(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 16/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã đến kiểm tra công tác phòng chống bão số 4 tại huyện Cát Hải và quận Đồ Sơn, Hải Phòng.
- Bão số 4 mạnh lên giật cấp 12 đã đi vào phía Đông vịnh Bắc Bộ
- Hà Nội lập nhiều phương án chống bão số 4, giữ an toàn đê tả sông Bùi
- Bão số 4 đang mạnh lên, miền Bắc, miền Trung mưa rất lớn
Lúc 10 giờ ngày 16/8, vị trí tâm bão số 4 ngay trên đảo Bạch Long Vĩ, cách Móng Cái 180 km, cách Nam Định 180 km, cách Vinh 290 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 120 km tính từ tâm bão. Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 4 di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km. Từ đêm 16/8, vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Đến 10 giờ ngày 17/8, vị trí tâm bão ở khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Bắc Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110 km tính từ tâm bão. |
Sau khi kiểm tra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá, nhìn chung các địa phương thực hiện tích cực chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Bộ trưởng lưu ý, các địa phương cần xác định đây là cơn bão nguy hiểm, có khả năng đổ bộ trong phạm vi rộng, tác động đến nhiều đối tượng hoạt động kinh tế. Tinh thần chung của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai là không chủ quan; huy động lực lượng nòng cốt, các thành phần kinh tế, người dân cùng tham gia ứng phó bão.
Bên cạnh đó, hoàn lưu gây mưa của cơn bão này rất lớn, sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc, bắc Trung bộ. Do đó, đối với các tỉnh, thành có biển, cần nâng cao cảnh giác, rà soát, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê biển, đới bờ và hoạt động kinh tế. Đồng thời cần kiểm tra phương án phòng chống sạt lở khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ, đặc biệt là những công trình hạ tầng, công trình dân sinh; kiểm tra hệ thống hồ đập thủy lợi, thủy điện; chú trọng bảo vệ diện tích lúa vùng thấp khu vực đồng bằng sông Hồng.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng, đã thông báo cho 3.099 phương tiện với 11,458 lao động đang hoạt động trên biển, chủ 450 lồng bè với 1.239 lao động, chủ 299 chòi canh với 290 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
Ủy ban nhân dân quận Đồ Sơn cho biết, đã chủ động các phương án phòng chống bão số 4 để bảo vệ 400 ha lúa mùa vụ, 13 ha diện tích rau hè thu, 128 ha cây ăn quả và 489 ha nuôi trồng thủy sản. Các phương án sơ tán dân, huy động nguồn lực, các công trình dự án xung yếu đều đã được quận chuẩn bị sẵn sàng.
Lúc 10 giờ ngày 16/8, vị trí tâm bão số 4 ở vào khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, ngay trên đảo Bạch Long Vĩ, cách Móng Cái 180 km, cách Nam Định 180 km, cách Vinh 290 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100 km/giờ), giật cấp 12. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 120 km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 4 di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km. Từ đêm 16/8, vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Đến 10 giờ ngày 17/8, vị trí tâm bão ở khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Bắc Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110 km tính từ tâm bão.
Do ảnh hưởng của bão số 4, vịnh Bắc bộ tiếp tục có mưa bão, gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12. Ở huyện đảo Bạch Long Vĩ gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12; huyện đảo Cô Tô gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Sóng biển trên vịnh Bắc Bộ cao từ 4-6m, biển động rất mạnh.
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (vùng gió mạnh cấp 6 trở lên) gồm toàn bộ vùng biển Bắc vịnh Bắc bộ (Bắc vĩ tuyến 18,5 độ Vĩ Bắc).
Từ tối 16/8 trên đất liền khu vực ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An có gió mạnh dần lên cấp 6-7, đêm tăng lên cấp 8, giật cấp 10; riêng Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Thanh Hóa có gió bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão số 4 di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 km đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22 giờ ngày 17/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 104,0 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt-Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8.
Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Cảnh báo mưa lớn, từ ngày 16-18/8, các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa to đến rất to (lượng mưa 250-350mm/đợt), trọng tâm mưa rất to tập trung ở khu vực Đông Bắc, đồng bằng và trung du Bắc bộ, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An; riêng Hòa Bình, Thanh Hóa có khả năng mưa đặc biệt to (400-500mm/đợt). Thủ đô Hà Nội có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 200-300mm/đợt).
Từ 16-18/8, ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình, sông Hoàng Long từ 2-4m, các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An từ 3-7m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Đà, sông Thao, sông Hoàng Long, sông Bùi và sông Mã có khả năng lên mức báo động 2-báo động 3, riêng sông Bưởi lên mức báo động 3 và trên báo động 3; thượng lưu sông Thái Bình ở mức báo động 1.
Nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi Bắc bộ và Bắc Trung bộ đặc biệt tại các tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An. Ngập úng tại các vùng trũng, thấp và các đô thị thuộc khu vực đồng bằng Bắc bộ, Thanh Hóa, Nghệ An. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất cấp 2.
Minh Thu - TTXVN
Tags