Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các cơ quan về việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 6 tháng đầu năm 2024.
Theo đó, chính sách giảm 2% thuế suất thuế thuế giá trị gia tăng dự kiến được kéo dài tới hết tháng 6 năm 2024, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Cụ thể thời gian áp dụng từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024.
Bộ Tài chính cho biết, nếu được Quốc hội thông qua giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2024, nguồn thu ngân sách nhà nước dự kiến giảm khoảng 25.000 tỷ đồng (khoảng 4.175 tỷ đồng/tháng; trong đó, giảm thu khâu nội địa là 2.700 tỷ đồng; giảm thu khâu nhập khẩu khoảng 1.475 tỷ đồng).
Số liệu trên được Bộ Tài chính tính toàn trên cơ sở dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước ở khâu nội địa trong 6 tháng cuối năm 2023 (bình quân mỗi tháng là khoảng 2.550 tỷ đồng), giả định tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng 6 - 6,5%, tốc độ tăng trưởng thu ngân sách nhà nước năm 2024 khoảng 5 - 7%.
Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán ngân sách nhà nước, theo Bộ Tài chính, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế.
Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong ngành quản lý thu ngân sách nhà nước, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.
Theo Bộ Tài chính, COVID-19 xảy ra đã gây hậu quả nặng nề và kéo dài, tác động đến mọi mặt kinh tế đời sống, kinh tế, xã hội. Trong giai đoạn 2020 - 2023, các chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế ở mức lớn chưa từng có. Từ năm 2020 đến nay tổng trị giá của các giải pháp miễn giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, phí, lệ phí và tiền thuê đất) đã lên đến khoảng 700.000 tỷ đồng. Riêng năm 2023 khoảng 196.000 tỷ đồng và tính đến tháng 9 năm 2023 đã thực hiện khoảng 152.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, sau thời gian dài chống chịu với COVID-19, doanh nghiệp trong nước đang trong quá trình phục hồi nên hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn. Số doanh nghiệp ra khỏi thị trường hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng đến 19,9% so với 9 tháng năm 2022. Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu giảm 13,8%, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.223,8 nghìn tỷ đồng, bằng 75,5% dự toán năm.
Trước đó, ngày 10/10/2023, Văn phòng Chính phủ có công văn số 7866/VPCP-KTTH về đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng 6 tháng đầu năm 2024. Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính tại công văn số 10830/BTC-CST và giao: "Bộ Tài chính khẩn trương tổng hợp nội dung đề xuất trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định trong thời gian giữa 2 kỳ họp Quốc hội nếu tình hình kinh tế và doanh nghiệp vẫn còn khó khăn vào Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024".
Tags