được mở ra.
Phan Ka
Tags