(Thethaovanhoa.vn) - Trong tiếng Latin, Amadeus có nghĩa là “tình yêu của thánh thần”, hay nói cách khác, là người được thần linh ân sủng. Thật thích hợp làm sao khi Peter Shaffer chọn cái tên này cho vở kịch năm 1979 của ông về Wolfgang Amadeus Mozart, mà sau đó đạo diễn Milos Forman và ông đã cộng tác để làm nên bộ phim năm 1984 đi vào lịch sử - Amadeus.
Nhìn từ quan điểm của Antonio Salieri - nhà soạn nhạc của triều đình Venice, người khát khao ân sủng của Chúa, câu chuyện bắt đầu bằng lời thú tội của người đàn ông này khi đã ở tuổi bóng xế, méo mó giữa ngưỡng mộ, ghen tị và hối hận.
Thù hận trong ngưỡng mộ
Dù mang tên Amadeus, phim không theo chân nhà soạn nhạc vĩ đại mà là về sự ghen tị của Salieri, người tuy cũng có chút tài năng nhưng vẫn là thảm hại vô cùng trước đối thủ thiên tài, và do đó, chỉ còn biết oán trách Chúa sao nỡ mang món quà đó cho kẻ khác.
Với tư cách là một bộ phim lịch sử thì có không ít phim xác thực hơn Amadeus, nhưng với tư cách phim điện ảnh, lại ít có phim nào vượt Amadeus về độ huy hoàng và thú vị của nó.
Nhà sản xuất độc lập huyền thoại Saul Zaentz - người nổi tiếng biến những tác phẩm văn học “không thể làm phim” thành nhưng bộ phim đoạt nhiều giải thưởng như: Unbearable Lightness Of Being (Đời nhẹ khôn kham) của Milan Kundera hay The English Patient (Bệnh nhân người Anh) của Michael Ondaatje đã tái hợp với “đồng đội” trong One Flew Over The Cookoo’s Nest (Bay trên tổ chim cúc cu) là Forman để sản xuất Amadeus.
Zaentz cũng ủy quyền cho chính Shaffer chuyển thể vở kịch của ông thành kịch bản phim. Kết hợp chặt chẽ với Forman, Shaffer phát triển vở kịch thành bộ phim đòi hỏi phông cảnh, sân khấu rất công phu và đặc biệt chỉ dùng nhạc Mozart ở cả âm thanh trong và ngoài ranh giới truyện kể.
Từ góc nhìn của hãng phim, tác phẩm của Zaentz và Forman về một nhà soạn nhạc cổ điển thế kỷ 18 không mang tới sự tin tưởng xác tín vì chủ đề không thuộc dạng mồi câu phòng vé. Thế nhưng, kết quả là khán giả nườm nượp kéo đến xem và bộ phim đã càn quét giải Viện Hàn lâm năm 1985 với 8 giải Oscar, bao gồm giải cho Phim, Đạo diễn, Kịch bản chuyển thể, Thiết kế trang phục, Chỉ đạo nghệ thuật, Hóa trang, Hòa âm và Diễn viên xuất sắc nhất.
Có lẽ khán giả vẫn còn vương vấn mãi bộ phim sau khi xem vì nó không phải nỗ lực thấu hiểu món quà hay tài năng vô song mà là sự ngưỡng mộ tới từ sự phẫn nộ và thù địch; và do đó, đáng tin cậy hơn.
Amadeus mở đầu bằng cảnh tự sát. Antonio Salieri già nua đã lấy dao cạo cứa mình khi cảm giác tội lỗi kéo dài bao năm vì gây ra cái chết cho thần tượng của mình - Mozart. Bị giam giữ trong dưỡng trí viện, ông đã kể lại câu chuyện của mình như một lời thú tội trước linh mục.
Trong phim, Salieri ngày nhỏ đã cầu xin Chúa hãy ban cho mình món quà tài năng và theo ông là lời thỉnh cầu đã được đáp. Từ đó, ông hết mình sống tinh khiết, tiết chế và nhất là nỗ lực viết nhạc để đền đáp Đấng toàn năng.
Khi Salieri là nhà soạn nhạc cho Hoàng đế Joseph II, ông đã nghe danh tiếng và hâm mộ Mozart nên tự hỏi một người như vậy sẽ thế nào. Tin tưởng rằng Mozart cũng được nhận quà từ Chúa, Salieri mường tượng đó hẳn cũng là người sống thánh thiện, đức độ. Nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại: Mozart vô cùng trẻ con, nghịch ngợm và quá sức vô đạo đức (theo quan điểm của Salieri).
Ban đầu, Salieri chỉ hoài nghi về sự lựa chọn của Chúa, nhưng sau đó, sự thiếu thốn đạo đức của Mozart trở thành nỗi sỉ nhục với ông. Salieri quyết định bắt thứ âm nhạc do sự lựa chọn sai lầm của Chúa phải câm bặt bằng cách tận diệt Mozart dù ngưỡng mộ anh.
Những sai lệch về lịch sử
Forman đã không tiếc công dàn dựng những cảnh xa hoa tới từng chi tiết, để riêng về mặt thị giác, phim đã là kỳ quan với khán giả, ngay cả khi nó không đúng về mặt lịch sử. Tóc giả hồ bột lộng lẫy hơn đời thực và các trang phục cầu kỳ của Theodor Pistek đã nắm bắt được xu hướng phô trương của thời kỳ này, nhưng vẫn là phóng đại so với phong cách của Vienna thế kỷ 18 khi vay mượn phong cách Pháp bất hủ của Marie Antoinette, chị gái Joseph II.
Nhà quay phim Miroslav Ondricek đã quay các cảnh đêm dưới ánh nến những vẫn vô cùng rõ nét và “điện ảnh”. Forman đã quay phim ở bản quán của mình là Czechoslovakia, tại Prague, nơi không giống các thành phố hiện đại khác ở châu Âu, vẫn giữ kiến trúc phù hợp với mong muốn về hình ảnh châu Âu nhiều thế kỷ trước. Họ chỉ phải sửa đổi một số bối cảnh như nhà hát kịch hay căn hộ của Mozart. Rạp Estates ở Prague dùng để quay một vài cảnh opera chính là địa điểm Mozart từng ra mắt với Don Giovanni và La Clemenza Di Tito vào năm 1787 và 1791.
Nhưng từ quan điểm lịch sử, kịch bản của Shaffer đã bỏ qua những chi tiết chuẩn xác và thay vào đó, kể câu chuyện hấp dẫn với những khoảnh khắc có lẽ chưa từng thật sự xảy ra. Từ những mẩu lịch sử vụn vỡ, nhân cách của các nhân vật lịch sử bị phóng đại lên hoặc sáng tạo hoàn toàn nhằm cộng hưởng với kịch tính của câu chuyện.
Ví dụ như đoạn Salieri dùng vị thế của mình để ngăn không cho Mozart có được người học trò giàu có là Công chúa Wurttemberg, và do đó, mất đi nguồn thu nhập rất cần thiết của nhà soạn nhạc thiên tài nhưng nghèo đói. Tuy nhiên, theo hồ sơ lịch sử, Mozart đã ứng cử vào vị trí đó nhưng Salieri là người được chọn nhờ là giáo viên luyện thanh có danh tiếng.
Trong phim, Salieri đã cố tình chọn một nhà soạn nhạc khác trong danh sách ứng cử. Hoặc trong một đoạn khác, phim cho thấy ca sĩ Caterina Cavalieri có tình cảm với Mozart khiến Salieri, người phải kìm nén tình cảm vì lời hứa giữ mình, ghen tuông. Trên thực tế, sự trong sáng của Salieri chỉ là sản phẩm sáng tạo của Shaffer và các nhà sử học không chút nghi ngờ là Salieri đã ăn nằm với nữ ca sĩ.
Sai lệch lớn hơn là chi tiết Salieri, khi nhận ra sự chi phối của người cha mới chết lên Mozart, đã mặc trang phục nhân vật tượng trưng cho người cha để đến gặp Mozart và thuê viết một khúc cầu hồn. Salieri mưu đồ sẽ dùng chính bản cầu hồn này trong tang lễ của Mozart và nhận là tác phẩm của mình.
Theo Viện bảo tàng Âm nhạc Venice, chủ nhân đơn đặt hàng thật ra là bá tước Franz von Walsegg, một địa chủ giàu có. Ông này muốn sáng tác nhạc cầu hồn cho vợ mình và do vốn tiếng Đức không tốt nên đã nhờ một người hàng xóm tới nói chuyện với Mozart.
Tuy nhiên, tất cả chỉ là tiểu tiết so với sai lệch nằm ở chính nhân vật Mozart. Mặc dù nhiều bằng chứng cho thấy Mozart có ham thích quá mức nhưng không có tài liệu nào cho thấy ông hành xử như một đứa trẻ ngỗ nghịch với nụ cười chói tai giống trong phim.
Ngay cả cách Mozart chỉ huy các buổi diễn cũng đã được làm cho kịch tính thêm. Opera thế kỷ 18 không được chỉ huy bởi một nhạc trưởng duy nhất đứng ở trung tâm phía trước. Thay vào đó, trưởng dàn nhạc chỉ dẫn cho dàn nhạc còn nhạc trưởng chơi fortepiano ở bên cạnh. Trái với lịch sử, Mozart trong phim ở vị trí từ dàn nhạc nhìn lên, khi tươi vui phấn khởi khi thẫn thờ rầu rĩ, là hình ảnh không thể xóa nhòa trong Amadeus. Chưa kể, nguyên nhân cái chết của Mozart hiện vẫn là một tranh cãi trong lịch sử.
- 'Chat với Mozart II': Sự trở lại đầy năng lượng của Mỹ Linh
- Beethoven đã vượt Mozart để trở thành nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất
Chỉ ra những sai lệch lịch sử không phải để hạ thấp kịch bản của Shaffer hay sản xuất của Forrman, mà chỉ để thấy bộ đôi này đã khéo léo điều khiển lịch sử thành một câu chuyện đầy tính nghệ thuật và nhân văn. Ngoài ra, có một lịch sử mà bộ đôi đã giữ được trọn vẹn: Âm nhạc kỳ diệu của Mozart. Trên cả phông nền hoa mỹ, điều khéo léo nhất mà Forman và Shaffer làm được là cách cẩn trọng đặt nhạc Mozart vào âm thanh ngoài ranh giới chuyện kể, chọn những tác phẩm định nghĩa không chỉ một khoảnh khắc đó trong phim mà còn tôn vinh thiên tài của Mozart.
Dù vậy, bất chấp tính nghệ thuật tràn ngập Amadeus đã được các nhà phê bình công nhận rộng rãi (được đề cử 53 giải lớn, thắng 40), phim vấp phải những chỉ trích nặng nề từ phía nhiều người hâm mộ nhạc cổ điển. Có lẽ họ cũng không vô lý bởi Salieri trong lịch sử là thầy dạy của Franz Liszt, Franz Schubert, Ludwig van Beethoven và chính con út của Mozart; là nhân vật có vai trò quan trọng trong sự phát triển của opera cuối thế kỷ 18; và nhất là, không có bằng chứng nào về chuyện Salieri giết Mozart.
Năm 2002, Forman và Warner Bros. đã tiết lộ một số cảnh bị cắt khỏi phim, khôi phục 20 phút nhạy cảm. Trong đoạn cắt này, một lần nữa có thể thấy Salieri đã trở nên xấu xa như thế nào. Khi vợ Mozart, một người con gái vô tư lự nhưng không kém phần tinh tế, tới xin Salieri trao cho chồng mình vị trí thầy giáo của Công chúa Wurttemberg, Salieri đã đề nghị cô hiến mình vì chồng. Bất đắc dĩ, Constanze đồng ý và trở lại trong đêm đó để gặp Salieri. Cô cởi đồ và đứng trước Salieri. Salieri nhìn cô một lúc rồi gọi người hầu hộ tống Constanze ra ngoài. Điều này giải thích tại sao Constanze không muốn Salieri giúp Mozart trên giường bệnh và nói gia đình không có người hầu để dẫn Salieri ra, một điểm trở nên mù mờ trong phiên bản ra rạp. |
Thư Vĩ (Tổng hợp)
Tags