(Thethaovanhoa.vn) - Trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 13/8, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã thông tin nhiều nội dung liên quan đến hoạt động tín dụng đen; tội phạm sử dụng công nghệ cao, đánh bạc qua mạng, tội phạm có tổ chức, nhất là liên quan đến một số hành vi vi phạm pháp luật của một số sỹ quan, tướng lĩnh thuộc lực lượng trong thời gian qua.
- Thủ tướng trả lời chất vấn về trả lương hưu cho người lao động bị tù giam, buộc thôi việc trước ngày 1/1/1995
- Trực tiếp Quốc hội chất vấn về quản lý đất đai và việc làm
- Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Chất vấn thành viên Chính phủ 4 nhóm vấn đề
Chất vấn tại phiên họp, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết, nhân dân và cử tri rất bức xúc về tình hình phạm tội có tổ chức liên quan đến một số hành vi vi phạm pháp luật của một số sỹ quan, tướng lĩnh Bộ Công an thời gian qua, điển hình như vụ Vũ "nhôm."
Đại biểu chất vấn, sau vụ Vũ "nhôm," Bộ Công an đã rà soát, kiểm tra xem còn tổ chức kiểu Vũ "nhôm" hay không? Bộ đã có giải pháp thế nào tránh tình trạng xuất hiện Vũ "nhôm" trong thời gian tới?"
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, vụ Vũ "nhôm" có liên quan 5 vụ án mà Bộ Công an đã khởi tố điều tra và đã đưa ra xét xử vụ thứ nhất về tội "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước," trong đó có liên quan đến một số tướng lĩnh Công an đã bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Nhấn mạnh đây là bài học rất lớn trong công tác quản lý cán bộ, bài học rất đắt giá cho lực lượng công an, Bộ trưởng Tô Lâm cũng khẳng định "chắc chắn sẽ không còn tình trạng các đối tượng, tổ chức lợi dụng chức năng, quyền hạn để vi phạm. Chúng tôi đã làm và có giải pháp chính là không để xảy ra những vụ tương tự như Vũ "nhôm," nội bộ ngành Công an đã rà soát, chấn chỉnh tình trạng này."
Chất vấn tại phiên họp, đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình) nêu lên thực trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao bị phát hiện ngày càng nhiều và diễn biến ngày càng phúc tạp, gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ của lãnh đạo cấp cao ngành công an dẫn đến sự bất bình trong xã hội và làm giảm uy tín ngành công an, cụ thể là đường dây đánh bạc xuyên quốc gia với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Từ đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng này.
Bộ trưởng Công an cho biết, về vụ cờ bạc trên mạng, đây là vụ án Bộ Công an tập trung đấu tranh một thời gian dài. Sau đó, Công an tỉnh Phú Thọ cũng phát hiện 1 mảng của vụ án này nên Bộ Công an quyết định giao cho Công an tỉnh Phú Thọ tập trung điều tra và phá vụ án này.
"Trong vụ án này có liên quan đến một số cán bộ ngành Công an, đây là một bài học xương máu trong lực lượng, nguyên nhân do cán bộ không chịu rèn luyện, bị sự cám dỗ của đồng tiền, lợi dụng các phương tiện kỹ thuật để bảo kê các loại tội phạm này. Vụ việc đã được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Chúng tôi có biện pháp chấn chỉnh, không để tình trạng này tiếp tục xảy ra" - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Sau vụ án này, Bộ Công an tiếp tục phá một số vụ án cá độ bóng đá hàng nghìn tỷ đồng, nhất là trong mùa World Cup 2018 vừa qua.
Nhiều nơi hoạt động tín dụng đen như đi cướp
Đặt câu hỏi chất vấn tại phiên họp, đại biểu Mai Sỹ Diễn (Thanh Hóa) nêu vấn đề trong thời gian qua, nhiều vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại lớn cho người dân, gây bức xúc trong xã hội thông qua việc huy động tiền, tài sản của nhân dân trong hoạt động kinh doanh đa cấp, tiền ảo trên mạng. Từ đó, đại biểu chất vấn về những nhiệm vụ, giải pháp để giải quyết loại tội phạm liên quan các lĩnh vực này.
Về tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết Bộ Công an xác định đây là một trong những nguyên nhân đẩy lượng tội phạm vi phạm pháp luật hình sự tăng cao trong thời gian vừa qua. Đây là cũng loại tội phạm xâm hại quyền sở hữu tài sản của người dân, cần tập trung xử lý nghiêm.
"Ranh giới giữa tội phạm hình sự và hoạt động kinh tế trong tín dụng đen là rất khó phân biệt trong đấu tranh. Tội phạm này có đất sống là do vẫn còn lượng lớn tiền nhàn rỗi trong dân và nhu cầu tiêu dùng, vốn cho sản xuất kinh doanh cũng là rất lớn. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng của chúng ta chưa giải quyết được cả hai nhu cầu này, để cho tội phạm tín dụng đen có đất để hoạt động ở lĩnh vực này" - Bộ trưởng Tô Lâm lý giải.
Qua theo dõi, đấu tranh, phần lớn đối tượng cầm đầu hệ thống tín dụng đen chủ yếu là những đối tượng hình sự cộm cán, có tiền án, tiền sự, lập các băng, ổ nhóm để thực hiện cho vay với lãi xuất cao. Có băng ổ nhóm thì siết nợ, đòi nợ thuê, sử dụng vũ khí để đe dọa, đánh đập, truy sát con nợ dẫn đến chết người, gây thương tích.
"Thậm chí nhiều nơi, hoạt động tín dụng đen này ngang nhiên như đi cướp, gây ra bức xúc trong nhân dân" - Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ.
Cũng trong hoạt động tín dụng đen, nhiều con nợ không có tiền trả nợ nên tâm lý hoang mang, hành động bột phát, phát sinh các vi phạm pháp luật để có tiền trả nợ dẫn đến các hành vi gây rối trật tự công cộng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Nhiều đối tượng lợi dụng các tổ chức kinh doanh để thực hiện hoạt động tín dụng đen.
Về giải pháp, Bộ Công an tập trung đấu tranh đối với những đối tượng cộm cán, cầm đầu đường dây tín dụng đen. Đồng thời, Bộ kiến nghị Chính phủ, các hệ thống tín dụng, ngân hàng về giải pháp huy động được lượng tiền nhàn rỗi trong dân, phát triển hệ thống tín dụng để nhân dân, doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận được nguồn vốn. "Lúc đó tín dụng đen sẽ không còn đất để hoạt động" - Bộ trưởng Bộ Công an nói.
Về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết thêm, qua nghiên cứu, bản chất của tín dụng đen là cho vay dân sự mà không qua các tổ chức tài chính, tín dụng chính thức. Các khoản vay không chính thức thường phục vụ cho nhu cầu vay tiền nhanh, nóng, gấp về mặt thời gian và các điều kiện cho vay nhanh gọn, đặc biệt lãi suất cho vay rất cao, dựa trên thỏa thuận giữa các bên mà không cần các cam kết.
Hoạt động này thường chủ yếu thông qua các hình thức hụi, họ, hoặc cho vay nặng lãi. Đối tượng cho vay thường là những người cần nhu cầu vay gấp để xử lý các vấn đề trong thường ngày.
Liên quan đến hoạt động này thường là một số đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật như đánh bạc, đòi nợ thuê... hoặc doanh nghiệp, người dân đến hạn trả nợ nhưng không có tiền nên phải tiếp cận các hình thức tín dụng không chính thức.
Thực tế cho thấy, một bộ phận người dân và doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhanh, gấp, mà các tổ chức tín dụng chính thức thì cần thời gian để thẩm định khi cho vay, có những cái quy định để phòng ngừa rủi ro.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, về góc độ quản lý nhà nước về tiền tệ, ngân hàng, trong thời gian vừa qua, Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo giải quyết rất quyết liệt, xử lý các tồn tại, hạn chế, bức xúc về tình trạng tín dụng đen trên địa bàn các tỉnh, thành phố trên cả nước, nhất là tại các vùng nông thôn.
Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều giải pháp, quy định về lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với mức lãi suất ưu đãi đồng thời tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tín dụng chính thức cho vay, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, thông qua các kênh ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ tín dụng nhân dân thì phần nào đã giải quyết được nhu cầu về tiếp cận vốn.
Về giải pháp, theo ông Lê Minh Hưng, trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các ngân hàng, đặc biệt như hệ thống ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các quỹ tín dụng nhân dân mở các chi nhánh, cung ứng các dịch vụ ngân hàng qua hình thức lưu động; ưu tiên áp dụng khoa học công nghệ mới trong giải pháp tiếp cận vốn và thanh toán.
Bên cạnh đó là thực hiện tốt hơn nữa các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi thông qua ngân hàng Chính sách xã hội; các chương trình đặc thù để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn một cách tốt hơn và chỉ đạo các tổ chức tín dụng để giải quyết xử lý đơn giản hóa các thủ tục cho vay cũng như thanh toán để tiếp cận vốn dễ hơn./.
Xuân Tùng - Thanh Vân (TTXVN/VIETNAM+)
Tags