Sau kỳ nghỉ Tết dài, nhiều dân tình bắt đầu nhen nhóm ý tưởng bỏ việc thành phố về quê sinh sống để được an nhàn, thảnh thơi. Liệu đây có phải là quyết định đúng đắn?
Hậu Tết Nguyên đán luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động vì nhiều người nghỉ việc, các công ty bắt đầu tuyển dụng. Lý do đã mệt mỏi vì cuộc sống bon chen thành phố muốn về quê tìm kiếm công việc mới, cơ hội mới được rất nhiều người đưa ra. Song, liệu đây có phải là lựa chọn đúng đắn?
Hãy cùng nghe những người trong cuộc, đã bỏ phố về quê chia sẻ.
Về quê 1 năm, sở hữu sổ tiết kiệm trăm triệu
Từng đảm nhiệm vị trí UX/UI designer cho một công ty tầm trung ở Hà Nội, Ngọc Diễm (25 tuổi) quyết định chuyển về quê Hải Dương sinh sống hẳn từ tháng 5/2022. Lý do của Ngọc Diễm là vì gia đình cô nàng chỉ còn một người bà đã lớn tuổi ở quê, cần có người chăm sóc.
Thời điểm mới về quê, Ngọc Diễm không thể tìm được công việc đúng chuyên ngành. Thất nghiệp, ở quê ít bè bạn lại không thích nghi được, Ngọc Diễm rất nản lòng và có ý định về lại thành phố. Song, sau đó cô nàng quyết định thử sức ở mảng khác và nhận được công việc mới là nhân viên telesales cho một ngân hàng ở gần nhà. Dù không làm việc đúng với chuyên ngành, song hiện tại Ngọc Diễm đã ổn định và hài lòng với cuộc sống mới.
“Mình cũng từng sợ việc ở quê sẽ chán và lương thấp. Thế nhưng khi về hẳn lại thấy rất ưng ý.
Thu nhập của mình giảm đi tận ½ nhưng bù lại mình không tốn tiền thuê nhà, chi phí ăn uống ở quê cũng rẻ. Ở quê không hội hè, đi chơi nhiều nên tiền mua sắm, chơi bời của mình cũng ít đi hẳn, mỗi tháng số tiền dư ra vẫn sêm sêm với hồi ở Hà Nội.
Cái lợi lớn nhất khi về quê sống là công việc của mình khá nhàn, hết giờ làm là đi về, không lo tăng ca, lo khách hàng feedback nửa đêm như xưa mà mình cũng có thêm nhiều thời gian ở nhà với bà. Mình dự định là đi làm thêm 1-2 năm nữa và tiết kiệm tiền rồi mở một cửa hàng quần áo, tự kinh doanh” - Ngọc Diễm chia sẻ.
Về phần Minh Long (27 tuổi), anh chàng vốn là kỹ sư xây dựng cho một công ty nước ngoài ở TP. Hồ Chí Minh nhưng đã quyết định về quê Lâm Đồng sống hẳn sau khi được nhờ hỗ trợ công ty mới của chú. Thu nhập của Minh Long sau khi về quê không giảm đi mà còn nhỉnh hơn lúc ở thành phố. Đồng thời, sinh hoạt phí của Minh Long cũng giảm bớt. Nhờ vậy, chỉ sau 1 năm chăm chỉ làm việc, Minh Long đã sở hữu được sổ tiết kiệm có hơn trăm triệu.
“Ngoài việc phụ giúp chú công việc ở công ty, mình cũng làm thêm việc môi giới nhà đất nên kiếm được cũng khá. Ban đầu về quê cứ sợ sự nghiệp chững lại, khó tìm cơ hội nhưng giờ lại thấy công việc ổn định hơn và bắt đầu tiết kiệm, có được những tài sản lớn như xe ô tô, mua được đất. Thế nên mình dự định sẽ ở hẳn, cất nhà, kết hôn và phát triển ở quê luôn” - Minh Long tâm sự.
6 tháng nhảy việc 4 nơi, cận Tết lại bị sa thải
Bên cạnh những người bỏ phố về quê vẫn ổn, có những dân tình lại “ăn hành” vì quyết định này. Điển hình như Thanh Thảo (24 tuổi).
Trước khi về quê TP. Buôn Ma Thuột, Thanh Thảo đảm nhiệm vị trí Copywriter cho một công ty ở TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, cô nàng cũng nhận được nhiều cơ hội làm việc bán thời gian, theo dự án khác với thu nhập có phần dư dả. Đổi lại, Thanh Thảo hầu như không có thời gian rảnh rỗi, liên tục phải làm việc cả ngày lẫn đêm. Sau khi sức khỏe xuống dốc, tinh thần trầm uất, Thanh Thảo quyết định nghe lời mẹ nghỉ việc ở thành phố, về quê nghỉ xả hơi.
Khi mới về, Thanh Thảo ngay lập tức nhận được đề nghị công việc đúng chuyên ngành với mức lương 10 triệu - con số khá cao ở quê nhờ cái “mác” từ TP. Hồ Chí Minh về. Cứ tưởng có công việc rồi, mọi thứ sẽ ổn định dần thế nhưng đời thực không như mơ. Bằng chứng là chỉ trong vòng 6 tháng, cô nàng đã phải đổi đến 4 công ty vì nhiều lý do.
Chưa kể, cứ nghĩ ở quê công việc sẽ nhàn hơn nhưng vì quy mô công ty nhỏ, không đủ nhân sự, khối lượng công việc của Thanh Thảo còn nặng hơn cả khi ở thành phố. Chuyện tăng ca đến 2-3h sáng xảy ra như cơm bữa nhưng không hề có tiền tăng ca hay thưởng dự án. Có khi vừa nhận việc chưa đầy tháng, công ty đã “sập” và cho toàn bộ nhân viên nghỉ, rồi không thanh toán đủ lương cho cô nàng.
“Ấm ức nhất là công ty vừa rồi mình làm, giữa tháng 12 quyết định sa thải mình không lý do. Không có hợp đồng lao động, giấy tờ gì rõ ràng nên mình cũng không thể làm gì. Lúc đó cũng đã cận Tết Nguyên đán, mình thử rải CV khắp nơi nhưng không có nơi nào phản hồi.
6 tháng liên tục nhảy việc, giờ mình đi xin việc cũng rất khó, hay bị hỏi về khoảng trống trong CV thời gian nhưng không biết giải thích như nào mới hợp lý” - Thanh Thảo tâm sự. Sau 6 tháng trải nghiệm cuộc sống ở quê, Thanh Thảo đã quyết định quay trở lại TP. Hồ Chí Minh.
Tương tự như Thanh Thảo, Đức Tài (22 tuổi) cũng “vỡ mộng” khi bỏ phố về quê.
Là nhiếp ảnh, trước khi về Gia Lai sống hẳn Đức Tài luôn nghĩ công việc của mình dù ở đâu cũng có thể làm tốt được. Sau khi về quê, Đức Tài nhanh chóng nhận được chân thợ chính ở một tiệm ảnh gần nhà với thu nhập gồm lương cứng và hoa hồng tính theo sản phẩm, dự án. Thế nhưng trong suốt 1 năm ở quê, Đức Tài liên tục rơi vào tình trạng túng thiếu, phải vay mượn vì “ế việc” do số lượng người chụp ảnh ở quê không nhiều.
“Chi phí sinh hoạt ở quê không cao nhưng song song đó, thu nhập cũng không cao để sống được mình vẫn phải chật vật như thời ở các thành phố lớn. Ngoài ra việc bỏ phố về quê khiến sự nghiệp mình chững lại vì không có cơ hội và môi trường để cọ xát nâng cao tay nghề hay xây dựng portfolio xịn xò như bạn bè.
Tuy nhiên, mình vẫn xem đây là một trải nghiệm xứng đáng để mình định hình rõ hơn về công việc và lộ trình phát triển của bản thân trong tương lai” - Đức Tài cho biết.
***
Bỏ việc thành phố về quê không phải là chuyện “đi chơi” vài hôm, hay chỉ để hưởng thụ, nghỉ ngơi nhàn hạ. Đó là hành trình mới, muốn sinh tồn được phải có quyết tâm, định hướng rõ ràng, bằng không, bạn sẽ khó trụ nổi. Thế nên, trước khi quyết định bỏ phố về quê, hãy suy xét kỹ ở nhiều góc độ để tránh hối hận, bạn nhé!
Tags